Hầm Hải Vân - Chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất VN:

Kỳ 1 - Nổ mìn trong lòng núi đá Hải Vân

22/12/2021

TTO - Bùm, bùm, bùm... Những tiếng nổ mạnh đến tức ngực. Ánh sáng đỏ xoẹt kèm đá bắn rơi loảng xoảng và khói bụi phụt ra. Đó là cảnh tượng nổ mìn phá đá sâu trong lòng núi của công trình đào hầm Hải Vân 2.

Hầm Hải Vân - chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất VN - Kỳ 1: Nổ mìn trong lòng núi đá Hải Vân - Ảnh 1.Khoảnh khắc nổ mìn rực sáng đỏ trong nhánh bắc hầm Hải Vân 2 - Ảnh: THÁI LỘC

Bây giờ, xe cộ đã bon bon qua hầm trên huyết mạch quốc gia, nhưng hiếm người biết đường hầm dài nhất Việt Nam này đã được các kỹ sư và thợ Việt đào như thế nào.

Một buổi chiều tháng 6-2019, từ sở chỉ huy dưới chân bắc đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên Huế), kỹ sư Lê Công Nam ra dấu chúng tôi cùng lên xe để vào "gương" (chỗ nổ mìn đào hầm).

Vào "gương"

Xe chạy lên dốc băng qua bãi đá, băng ngang cửa hầm Hải Vân 1 rồi chui vào miệng hầm Hải Vân 2 đang thi công. Trong ánh sáng đùng đục của dãy đèn gắn trên tường hầm, một cảm giác lành lạnh, hun hút, rờn rợn, rất lạ.

Xe chạy chậm trên mặt đường đoạn đầu khá phẳng, vòm hầm đoạn đã làm vỏ, đoạn phủ lớp bêtông xám đậm gồ ghề và mấy đoạn bọc lớp nhựa chống thấm trắng đục chờ đổ bêtông. Phía bên phải, các đường ngách nối sang hầm 1 đã được mở rộng, đang hoàn thiện phần vỏ.

Sau vài trăm mét đến đoạn vòm hầm đã xong phần vỏ hầm, vài nhóm công nhân đang thi công trên mặt đường và trên đường rãnh kỹ thuật phía trái con hầm. Cạnh đó là nhóm công nhân trên giàn giáo đang lát những mảng gạch hoa trắng tạo thành dải chạy dài hai bên thành hầm.

Gần đến giữa hầm, chúng tôi xuống xe, mặt đường đoạn này nhiều chỗ gồ ghề, bùn lầy, cạnh dòng nước lớn chảy rất xiết. "Sắp nổ mìn, anh lùi xe phía sau ở xa kia, hạ cửa kính"- kỹ sư Nam bảo anh tài xế lùi xe thêm vài trăm mét phía sau giàn giáo thi công vòm hầm. Điểm chúng tôi đứng được xác định cách điểm nổ mìn 450m. Chúng tôi mở và đặt máy quay ngay giữa mặt đường hướng về phía nổ mìn phá đá. "Các anh chưa quen, nên bịt hai tai lại" - kỹ sư Nam đề nghị chúng tôi lùi sau mấy khối bêtông để giảm thiểu áp lực nổ và tránh đá văng.

Khoảnh khắc chuẩn bị nổ mìn, không gian đường hầm nín lặng, tôi trong một cảm giác rất hồi hộp và một chút lo vụt thoáng qua. "Bùm, bùm"..., tiếng nổ mìn làm chúng tôi giật bắn; lực khí mạnh nén chặt lồng ngực, ánh sáng đỏ xoẹt lên từ cuối hầm kèm theo những mảnh đá bắn rơi loảng xoảng và làn khói bụi phụt ra. Sau chừng ít phút, chúng tôi theo chân kỹ sư Nam tiến đến mặt gương quan sát đoạn vòm hầm vừa được phá đá.

Càng tiến gần càng nặng mùi khói bụi; độ ẩm và hơi nóng khiến quần áo mọi người nhanh chóng ướt dầm. Người hướng dẫn nhìn vòm hầm vừa nổ khá nhẵn, vừa nhìn vạt đá xám rất lớn bên dưới, cho biết chất lượng đá loại B, cứng và rất tốt nên nổ mìn thuận tiện. Nếu những đoạn địa chất yếu, vò nhàu, bùn đất sẽ gặp nhiều khó khăn, bước đào ngắn hơn, thường phải dùng vì kèo chống đỡ để giữ an toàn...

Chúng tôi lên xe trở ra cũng là lúc mấy chiếc xe xúc và xe ben tiến vào chở số đá vừa phá. Liền với đó là âm thanh xe cộ "ù ù" bắt đầu chạy bên phía hầm 1. Theo kỹ sư Bùi Hồng Đăng, chỉ huy trưởng công trình đào hầm Hải Vân 2, thời điểm cuối tháng 6, gói phía bắc đã đào được hơn 2.900m, và gói phía nam đào được gần 2.700m. Tổng cộng còn phải đào nổ chừng 700m nữa, kế hoạch khoảng ngày 27-9 hợp long hầm...

