Gia đình của tôi, gia đình của chúng ta - Gia đình Đèo Cả

24/09/2021

Hàng loạt cuộc làm việc, trao đổi trực tuyến diễn ra mỗi ngày ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong khoảng thời gian căng thẳng nhất khi dịch bệnh bùng ra ở nhiều tỉnh thành và đặc biệt ở hai thành phố lớn cũng là 2 địa điểm chính của Tập đoàn Đèo Cả, mọi hoạt động dường như không ngưng trễ.

Thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, có lẽ người ta đã nghĩ về một năm 2020 đầy khó khăn trở ngại do dịch bệnh đã là quá khứ. Còn nhớ thông điệp bước vào năm 2021 của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đặt ra chữ “Khát vọng”. Quả thật, khi đến thời điểm này của năm 2021, dịch bệnh như những đợt sóng dữ nối nhau vỗ bờ, chúng ta thấy “khát vọng” lại được bùng cháy trong những con người Đèo Cả.

Ngay trong buổi bình minh của ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải phong toả để đối phó với dịch bệnh, thông qua cổng thông tin trong hệ thống của mình, ông Hồ Minh Hoàng đã đề cập đến bản lĩnh và khả năng vượt khó của Đèo Cả như một lẽ sống và nhấn mạnh: “Các bạn chính là gia đình của tôi”.

“Các bạn chính là gia đình của tôi”

Cơn bão Covid-19 vẫn đang càn quét và gây ra hậu quả nghiêm trọng chưa từng có. Ngoài kia, hàng triệu người lao động bị đẩy vào cảnh mất việc làm, vùng vẫy mưu sinh với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Xúc động, xót xa đến trào dâng khi chúng ta xem những thước phim “Ranh giới” đề cập đến cuộc chiến đấu chống lại tử thần ở bệnh viện phụ sản Hùng Vương - một góc nhỏ của Sài Gòn rộng lớn. Rồi bao nhiêu cảnh đời đáng thương khác trong xã hội khi cơn bão Covid - 19 quét qua.

Tới thời điểm này, khi vẫn đang được làm việc, được nhận lương, được tư duy và phát triển bản thân trong “ngôi nhà Đèo Cả”, tôi thiết nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn hàng triệu người khác. Và biết rằng, để giữ được nguồn thu nhập cho khoảng 6.000 người lao động, có một vị thuyền trưởng vẫn đang ngày đêm trăn trở, lo nỗi lo của hàng ngàn người để gồng mình chèo lái con thuyền Đèo Cả vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Gần 2 năm đại dịch xuất hiện và oanh tạc hầu khắp thế giới. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2021, đã có hơn 85.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020), kéo theo hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm, con số phản ánh rõ nét tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lên các doanh nghiệp trong nước. Bao giờ khống chế được dịch bệnh để con người trở lại nhịp sống bình thường? Và hệ luỵ của nó tác động đến đời sống xã hội như thế nào?

Trong lúc người lao động đang bất an, lo lắng về việc liệu có bị mất việc làm, mất thu nhập khi mà hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Đó cũng là lúc người lao động trong hệ thống Đèo Cả nhận được thông điệp từ người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả: “Các bạn là gia đình của tôi”.

Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, vào thời điểm đầu năm 2020 khi dịch bùng phát ở Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã đích thân đến từng dự án, trạm thu phí để động viên tinh thần người lao động.“Giờ này, nếu các bạn đang làm việc cho doanh nghiệp khác, các bạn có thể đã được nghỉ việc ở nhà với gia đình. Nhưng đối với Đèo Cả, chúng ta vẫn không rời vị trí làm việc, guồng máy của hệ thống vẫn chạy và chúng tôi đảm bảo công việc cho các bạn với điều kiện chúng ta thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc những yêu cầu của Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19”, ông Hồ Minh Hoàng phát biểu trước cán bộ, công nhân tại hiện trường Dự án Hải Vân 2 lúc 10 giờ sáng ngày 30/3/2020.

Tập đoàn Đèo Cả vẫn chưa một ngày ngưng chuyển động

Giữa lúc dịch bệnh tấn công dữ dội nhất, chúng ta thấy hàng trăm người lao động tại Trung Lương - Mỹ Thuận, nhân viên các trạm thu phí, nhân viên các văn phòng được tiêm phòng. Chúng ta được chứng kiến hình ảnh cảm động khi Phó Chủ tịch HĐQT Lưu Xuân Thuỷ chờ ở cổng khu cách ly để đón những cán bộ, nhân viên của Đèo Cả hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Tiền Giang.

Gần 4 tháng, hầu hết CBNV ở khu vực phía Nam không thể trực tiếp đến văn phòng làm việc. Có những nhân viên có thể thực hiện công việc từ xa, cũng có những nhân viên với đặc thù công việc của mình không thể làm việc tại nhà. Tuy nhiên, không một nhân sự nào bị cắt giảm bởi khó khăn dịch bệnh mang lại. Chúng tôi được hưởng theo chính sách tiền lương cho người lao động trong giai đoạn dịch Covid-19, tất cả người lao động đều được đảm bảo tiền lương ít nhất là theo mức tối thiểu vùng.

“Thời gian qua, mặc dù công việc bị ảnh hưởng nhưng tôi vẫn được công ty trả lương đều hằng tháng trong lúc bạn bè, người quen có những người bị trễ lương hay thậm chí thất nghiệp. Tôi đang là lao động chính nên khoản tiền lương đó thực sự ý nghĩa với gia đình tôi trong thời điểm khó khăn này”, chị Ngọc Phượng -nhân viên tạp vụ tại trụ sở 32 Thạch Thị Thanh, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chị Võ Thị Bích Ngọc, nhân viên kinh doanh Công ty An Ninh Đèo Cả, hiện đang làm việc tại trụ sở 32 Thạch Thị Thanh cho biết:“Dù chỉ làm việc tại nhà nhưng những tháng qua tôi vẫn được công ty trả lương đúng ngày theo quy chế lương mới. Tôi hiểu được đây là sự chia sẻ rất lớn của Tập đoàn. Mong rằng đại dịch sẽ chóng qua, chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường và tôi cũng mong muốn được gắn bó lâu dài, cống hiến nhiều hơn cho Tập đoàn”.

Ngày 21/9/2021, Hà Nội đã nới lỏng phong toả, một số đồng nghiệp của tôi ở Thủ đô đã được trở lại văn phòng làm việc. Từ miền Nam, từ trong tâm dịch, tôi nhận thấy sự hứng khởi trong họ thông qua tương tác công việc hàng ngày.

Thành phố mang tên Bác rồi cũng trở lại nhịp sống thường nhật và tôi đã sẵn sàng cho sự trở lại đó. Thật nhanh, thật nhanh!

Nguyễn Nga