Chấn chỉnh công tác hiện trường tại Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

10/04/2019

Ngày 08/04/2019, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã trực tiếp khảo sát hiện trường, làm việc với Ban điều hành, các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát của tuyến cao tốc này.

Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng làm việc với các nhà thầu, tư vấn giám sát trên xe điều hành

Khi thị sát hiện trường Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Tiền Giang) với sự quyết liệt, thẳng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề vướng mắc tồn tại lâu nay ở Dự án, ông Hồ Minh Hoàng yêu cầu báo cáo cụ thể và nhanh chóng đưa ra các phương án chỉ đạo tháo gỡ.

Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng công tác điều hành Dự án còn nhiều bất cập, phải điều chỉnh ngay. Cụ thể, công tác báo cáo hiện trường chưa được chuẩn bị tốt, hoạt động tư vấn lộn xộn, quá nhiều tư vấn con chưa chuyên nghiệp... yêu cầu chấn chỉnh hoạt động điều hành, cơ cấu lại công tác tư vấn giám sát để làm sao đảm bảo minh bạch hiệu quả không gây phiền cho Nhà thầu. Ông Hồ Minh Hoàng thẳng thắng chỉ ra các công việc chưa đảm bảo dẫn đến việc ảnh hưởng chất lượng công trình.

Trước khó khăn về tài chính mà các Nhà thầu chia sẻ, ông Hồ Minh Hoàng đưa ra giải pháp đánh giá lại năng lực của Nhà thầu qua đó sử dụng nguồn vốn của Tập đoàn Đèo Cả hiện có và hạn mức tín dụng để làm việc với các nhà cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị thi công.... nhằm cung cấp cơ bản cho các nhà thầu thi công trên cơ sở Ban điều hành phê duyệt lại tiến độ thi công chi tiết của từng hạng mục, từng gói thầu và thống nhất với các nhà thầu ký cam kết (kể cả việc huy động vốn tín dụng ngắn hạn của nhà thầu để thi công trước khi giải ngân được vốn vay ngân hàng) với chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ thi công dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng trao đổi với các nhà thầu, tư vấn giám sát: “Chúng ta phải làm sản phẩm cho ra sản phẩm, các nhà thầu không được “biểu diễn”. Nhà đầu tư sẽ hỗ trợ các Nhà thầu có cơ sở tiếp tục thi công dự án nhưng đồng thời cũng kiểm soát dòng tiền đưa vào Dự án thông qua việc hỗ trợ vật liệu, các cam kết cụ thể về tiến độ thông qua chương trình bình ổn giá để tránh việc biến động giá, đảm bảo việc tập kết vật liệu cơ bản và thống nhất với Ngân hàng việc kiểm soát sử dụng dòng tiền tại Dự án. Mặc dù thủ tục pháp lý bị vướng rất nhiều từ sau khi có chủ trương của Thường trực Chính phủ, các yêu cầu cụ thể của Nhà đầu tư vẫn chưa được tỉnh Tiền Giang giải quyết cụ thể. Ngoài ra, Tiền Giang đang tiếp tục hỏi lại sự hợp pháp ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ về việc giao cho tỉnh này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang là vấn đề lớn của Dự án.

Chủ tịch HĐQT Hồ Mình Hoàng thị sát hiện trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Nhà đầu tư đang e ngại về khả năng tổ chức của thực hiện ý kiến của chỉ đạo Chính phủ của địa phương, các thủ tục pháp lý triển khai chưa được giải quyết cụ thể thì việc có tiền cho Nhà thầu, cho Dự án sẽ còn rất lâu. Việc cam kết thông xe của Dự án vào năm 2020 sẽ không chỉ là trách nhiệm của Nhà đầu tư mà còn các bên liên quan như địa phương, ngân hàng... Mong mỏi của người dân ở ĐBSCL đã được Chính phủ chỉ đạo cụ thể, quyết liệt nhưng khả năng tổ chức thực hiện những cam kết từ địa phương chưa thật sự trách nhiệm.

Ông Phan Anh Dũng, Giám đốc nhà đầu tư Tuấn Lộc cho biết: “Sau khi Tập đoàn Đèo Cả vào điều hành dự án đã tháo gỡ được cơ bản các vướng mắc tồn tại trước đó nhiều năm. Khó khăn hiện tại của dự án vấn là vốn cũng đã bước đầu được tháo gỡ từ sự chủ động của Nhà đầu tư ”.

Ông Hoàng Văn Lâm , Giám đốc Điều phối Tư vấn giám sát của Tư vấn Tedi thừa nhận: “Từ trước tới nay, số lượng đầu mối tư vấn giám sát quá nhiều, việc phối kết hợp và đồng nhất có những khó khăn nhất định. Chức năng, nhiệm vụ của văn phòng trung tâm điều phối không rõ ràng, quy chế phối hợp chỉ đạo thực hiện chưa hiệu quả, các biểu mẫu hồ sơ thiếu nhất quán rất khó kiểm soát”.

Từ đó, Giám đốc Điều phối Tư vấn giám sát của Dự án bày tỏ vui mừng: “Đội ngũ tư vấn giám sát ở các văn phòng rất tin tưởng vào khả năng điều hành của Tập đoàn Đèo Cả. Với các giải pháp thiết thực và cụ thể của Chủ tịch HĐQT đã mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà thầu thi công hoàn thành đúng tiến độ. Yêu cầu của Chủ tịch HĐQT tổ chức lại bộ máy của tư vấn giám sát chắc chắn sẽ làm cho hoạt động này khoa học hơn, hiệu quả hơn”.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51.1Km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung, được khởi động từ ngày 07/02/2015, do liên danh các nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII; Đại diện CQNNCTQ: Tổng công ty ĐTPT và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM).

Việc nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh liên quan đến các vụ án hình sự đang bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra làm rõ, các điều kiện giải ngân vốn tín dụng bất hợp lý, các cơ sở đầu vào của phương án tài chính không đảm bảo, lãi suất vay vốn tín dụng thấp, tổng mức đầu tư không đảm bảo khiến Dự án lâm vào bế tắc.

Sau khi tăng cường nhân sự cao cấp để quản trị và điều hành từ Tập đoàn Đèo Cả, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã rà soát lại Dự án và đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn. Hiện tại các đề xuất của Công ty đã cơ bản được Chính phủ và các Bộ, ngành đồng thuận qua các văn bản như: Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 18/02/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng...

Đặc biệt, Thường trực Chính phủ đã họp vào ngày 20/02/2019 và đã Kết luận việc tháo gỡ các vướng mắc của dự án tại Thông báo số 99/TB - VPCP ngày 18/3/2019. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo: tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước, sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án.

Q.T