Gỡ vướng, đưa đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận "về đích" năm 2021

18/02/2019

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lượng phương tiện lớn từ các tỉnh miền Tây dồn về TP Hồ Chí Minh khiến quốc lộ 1 và quốc lộ 60 tắc nghẽn trầm trọng. Tuyến Trung Lương - Cần Thơ là trục đường quan trọng ở phía nam, lưu lượng mỗi ngày khoảng 50 nghìn xe, thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Trong khi đó, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư theo hình thức BOT nhằm giảm quá tải cho quốc lộ 1, dù đã triển khai bốn năm nhưng đến nay cũng đang bế tắc. Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) đã đề xuất Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) các giải pháp nhằm đưa dự án "về đích" vào năm 2021.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã triển khai 10 năm nhưng tiến độ mới đạt gần 16%.

Lỡ nhịp tiến độ

Nằm trên tuyến đường cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51,1 km) được khởi công vào tháng 2-2015, kỳ vọng sẽ hoàn thành sau ba năm nhằm rút ngắn thời gian lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và giảm quá tải cho tuyến quốc lộ 1. Tuy nhiên, đến nay đã bốn năm, dự án vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, mới cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn sản lượng thi công mới chỉ đạt 15,8%, chưa biết khi nào hoàn thành. Theo Tổng Công ty Cửu Long (Bộ GTVT), đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án cho biết, cuối tháng 8-2018, trước thực tế dự án gặp khó khăn, Bộ GTVT có văn bản cho phép "giãn tiến độ" hoàn thành dự án trước ngày 31-12-2020. Tuy nhiên, dự án đang vướng mắc nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ, vì thế chắc chắn, yêu cầu hoàn thành công trình vào năm 2020 không thể thực hiện được.

Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Phan Anh Dũng cho biết, ngày 15-6-2018, DN dự án đã ký hợp đồng tín dụng vay 6.850 tỷ đồng của bốn ngân hàng Vietinbank, BIDV, VP Bank và Agribank để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng hiện vẫn chưa được giải ngân do ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc, trong đó có những vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, liên quan việc thế chấp tài sản, lãi suất vốn vay, phần hỗ trợ của Nhà nước,... Ðặc biệt, điều kiện tiên quyết được các ngân hàng đưa ra là phải thay thế nhà đầu tư Công ty TNHH Yên Khánh (một trong sáu công ty liên doanh, cổ đông chiếm 30% vốn tại dự án) hiện đang liên quan nhiều vụ án hình sự và vấn đề này nằm ngoài tầm xử lý của DN dự án.

Tháng 12-2017, khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo tin vui: Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được đầu tư đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, kế hoạch đến năm 2020 sẽ thông toàn tuyến từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ. Nguyện vọng của người dân trong vùng đã được ghi vào Nghị quyết của Quốc hội. Ðoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng, khởi công lần đầu vào năm 2009, sau 10 năm, dù đã đổ vào gần 2.000 tỷ đồng, nhưng mới thực hiện chưa đầy 16% khối lượng. Rất nhiều đại biểu Quốc hội rất sốt ruột vì dự án huyết mạch này triển khai quá chậm.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Vĩnh Long vào tháng 3-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển mạng lưới giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cần phải quyết liệt, sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kế đến là Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang tháng 12-2018, một lần nữa, Thủ tướng ra "tối hậu thư" hoàn thành các dự án giao thông quan trọng, nhất là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cùng các dự án khác như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vàm Cống,... và cho biết sẽ chỉ đạo, đôn đốc các bộ liên quan tháo gỡ vướng mắc về lãi suất vốn vay, nút thắt lớn nhất đối với dự án. Tại cuộc họp về xử lý vướng mắc trong xác định lãi suất vốn vay đối với hai dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn (tháng 1-2018), Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp yêu cầu thực tế, nhằm tháo gỡ những rào cản của dự án.

