Cao tốc Bắc - Nam:

Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong nước?

11/06/2019

(VLR) Trao đổi về đề án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (AVINA) bày tỏ những băn khoăn về khoảng trống pháp lý khi xử lý tranh chấp (nếu có) giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, ông đưa ra các dẫn chứng cho rằng doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia thực hiện các dự án giao thông của quốc gia.

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (AVINA)

Những khoảng trống pháp lý...

Thưa ông, đề án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố chi tiết, đã mời thầu, tiến tới xây dựng. Việc mở thêm một tuyến đường, lại là đường cao tốc đương nhiên mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, dự án xây dựng này còn điều gì khiến ông phải băn khoăn không?

PGS.TS. Trần Chủng: Có, tôi có một số băn khoăn. Trước nhất là vấn đề phân lưu. Vấn đề này cần đặt ra để giải quyết trước khi bắt tay vào xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Chúng ta đã biết, trên tuyến quốc lộ 1A có nhiều dự án mở rộng đã hoàn thành và đang trong thời gian thu phí hoàn vốn. Đặc biệt, có những công trình hầm xuyên núi được xây dựng với tổng mức đầu tư rất lớn, quá trình hoàn vốn phải thực hiện trong rất nhiều năm. Việc thực hiện một dự án cao tốc chạy song song sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của những dự án mở rộng quốc lộ 1A. Thiệt hại của các nhà đầu tư dự án này ai chịu trách nhiệm? Thiết nghĩ, vấn đề này các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có cái nhìn bao quát, cân nhắc để giải quyết hợp lý, thấu đáo.

Hầm đường bộ Đèo Cả - một trong những công trình tiêu biểu do nhà đầu tư trong nước thực hiện

Mới đây, Bộ GTVT vừa tổ chức hội nghị mời đầu tư và hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam đã được phát đi, dưới góc nhìn của một chuyên gia ông có bình luận gì về những điều kiện đấu thầu đường cao tốc này?

PGS.TS. Trần Chủng: Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định không phân biệt bất cứ nhà đầu tư dù đến từ nước nào miễn có đủ kinh nghiệm, năng lực, chi phí thực hiện dự án hợp lý sẽ được lựa chọn công khai qua đấu thầu quốc tế. Theo tôi, lập luận này nghe qua có vẻ minh bạch, bình đẳng trong đầu tư. Nhưng, nhìn vào các điều kiện đấu thầu sẽ thấy thành phần doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc chơi trên sân nhà. Với những rào cản về yêu cầu rất cao ở năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư, vấn đề tiếp cận nguồn vốn trong nước, vấn đề lãi suất và giới hạn tín dụng... vô hình chung đã loại nhà đầu tư trong nước, thành phần “động lực của nền kinh tế quốc gia” ra khỏi cơ hội dự phần vào công cuộc kiến thiết đất nước. Chỉ xem qua điều kiện về năng lực kinh nghiệm thì rõ ràng nhà đầu tư trong nước thua cuộc ngay từ vòng sơ khảo.

Ông có thể lý giải vì sao các nhà đầu tư đến từ Pháp, Nhật,... “không mặn mà” với dự án này, trong khi đó nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc lại rất quan tâm?

Chúng ta cần đặt vấn đề, nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia những dự án lớn thì làm sao họ lớn được, làm sao họ phát triển, làm sao họ đảm đương được vai trò “động lực của nền kinh tế đất nước”?

PGS.TS. Trần Chủng: Qua thông tin tôi được biết đã có hơn 90 bộ hồ sơ cho 8 dự án BOTđược phát đi. Trung bình mỗi dự án hơn 10 nhà đầu tư quan tâm. Điều đó thể hiện dự án có sức hút đấy chứ. Nhưng điều nhà đầu tư nước ngoài, các nước như Pháp, Nhật,... sự quan tâm hàng đầu của họ là khi đầu tư vào Việt Nam, các rủi ro sẽ được xử lý như thế nào và đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý sẽ được xử lý tranh chấp ra sao? Tại hội nghị do Bộ GTVT tổ chức vừa qua, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi ngược lại Chính phủ về những vấn đề đó. Đây là sự chuyên nghiệp của họ, vì trong thực tế chúng ta chưa có quy định hay bất cứ quy chế bảo lãnh rõ ràng nào khiến họ e ngại.

Vậy còn lại ai? Còn lại các nhà đầu tư nào, và chỉ là nhà thầu từ Trung Quốc. Họ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nói trên để đầu tư vào những dự án tại Việt Nam.

Là trọng tài viên của Trung tâm trọng tài Quốc tế tại Việt Nam (VIAC), ông có thể chỉ ra những bất cập tiềm ẩn khi giải quyết tranh chấp hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài?

PGS.TS. Trần Chủng: Qua thực tế giải quyết tranh chấp tại VIAC cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng. Còn nhiều khoảng trống về pháp lý mà các nhà đầu tư cần quan tâm để tránh sự lúng túng khi xảy ra tranh chấp hợp đồng.

Thứ nhất, là chúng ta thường không xem xét tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài cần được tiến hành trên cơ sở pháp luật nước ngoài liên quan mà thường xem xét trên cơ sở các quy định về tư cách doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài được quyền thỏa thuận áp dụng pháp luật cho quan hệ của họ. Trên thực tế, việc thỏa thuận áp dụng luật nào trong xử lý tranh chấp là một công việc không dễ dàng. Hợp đồng với các nhà đầu tư Trung Quốc tại một số dự án thời gian qua là những ví dụ điển hình về sự lúng túng trong giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, pháp luật của Việt Nam được xây dựng chủ yếu điều chỉnh các quan hệ không có yếu tố nước ngoài. Khi giao kết hợp đồng, các bên mà không chọn luật áp dụng thì hay xảy ra tranh chấp. Lúc đó lại phải áp dụng tập quán quốc tế để xử lý tranh chấp.

