Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng:

“Nhà thầu xây lắp Việt Nam cúi đầu làm, quan sát xung quanh và nỗ lực vươn tầm thế giới”

13/10/2023

“Nhà thầu xây dựng giao thông Việt Nam cúi đầu làm, quan sát xung quanh và nỗ lực vươn tầm thế giới” - Đó là những chia sẻ từ ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

PV: Thưa ông, là một nhà đầu tư lớn đầu tư vào hạ tầng giao thông, ông cho rằng cách thức nào mà những nhà đầu tư tư nhân đạt những thành tựu như thời gian qua?

Ông Hồ Minh Hoàng: Tôi nghĩ là hiện nay, cái quan trọng nhất của một doanh nghiệp ở Việt Nam là phải có khát vọng, sự kiên định và sự tri ân. Khát vọng, nói nghe có vẻ cao siêu, nhưng thực ra là mong muốn của mình làm được gì cho đất nước, cho người dân, cho doanh nghiệp của mình và cho người lao động tham gia, đặc biệt là cho cả đội ngũ của mình.

Điều thứ hai, tôi nói về kiên định. Nếu không kiên định khó làm được việc lắm. Kiên định là phải theo đuổi, phải biết chống chọi và phải vượt khó, vì chính sách bất cập nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang trải qua môi trường mà sự tác động của thế giới ảnh hưởng đến tình hình trong nước như dịch bệnh, chiến tranh, biến động liên tục. Nếu không kiên định, không tiếp tục theo đuổi thì các nhà đầu tư hạ tầng giao thông cũng như các nhà thầu Việt Nam không thể đeo đuổi tiếp tục thực hiện việc của dự án.

Thứ ba, tôi nói về sự tri ân. Ngay cả trong lúc khó khăn, chúng tôi luôn luôn biết ơn Đảng và Nhà nước và ngành Giao thông, sự quan tâm của chính quyền các địa phương. So sánh với ngành Bất động sản thì rõ ràng chúng tôi có sự vượt trội, có cơ hội đem đến công ăn việc làm, tạo ra dòng tiền và đâu đó thì tạo ra được một sức sống của doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi có gặp khó khăn, nhưng vẫn có cơ hội.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là công trình giúp giảm tải cho Quốc lộ 1A, là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Chúng tôi tri ân và biết ơn người dân đã tạo điều kiện, những mong muốn người dân về những cung đường hiểm trở, những con đèo nguy hiểm, tạo điều kiện cho chúng tôi để chứng minh được năng lực của nhà thầu Việt Nam, năng lực của nhà đầu tư Việt Nam “dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm”. Biết ơn những người cộng sự của mình là các doanh nghiệp, họ đã biết chia bùi sẻ ngọt, biết đồng hành để cùng vươn tầm, để sao giải quyết được những dự án công trình khó khăn cho đất nước. Tôi biết cơ chế bất cập khó khăn, rủi to vẫn tiếp tục, kể cả sự cạnh tranh của đối thủ trong và ngoài nước. Điều này cũng tạo cho tôi một điểm tựa để làm gì đã làm tạo ra sức bật như Newton có nói là “Hãy cho chúng tôi một điểm tựa, chúng tôi có thể nâng cả trái đất này lên”.

Tập đoàn Đèo Cả công bố thành lập Viện Nghiên cứu, đào tạo để chủ động đáp ứng một phần nhu cầu tuyển dụng quy mô lên đến 20.000 nhân sự

PV: Thưa ông, doanh nghiệp Việt đã làm được một điều là biến khó khăn thành động lực thế thì những giải pháp nào mà doanh nghiệp tập trung để có thể thi công những dự án lớn và khó đảm bảo tiến độ và chất lượng?

Ông Hồ Minh Hoàng: Doanh nghiệp Việt cũng như bao doanh nghiệp khác, đầu tiên là họ phải biết tối ưu về mặt quản trị, tối ưu về mặt công nghệ và hơn thế nữa thì phải biết chắt chiu, phải biết thực hiện phương thức: Quản người - Quản việc - Quản lợi ích.