Hầm Hải Vân - chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất VN - Kỳ 1: Nổ mìn trong lòng núi đá Hải Vân - Ảnh 2.Xúc đá tại gương đào cuối nhánh phía nam hầm Hải Vân 2 sau giờ nổ mìn hôm 26-6-2019 - Ảnh: THÁI LỘC

Và những vết nứt

Tháng 12-2016, các đơn vị thi công bắt đầu khởi công hầm Hải Vân 2, trên cơ sở mở rộng đường hầm rộng 4,7m và cao 3,8m vốn là đường lánh nạn của hầm Hải Vân 1. Vì là công trình đào mở rộng nên có những thuận lợi nhất định: khối lượng đất đá phải đào ít hơn, xác định kết cấu địa chất để quyết định phương án nổ mìn thuận lợi hơn, các bước đào dễ đi đúng tâm hơn. Ngoài ra, cũng nhờ gió lưu thông của con hầm lánh nạn sẵn có này mà công trường cũng thông thoáng hơn so với đào mới...

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra đối với các kỹ sư là tâm con hầm mở rộng này chỉ nằm cách tâm của hầm Hải Vân 1 đang khai thác 30m. Việc nổ mìn phá đá phải tuyệt đối không ảnh hưởng đến vỏ hầm và các thiết bị điện tử của hầm 1 đang khai thác cạnh bên là yêu cầu tối thượng, cũng là thách thức lớn nhất.

Từ khi mở mũi, đã có ba đợt dư luận lan truyền thông tin thi công hầm mới làm nứt hầm cũ. Chạy xe qua hầm Hải Vân 1 đang khai thác theo hướng nam, đến đoạn giữa hầm bắt đầu thấy nhiều vết nứt. Càng về phía nam, vết nứt càng dày đặc, có đoạn chi chít những vệt lớn. Tuy nhiên, khi dừng lại trong hầm, chứng kiến tận mắt những vết nứt thì hoàn toàn khác hẳn với cách nhìn và cảm giác chạy xe qua.

Ngày 26-6-2019, tôi dừng lại giữa hầm, đoạn ranh giới Huế - Đà Nẵng chứng thực sự việc. Phần thân của cả hai bên vỏ hầm đúng là có hàng loạt vết nứt chạy dài nhiều mét và rẽ nhiều nhánh. Trông kỹ thì đó là những vết nứt nhỏ, lớn nhất trong khoảng 1mm, có những đoạn li ti như sợi tóc. Có nhiều tấm giấy dán cạnh ghi rõ ngày tháng quan trắc, chiều dài, độ rộng vết nứt và nhiều ký hiệu chuyên ngành khác. Đoạn gần đến đường cong phía nam hầm càng thấy nhiều mảng đen chạy dài, song soi kỹ thì những vết nứt li ti với độ lớn cũng chỉ 1mm nằm giữa những vạch đen ấy...

TS Nguyễn Thế Phùng - thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng - khẳng định những vết nứt kia đã có sẵn trước khi đào hầm Hải Vân 2. Quá trình nổ mìn không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của vỏ hầm lẫn các thiết bị vận hành hầm 1. Thực tế trước đó, Tổng cục Đường bộ đã tiến hành khắc phục ba vết nứt lớn; đến năm 2015 thì tổ chức khảo sát, kết quả có 209 vết nứt, chiều rộng lớn nhất là 3mm. Kết quả đo dao động cũng khẳng định "vỏ hầm đảm bảo khả năng chịu lực".

Cùng với đó, Công ty tư vấn Alpin Technik (Đức) tiếp tục được mời khảo sát đánh giá. Bằng công nghệ hiện đại, đơn vị này xác định toàn bộ vỏ hầm có 321 vết nứt, trong đó có 275 vết rộng dưới 2mm, trong mức an toàn. Số còn lại được đánh giá "cần khảo sát chi tiết hơn", song nhìn chung "các vết nứt không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của vỏ hầm".

TS Phùng cho biết trước khởi công, đã "rà soát từng công thức, quy chuẩn một", bởi "chỉ cần hầm 1 có tảng bêtông rơi xuống thì vô cùng nguy hiểm, chưa chắc đã đào tiếp được nữa". Vì vậy, phương án nổ mìn được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. Quá trình đào, nhà thầu đã hợp đồng với Hiệp hội Nổ mìn VN thường xuyên quan trắc rung chấn ở hầm 1 để báo cáo cơ quan chức năng. Kết quả, theo Ban quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân, việc thi công hầm Hải Vân 2 song hành với khai thác hầm Hải Vân 1 cạnh bên diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và an toàn...

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư với tổng mức khoảng 7.300 tỉ đồng; tổng chiều dài 12,14km, gồm hệ thống đường dẫn, cầu và gần 6.300m đường hầm. Riêng phần thi công mở rộng hầm thì làm theo công nghệ NATM của Áo, bắt đầu mở mũi phía bắc từ tháng 12-2016 và mũi phía nam từ tháng 2-2017. Công trình được đưa vào khai thác ngày 1-2-2021.

*********

Từ việc thuê giá rất cao và phụ thuộc chuyên gia nước ngoài, những kỹ sư Việt đã hoàn toàn tổ chức, thực hiện đào hầm vốn dĩ khó đến mức ngặt nghèo.

Thái Lộc

Nguồn: tuoitre.vn