Vậy, đối với nhà đầu tư trong nước cần lưu ý điều gì, thưa ông?

PGS.TS. Trần Chủng: Thông thường, các dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện trong nhiều năm. Khi Nhà nước thay đổi chính sách (ví dụ chính sách tiền lương) làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, thì các nhà đầu tư cần biết về trường hợp nào có thể điều chỉnh hợp đồng mà không cần có sự thỏa thuận trước. Sự phát triển nhanh của xã hội cùng sự hội nhập và mở cửa, pháp luật Việt Nam thay đổi rất nhanh dẫn đến việc xung đột.

Rồi, quyền lợi của các bên trong trường hợp văn bản chồng chéo, văn bản nào có pháp lý cao hơn? Điều kiện áp dụng khi xử lý vi phạm hợp đồng có phải ghi trong cam kết hợp đồng hay không?

Hãy tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước

Trở lại điều kiện đấu thầu xây dựng các dự án tuyến cao tốc này, đâu là những điều kiện khó đối với nhà đầu tư trong nước, thưa ông?

PGS.TS. Trần Chủng: Về năng lực, với yêu cầu nhà đầu tư phải từng thực hiện các dự án có quy mô tương tự và phải có vốn chủ sở hữu đã từng góp tương đương với dự án hiện nay. Phải biết rằng đây là những dự án với tổng mức đầu tư rất lớn. Trước nay, rất ít dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam có tổng mức đầu tư lớn mà doanh nghiệp trong nước tham gia và luật cũng quy định góp vốn chủ sở hữu chỉ ở mức thấp.

Về tài chính, các nhà đầu tư trong nước hiện nay muốn thực hiện các dự án sẽ phải huy động nguồn vốn tín dụng trong nước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn tín dụng trong nước đang rất khó khăn do các ngân hàng thương mại coi đầu tư BOT là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang siết chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Thực tế trong thời gian gần đây, bằng những công trình đạt tầm quốc tế lần đầu tiên xây dựng thành công ở Việt Nam như: Landmark 81, Hầm đường bộ qua Đèo Cả... đều do nhà đầu tư, nhà thầu trong nước thi công là minh chứng rõ ràng về tiềm năng con người Việt khi họ biết tích lũy kinh nghiệm, tổ chức và khai thác tốt nguồn lực.

Bên cạnh đó, hồ sơ dự tuyển hiện áp dụng mức lãi suất thấp hơn 5% - 6% lãi suất ngân hàng. Đây là mức chênh lệch mà khó có nhà đầu tư trong nước nào chịu được.

Vậy, theo những phân tích trên của ông thì cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia làm cao tốc Bắc – Nam gần như không thể?

PGS.TS. Trần Chủng: Tôi nghĩ, muốn doanh nghiệp trong nước tham gia thì phải sửa các tiêu chí đấu thầu, cho phép nhà đầu tư

trong nước liên danh, để họ được bổ sung những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu cho nhau. Chúng ta cần đặt vấn đề, nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia những dự án lớn thì làm sao họ lớn được, làm sao họ phát triển, làm sao họ đảm đương được vai trò “động lực của nền kinh tế đất nước”?

Từ những điều kiện tham gia đấu thầu tôi thấy rằng, Bộ GTVT đang đánh giá dự án dựa trên tổng mức đầu tư, dựa vào vốn chủ sở hữu... nghĩa là dựa vào tiền mà không dựa vào phân cấp kỹ thuật công trình.

Với yêu cầu đường cao tốc từ 4 đến 8 làn đường dài 60km, ở góc độ công nghệ, kỹ thuật, tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp trong nước đủ sức làm tốt những dự án đường cao tốc ở cấp công trình đó. Thực tế, tại một số công trình do người Việt thực hiện đã chứng minh điều này.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, sự chuyên nghiệp trong cách thức tổ chức thi công của doanh nghiệp trong nước đã bắt kịp với các nước chưa, thưa ông?

PGS.TS. Trần Chủng: Nên nhìn vào thực tế trong thời gian gần đây, bằng những công trình đạt tầm quốc tế lần đầu tiên xây dựng thành công ở Việt Nam như Landmark 81, Hầm đường bộ qua Đèo Cả,... đều do nhà đầu tư, nhà thầu trong nước thi công là minh chứng rõ ràng về tiềm năng con người Việt khi họ biết tích lũy kinh nghiệm, tổ chức và khai thác tốt nguồn lực.

Nhà đầu tư Việt Nam đã thi công hầm đường bộ bằng các công nghệ tiên tiến với độ chính xác cao trong khoan hầm xuyên núi. Hệ thống trang thiết bị vận hành hầm hiện đại với hàng chục thông tin về ánh sáng, thông gió, hàm lượng khí độc hại, các tiêu chí đảm bảo an toàn giao thông... được tự động cập nhật và lưu trữ tại trung tâm điều hành (TMC) 24/24. Sử dụng thiết bị không người lái (Drone) trong các hoạt động khảo sát lựa chọn tuyến, công tác giải phóng mặt bằng, công tác kiểm tra thi công trên hiện trường. Áp dụng các nguyên tắc về phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông theo nguyên tắc: “Qua núi thì đào hầm; Qua thung lũng thì bắc cầu” và tạo cung đường sinh thái cho mọi công trình giao thông cần phải quan tâm thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Quang Thành/VLR
http://vlr.vn/giao-thong/cao-toc-bac-nam-co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-trong-nuoc-4791.vlr