Xây dựng được bộ máy nhân sự không phải trong ngắn hạn, dài hạn và hoạch định cho những phương thức, những cách làm mới. Quản việc là phải lập ra một kế hoạch chi tiết để hành động theo công việc của mình phù hợp với từng giai đoạn của đất nước. Ví dụ như giai đoạn hiện nay là đang tập trung đầu tư công giai đoạn tiếp. Giai đoạn tiếp theo là PPP, là Metro, đường sắt thì phải biết những công việc đó.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả tiếp quản dự án thay cho nhà đầu tư cũ là Tổng Công ty UDIC.

Cuối cùng là phải biết lấy lợi ích làm trọng. Tôi nói là đặt lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân lên làm tối thượng và đâu đó thì phải có lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích cổ đông của người lao động và chắc chắn có một điều tôi không thể tự dối lòng là phải có lợi ích của cá nhân. Lợi ích như thế nào phải phù hợp, “miệng làm hàm nhai”, không có hình thức, làm phải được hưởng, nếu không có chúng tôi không thể nào mà có một sức bật tốt hơn, có sự tích cực, có một sự sáng tạo tốt hơn. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo trước công trình, ý tưởng táo bạo để kiểm tra năng lực sang tạo, từ đó tích lũy kinh nghiệm và không ngừng đổi mới.

PV: Thưa ông, trên bước đường thành công thì không có dấu chân của những người lười biếng. Tập đoàn Đèo Cả đã in dấu trong quá trình mà chúng ta hiện thực hóa mục tiêu 5.000km đường cao tốc trong tương lai. Vậy thì gắn bó với ngành Giao thông, tham gia nhiều dự án ngành giao thông, ông cho rằng yếu tố nào quyết định tới thành công?

Ông Hoàng Minh Hoàng: Yếu tố của sự chung tay. Ở đây ai cũng biết khó thì phải chung tay. Chúng tôi thường khi giải bài toán khó khi thực hiện những dự án khó. Ví dụ như dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, hai dự án đều xảy ra vào tình trạng gặp những đối tượng hình sự hoặc là dự án có những phương thức tài chính hoặc những dự án mà nhà đầu tư, nhà thầu bỏ của chạy lấy người, chúng tôi phải xác định là muốn thông đường, các bên có cùng trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của nhà đầu tư, trách nhiệm của nhà thầu và trách nhiệm của người dân. Người dân cũng phải hiểu và chia sẻ chứ còn nếu mình thì chúng tôi không làm được. Tôi nói là trách nhiệm thể hiện trách nhiệm của các bên.

PV: Áp lực giữa tiến độ và cơ chế quản lý, độ vênh giữa kế hoạch và thực tiễn, nguy cơ nhà thầu và dự án lật lại hồ sơ, ông có quan điểm thế nào?

Ông Hồ Minh Hoàng: Có trường hợp Ban Quản lý và các bên luôn giục, làm đi, nhanh lên, nhưng khi có sự cố thì chúng tôi bị đào lại trách nhiệm. Chúng tôi cũng quyết liệt, chúng tôi cũng dấn thân, nhưng chúng tôi không thể liều mạng được, phải cùng nhau chia sẻ. Nếu chưa giải quyết được hết các vấn đề tốt nhất đừng đưa công trình vào hoạt động. Đường chạy rồi mới xét ra tội thì khổ lắm. Chúng tôi kiến nghị cần có chính sách thiết thực, tạo cho chúng tôi một cơ chế, tôi và các doanh nghiệp sẽ tập hợp đội ngũ cộng sự đầu ngành, tập hợp đội ngũ công nhân kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại đón đầu xu thế tất yếu. Ví dụ công nghệ BIM, nhập khẩu chương trình đào tạo, công nghệ đường sắt... Doanh nghiệp cùng Nhà nước đào tạo lại nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề xuất cùng thay đổi định mức, đơn giá, cách áp dụng đã cũ, đã lạc hậu, các quy định về hoá đơn chứng từ trước sau không thống nhất gây bế tắc trong quá trình thi công, giảm rủi ro cho nhà thầu và lãnh đạo cơ quan quản lý dự án.

