Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông

18/12/2020

Nhà nước cần xem BOT là đặc thù, đồng nghĩa cần có các cơ chế riêng cho lĩnh vực hạ tầng giao thông và không đánh đồng với cho vay thương mại khác.

Đây là kiến nghị của ông Phan Văn Thắng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nêu tại tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17/12/2020.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của một số Đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan Nhà nước, đại diện các tổ chức tín dụng, các chuyên gia và các nhà đầu tư BOT. Nội dung tọa đàm xoay quanh các bất cập mà nhà đầu tư BOT giao thông gặp phải, đặc biệt là bất cập về tín dụng BOT và nêu các giải pháp.

Toàn cảnh tọa đàm

“Hai dự án hầm đường bộ Đèo Cả và dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là những dự án do Tập đoàn Đèo Cả đầu tư theo hình thức BOT, nhà đầu tư đã bàn giao công trình, hoàn thành nhiệm vụ theo đúng cam kết với Nhà nước. Tuy nhiên, khi các dự án được đưa vào vận hành khai thác, doanh thu thu phí hoàn vốn gần như không bảo đảm”, ông Phan Văn Thắng cho hay.

Lý giải nguyên nhân chính cho những bất cập trên, theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả là do các cơ chế chính sách thay đổi và thiếu thực tiễn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng dự án không được thực hiện. Ví dụ như ở dự án hầm Đèo Cả, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cam kết góp ban đầu là 5.048 tỷ nhưng khi dự án hoàn thành cho đến nay, Nhà nước vẫn nợ nhà đầu tư 1.180 tỷ. Ngoài ra, tình trạng quy hoạch liên kết vùng không đúng theo quy hoạch chung cũng là yếu tố gây sụt giảm doanh thu.

Ông Phan Văn Thắng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Thực tế cho thấy, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phát triển từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, các dự án BOT giao thông “không chỉ giúp đi lại dễ dàng mà còn mở ra cơ hội cho các vùng còn vô cùng khó khăn”. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án BOT thời gian qua đã góp phần tích lũy, bổ sung kinh nghiệm phát triển năng lực giao thông của đất nước. “Có những doanh nghiệp đi tiên phong, thậm chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro ban đầu để xây “lâu đài” về mặt kinh nghiệm và xây dựng từ nền móng”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói thêm.

Đóng vai trò quan trọng là vậy, trong 2 năm nay, không có một dự án BOT giao thông nào được triển khai bởi thiếu nguồn tín dụng đầu tư.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả nhận định, thứ nhất là khi tham gia đầu tư BOT, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu tối thiểu 15%, tuy nhiên khi đàm phán với ngân hàng thì họ thường yêu cầu doanh nghiệp bỏ thêm những khoản chi phí đảm bảo khác. Thứ hai, ngân hàng bỏ ra nguồn vốn rất lớn nhưng không được tham gia đàm phán hợp đồng BOT, khi trong hợp đồng BOT tồn tại những nội dung bất cập cho ngân hàng, rất khó khăn cho nhà đầu tư vì không thể thỏa thuận vay vốn tín dụng.

Để giải quyết những vướng mắc về phương án tài chính của các dự án đã triển khai, thu hút sự tham gia của các tổ chức tín dụng và tận dụng được nguồn lực tư nhân trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đất nước, theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, khơi lại nguồn vốn cho BOT giao thông.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính đề xuất chính sách xây dựng các tổ hợp tín dụng BOT, Nhà nước bảo lãnh cho các tổ hợp này. Không chỉ vậy, cần xác định vay vốn BOT không phải là vay thương mại mà bản chất là vay tài trợ, do đó lãi suất cần thấp hơn. “Lãi suất cho vay BOT giao thông cao, trong khi thời gian vay lại dài, rủi ro lớn như hiện nay thì nhà đầu tư rất chật vật để trả lãi ngân hàng, nhất là khi dịch bệnh xảy ra”, vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Phan Văn Thắng đề xuất, Nhà nước cần xem BOT là đặc thù, đồng nghĩa cần có các cơ chế riêng cho lĩnh vực hạ tầng giao thông và không đánh đồng với cho vay thương mại khác. Ngân hàng cũng cần xem xét nâng mức trần cho vay đối với các dự án BOT.

Thêm vào đó, ngoài việc kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án BOT, Nhà nước cần có những chính sách để nhà đầu tư có thể vay tín dụng đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế. Đối với các dự án còn đang gặp khó khăn, cần có định hướng và phải thống nhất về phương án xử lý bởi nếu xử lý lỏng lẻo sẽ làm mất niềm tin với các tổ chức tín dụng.

Ngọc Trang