Bao câu hỏi được đặt ra: Không hiểu việc lưu thông trên tuyến cao tốc có bị hạn chế không? Trước tình hình dịch bệnh, đã có những tỉnh ngăn người và phương tiện từ tỉnh có dịch sang tỉnh mình. Rồi chúng tôi-những người làm việc trên tuyến cao tốc này phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khá lớn. Nếu để lây nhiễm dịch bệnh trong đội ngũ làm công tác quản lý, vận hành sẽ là nguy cơ ảnh hưởng đến lưu thông. Chúng tôi luôn xác định, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải góp sức mình để đường cao tốc bảo đảm thông suốt, góp sức cho "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Chúng tôi đã triển khai thực hiện phương án "tự cách ly". Nói "tự cách ly" là bởi cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, vận hành, thu phí trên tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn làm việc và sinh hoạt tại các trạm thu phí, không về nhà, không tiếp xúc với người ngoài để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi bố trí 70% nhân viên thu phí làm nhiệm vụ, 30% còn lại là những trường hợp phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc vì hoàn cảnh riêng không ở lại đơn vị được thì làm việc tại nhà, xem như lực lượng dự bị.

Đã hơn một tháng nay, hơn 100 cán bộ, nhân viên của xí nghiệp quản lý vận hành đường cao tốc xa gia đình, cuộc sống chỉ gói gọn trong phạm vi trạm thu phí. Toàn tuyến có 6 trạm thu phí, mỗi trạm thường trực gần 20 người. Đã thành thói quen mỗi lần giao ca, không ai quên các biện pháp phòng dịch, sát khuẩn tay, mang tấm chắn ngăn giọt bắn, đeo khẩu trang đầy đủ. Ngay tại các trạm thu phí, mọi người cũng thực hiện nghiêm quy định giãn cách những lúc ăn cơm, trong cuộc sống hằng ngày, hạn chế tiếp xúc gần. Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, không còn khái niệm thứ bảy, chủ nhật vì quân số ít hơn, người ở lại trạm làm cả phần việc những người đang ở nhà.

Ai cũng có những nỗi lo riêng, nhất là lo lắng cho gia đình trong lúc mình xa nhà. Đội ngũ làm công tác thu phí đa phần là phụ nữ, nhiều người con còn nhỏ, những ngày "tự cách ly" công việc gia đình phải giao hết lại cho chồng con, người thân. Đó cũng là nỗi vất vả khó giãi bày, chia sẻ. Gia đình tôi đang sinh sống ở thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), một trong những nơi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Ở nhà có bố, mẹ, vợ và con nhỏ, những việc cần quán xuyến trong gia đình chủ yếu vợ phải đảm đương. Công việc buôn bán của vợ cũng hạn chế để bảo đảm quy định giãn cách xã hội. Vợ chồng tôi vẫn động viên nhau rằng gia đình mình còn may mắn hơn nhiều người khác, nhất là những trường hợp phải đi điều trị hoặc đi cách ly và nhiều người bị giảm sút thu nhập, không có việc làm. Cả xã hội đang chống dịch, mỗi người nỗ lực làm tốt công việc của mình, tuân thủ các quy định để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cũng là góp sức cho cuộc chiến với Covid-19.

Một điều có thể cảm nhận rất rõ là mặc dù còn bao nỗi lo nhưng anh em cán bộ, nhân viên tại trạm thu phí đều luôn nỗ lực hết mình vì công việc. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở trạm thu phí cũng được bảo đảm tốt. Đối với những người ở lại trạm, đơn vị có chính sách hỗ trợ tiền ăn cũng như các sinh hoạt phí khác, giúp anh em yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Chính quyền địa phương cũng nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi, ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nhân viên thu phí, những người thường xuyên tiếp xúc với người tham gia giao thông. Đến nay, hơn 100 người tại các trạm thu phí đã được tiêm phòng. Chúng tôi cũng luôn xác định, cuộc chiến với dịch Covid-19 không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai, vì vậy, mỗi người phải chấp nhận đối mặt với nó, đối mặt với bao khó khăn từ nó, sẵn sàng tiếp tục "tự cách ly" thực hiện nhiệm vụ, để góp phần giúp phương tiện lưu thông thông suốt trên tuyến huyết mạch giao thông.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Nguồn: https://www.qdnd.vn/tren-tuyen-dau-chong-dich/nhat-ky-doi-mat-covid-19/tu-cach-ly-de-giu-vung-huyet-mach-giao-thong-662417