Tập thể công nhân, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả đang thi công hầm Núi Vung, thuộc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (ảnh: Cao Hùng).

PV: Với tư cách nhà thầu, nhà đầu tư, niềm tự hào của doanh nghiệp Việt là xây dựng những công trình lớn để đảm bảo là tiến tới mục tiêu là một Việt Nam hùng cường. Nhân dịp Ngày Doanh nhân, cảm xúc của ông cũng như động lực nào để ông chèo lái doanh nghiệp tiếp tục thực hiện sự nghiệp đồng hành cùng đất nước?

Ông Hồ Minh Hoàng: Ngày hôm qua, Bộ Giao thông vận tải và Tập đoàn Đèo Cả đã phát động cuộc thi đua “100 ngày về đích”. Qua đó, chứng minh một điều là công nhân, kỹ sư là những người rất thông minh giỏi giang, đã tiếp cận công nghệ ATM, làm chủ được công nghệ. Hiện nay, chúng tôi thi công các hầm không phải theo công nghệ bình thường là khoan sâu 4 mũi mà còn khoan sâu 6 mũi, cải tiến cả về quy trình ứng dụng nước thải để tái sử dụng lại để làm sạch môi trường.

Những sáng kiến từ người công dân, người thợ nêu ra về cách quản lý và an toàn lao động và chất lượng công trình cũng không thua gì các nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Niềm tự hào về dân tộc Việt Nam rất khát vọng, dân tộc Việt Nam rất kiên định và dân tộc Việt Nam phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết sẽ giải quyết được bài toán khó hiện nay và tương lai. Họ biết chung tay, biết cùng nhau đoàn kết xây dựng thì sẽ xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.

PV: Tại sao Nhà thầu xây dựng Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh trên trường quốc tế? Điều kiện gì để thúc đẩy Nhà thầu xây dựng Việt Nam vươn tầm quốc tế, thưa ông?

Ông Hồ Minh Hoàng: Khách quan, thực tế các Nhà thầu quốc tế tìm đến đặt vấn đề hợp tác với Nhà thầu trong nước trong các công trình lớn ngày càng tăng lên. Điều đó cho thấy, Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã khá hơn, tốt hơn trước rất nhiều. Nhưng muốn khá hơn, muốn tốt hơn nữa thì phải trông chờ vào sự quan tâm của Nhà nước, phải trông chờ vào hệ thống phát triển, trông chờ vào cơ chế chính sách của Nhà nước.

Dự án mở rộng đường bộ Hải Vân 2 hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2021.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Hàn Quốc có các thương hiệu như Huyndai, Samsung; Nhật Bản có các Tập đoàn danh tiếng, nhưng Việt Nam chưa có nhà thầu vươn tầm quốc tế?

Chúng tôi ngồi phân tích với nhau, lý do là họ hợp tác với nhau, không có câu chuyện “đụng chạm” vào nhau, bắt tay với nhau, liên kết với nhau cùng nhau phát triển. Việt Nam cũng như vậy thôi. Khi đã chung một khát vọng, cùng chung chí hướng, cùng chung nền văn hóa, chúng tôi có cách liên kết với nhau. Không chỉ liên kết với doanh nghiệp, Tổng Công ty hàng đầu mà Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhưng khi đến các địa phương, chúng tôi chia sẻ cùng doanh nghiệp địa phương, xây dựng công trình. Tăng cường hợp tác, học tập nguồn lực, tối ưu sản xuất thông qua quá trình làm việc với các đối tác quốc tế. Thời gian qua, chúng tôi đã nghiên cứu các tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Học tiếng nước ngoài để nhích gần các đối tác nước ngoài.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ninh Nhi

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/chu-tich-tap-doan-deo-ca-ho-minh-hoang-nha-thau-xay-lap-viet-nam-cui-dau-lam-quan-sat-xung-quanh-va-no-luc-vuon-tam-the-gioi-362544.html