Doanh nghiệp là “nồi cơm” của đất nước

24/10/2018

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng đưa ra quan điểm, doanh nghiệp là “nồi cơm” của đất nước, doanh nhân là những “con gà” đẻ trứng vàng. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, Singapore đã xây dựng chiến lược phát triển độc đáo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp và các chính sách phải tạo được sự đột phá cho doanh nghiệp. Những năm qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Đất nước muốn phát triển thì cần có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh. Ý thức được vấn đề đó, từ năm 2004 Chính phủ đã chọn ngày 13 tháng 10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, động viên, chia sẻ với đội ngũ doanh nhân đã vượt qua mọi khó khăn, chung tay xây dựng đất nước ngày một phát triển phồn thịnh.

Vietjet

Thời gian qua, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT, nhiều đường bay mới được mở ra tạo sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh. Có được thành quả đó không thể không kể đến những đóng góp của đội ngũ doanh nhân.

Đưa "giấc mơ bay" Việt Nam vươn xa

Vietjet Air bước vào “cuộc chơi” hàng không dân dụng từ cuối năm 2011 do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Tổng Giám đốc trong bối cảnh đã có khá nhiều người “ôm mộng” phá thế độc tôn của Vietnam Airlines nhưng đều đã phải nhận những thất bại cay đắng. Nhà sáng lập kiêm CEO Hãng Hàng không giá rẻ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã từng bị nghi ngờ, thậm chí không ít người dự liệu về một “bại binh” nữa của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines. Nhưng rồi người phụ nữ đó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của ngành Hàng không Việt Nam. Tháng 02/2017, Vietjet Air bước chân lên sàn chứng khoán bằng một cuộc IPO hoành tráng và đưa bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành một trong 56 nữ doanh nhân - tỷ phú tự thân hàng đầu thế giới.

Cho đến hết năm 2017, tổng doanh thu thuần của Hãng đạt gần 42.258 tỷ đồng, tăng 53,7% so với năm 2016 và vượt 0,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng, tăng 75,9% so với năm 2016 và vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng. Bên cạnh đó, đội tàu bay được bổ sung thêm 17 tàu (trong đó có 01 tàu bay hiện đại A321 NEO - tàu bay Airbus NEO đầu tiên tại Đông Nam Á) và mở thêm 22 đường bay mới (01 đường bay nội địa và 21 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay khai thác lên con số 82, trong đó có 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế, vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách trong năm 2017. Doanh thu vận chuyển hàng không cả năm đạt 22.577 tỷ đồng, tăng 41,8% so với năm 2016 và vượt 4,6% kế hoạch năm; tỷ lệ đúng giờ cả năm 2017 đạt 85,59%.

Dấu ấn công trình mang tên Vua hầm đèo Cả

Nếu Phạm Thị Phương Thảo đem “giấc mơ bay” đến cho người Việt thì Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được mệnh danh “Vua hầm đèo Cả”. Công trình hầm đèo Cả đánh dấu mô hình thu hút nguồn lực đầu tư, quản lý và triển khai dự án với hàng loạt mô hình, phương thức hiện đại, lần đầu tiên do người Việt Nam làm chủ công nghệ và thi công... Công trình đã rút ngắn 45 phút lưu thông, hơn 10km chiều dài toàn tuyến so với đường cũ. Công trình hầm đèo Cả giúp tạo điều kiện thông thương, đảm bảo ATGT trên hành trình kết nối giao thông Phú Yên - Khánh Hòa, khu vực miền Trung…

Hầm đường bộ đèo Cả nằm trên tuyến QL1, giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Với chiều dài hơn 4km, đây là hầm đường bộ dài thứ hai ở Việt Nam sau hầm Hải Vân. Những ai phải thường xuyên đi qua cung đường đèo Cả đầy nguy hiểm, một bên là núi còn một bên là biển sẽ không còn lo âu về những tai nạn chực chờ, những khối đất đá “treo” lơ lửng như đe dọa đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Giờ đây, chúng ta chỉ mất vài phút đi xuyên qua 4km đường hầm với vận tốc 80km/h là có thể sang được bên kia địa phận.

Tiếp nối sự thành công của hầm đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cùng tập thể lãnh đạo Công ty tiếp tục đầu tư hầm đường bộ đèo Cù Mông. Cách đèo Cả hơn 100km về phía Bắc, hàng trăm công nhân, kỹ sư đang ngày đêm hối hả khoét sâu những mũi khoan vào lòng núi để mở ra tuyến đường hầm có tổng chiều dài 2,6km xuyên qua đèo Cù Mông. Cũng giống như dự án hầm Đèo Cả, khi hầm Cù Mông đi vào hoạt động sẽ rút ngắn về thời gian đi lại cũng như tiết kiệm đáng kể về tiền bạc cho người tham gia giao thông.

Không chỉ có vậy, xa hơn về phía Bắc, dự án mở rộng đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân cũng đã bắt đầu được thực hiện. Cả ba dự án hầm kể trên đều là những dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông. Nhưng ít ai biết rằng, đứng đằng sau những dự án mang tầm quốc gia này, người có công rất lớn lập lên những kỳ tích khoét núi, mở đường đó lại là một doanh nhân trẻ. Bằng sự quyết tâm, nghiêm túc và táo bạo trong công việc, Hồ Minh Hoàng đã tạo được niềm tin với các cơ quan quản lý nhà nước, đưa Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả trở thành công ty duy nhất ở Việt Nam đầu tư và vận hành các dự án hầm đường bộ.

Vượt lên những khó khăn, Tổng Giám đốc Hồ Minh Hoàng cùng toàn thể CB, CNV ngày đêm lăn lộn trên công trường, hoàn thành nghiệm thu hạng mục hầm Hải Vân giai đoạn 1; hoàn thành hợp phần QL1, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn...; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đúng hạn các mốc thời điểm đặt ra với mục tiêu đào thông hầm Hải Vân giai đoạn 2, thông xe kỹ thuật hầm Cù Mông (Bình Định), triển khai dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với mục tiêu cán đích vào năm 2019

Theo NAM CƯỜNG
http://www.tapchigiaothong.vn/doanh-nghiep-la-noi-com-cua-dat-nuoc-d66973.html