Ðưa dự án trở lại "đường ray"

Các chuyên gia giao thông đánh giá, việc tháo gỡ khó khăn, đưa dự án Trung Lương - Mỹ Thuận "về đích" sớm có ý nghĩa hết sức cấp bách, bởi tuyến đường đóng vai trò quan trọng kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Tuyến Trung Lương - Cần Thơ (trong đó có đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận) là trục đường quan trọng nhất của các tỉnh phía nam, lưu lượng mỗi ngày đạt khoảng 50 nghìn xe trên tuyến, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh khoảng 150 km, nhưng phương tiện đi mất khoảng 3,5 giờ, tốc độ chỉ đạt 40 km/giờ, quá tải nặng nề. Ðể tháo gỡ vướng mắc, mới đây, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận bổ sung Công ty cổ phần Tập đoàn Ðèo Cả (DCG) là nhân sự điều hành DN dự án (Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc, Ban cố vấn,...) và kế thừa toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Yên Khánh để tháo gỡ các vướng mắc của dự án. Ngoài ra, các nội dung cần "giải cứu" được nêu còn là tháo gỡ những vướng mắc về lãi suất vay tín dụng, phương án tài chính, đáng chú ý còn có đề xuất chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho UBND tỉnh Tiền Giang quản lý dự án.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DCG Lưu Xuân Thủy nhận định, việc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án sẽ có nhiều ưu điểm để thúc đẩy dự án này hoàn thành, trước hết là thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng. Tuyến đường phục vụ lợi ích của người dân, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cho nên công tác quản lý sẽ được quan tâm vì địa phương là đơn vị sâu sát nhất. Chuyển dự án cho địa phương là cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ quy tất cả trách nhiệm về một đầu mối có đầy đủ công cụ, quyền lợi, nghĩa vụ và sát sườn với dự án nhất để chủ động quản lý nguồn và giá cả, vật liệu, giải quyết gọn mặt bằng còn xôi đỗ như hiện nay. Là đơn vị được tăng cường năng lực quản trị dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bằng kinh nghiệm "giải cứu" dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, DCG sẽ đề xuất với cơ quan chức năng những giải pháp cụ thể để thực hiện dự án. Trong đó, có việc mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra, xác định những công việc cụ thể đã thực hiện, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an,... nhằm minh bạch hóa, gỡ vướng để thúc đẩy việc xây dựng dự án hoàn thành vào năm 2021.

Ngoài việc chuyển cơ quan quản lý dự án về cho địa phương, một vướng mắc khác cần giải quyết là điều chỉnh quy định về lãi suất vay vốn. Lãi suất áp vay vốn áp dụng cho dự án ở mức 7,82%/ năm, trong khi hợp đồng tín dụng đã ký ở mức 10,8%. Sự chênh lệch này khiến dự án không có khả năng thu hồi vốn, không bảo đảm điều kiện để ngân hàng giải ngân vốn vay tín dụng do chênh lệch lãi suất quá lớn, có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính. Hơn nữa, nguồn doanh thu thu phí tại dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ dự án Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu đến nay cũng không thực hiện được do những quy định ràng buộc của Luật Quản lý tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Trong thời gian chờ tháo gỡ vướng mắc tín dụng, để chạy đua với thời gian, các cơ quan có thẩm quyền cần cho các nhà đầu tư huy động vốn tín dụng để thi công và ngân hàng tài trợ vốn cần bảo lãnh cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thanh toán cho các nhà thầu đã huy động vốn ngắn hạn. Ðồng thời, cho phép các nhà đầu tư trong liên doanh hiện tại tự bổ sung năng lực để tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước và các bên liên quan. Từ đó, sẽ căn cứ vào thực trạng để đình chỉ Công ty TNHH Yên Khánh và thay thế bằng nhà đầu tư có năng lực. Hiện, DCG đang tính đến phương án xin phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư nhằm tiết kiệm nhất mà vẫn đạt chất lượng tốt, cập nhật lại các thông số để không phải sử dụng trạm thu phí TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và ngân sách nhà nước không phải bỏ ra gần 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ dự án.

Mới đây, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã họp và thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc, đồng thời đề xuất phương án xử lý đối với dự án, đang chờ Thủ tướng xem xét, quyết định để thực hiện. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia, được người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long hết sức mong chờ. Sau khi dự án hoàn thành, cùng với cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ phát huy hiệu quả toàn bộ tuyến cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km, tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT. Tháng 11-2009, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV khởi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (lần 1); tháng 2-2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng dự án do BIDV từ chối triển khai tiếp. Tháng 10-2014, Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án theo hình thức BOT, Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tháng 2-2015, dự án khởi động (lần 2), gồm sáu DN góp vốn, mục tiêu hoàn thành vào năm 2018. Tháng 8-2018, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến ngày 31-12-2020.

Theo LINH TRANG
http://nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/39232702-go-vuong-dua-duong-cao-toc-trung-luong-my-thuan-ve-dich-nam-2021.html