Năng lực nhà đầu tư nội nhìn từ Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

28/09/2019

(BĐT) - Ngày 29/9/2019, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Lễ thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án hoàn thành đã đấu nối với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, hình thành nên tuyến cao tốc thông suốt dài 180 km kết nối vùng Đông Bắc.

Chủ đầu tư Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới trong thi công để giải quyết bài toán ổn định mái taluy khi đi qua địa hình miền núi

Chủ đầu tư Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới trong thi công để giải quyết bài toán ổn định mái taluy khi đi qua địa hình miền núi

Việc hoàn thành tuyến đường trong thời gian kỷ lục đã khẳng định năng lực của các nhà đầu tư, nhà thầu Việt Nam trước cơ hội tham gia 8 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới.

Câu chuyện giải cứu!

Không được may mắn như nhiều dự án BOT giao thông khác, Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gặp quá nhiều trắc trở.

Cách đây hơn 2 năm (tháng 4/2017), Tập đoàn Đèo Cả - trong tư cách nhà đầu tư “giải cứu”, tháo gỡ vướng mắc cho Dự án - đã đưa ra mục tiêu thời gian thông tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn vào cuối năm 2019 trong sự ngờ vực của cộng đồng nhà đầu tư cũng như giới truyền thông. Đây là điều dễ hiểu bởi tại thời điểm đó, Dự án đang đối mặt không ít rắc rối.

Ngược thời gian, ngày 30/10/2014, Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 2167/TTg-KTN. Ngày 9/4/2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT do Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện.

Dự án bao gồm 2 hợp phần. Hợp phần thứ nhất là Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 với tổng chiều dài khoảng 110 km (gọi tắt là Hợp phần QL1). Hợp phần 2 là xây dựng mới Tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500. Tổng mức đầu tư toàn Dự án 12.189 tỷ đồng.

Dự án được khởi công từ năm 2015. Tuy nhiên, do các nhà đầu tư cũ yếu kém về nguồn lực tài chính và năng lực quản trị nên Dự án đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Nhiều nhà đầu tư không góp đủ vốn điều lệ dẫn đến ngân hàng không giải ngân cho vay. Thiếu tiền, một loạt công việc bị đình trệ. Đến tháng 6/2017, Hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc. Mặt bằng chưa được giải phóng, nội bộ nhà đầu tư chia rẽ, năng lực tài chính không đảm bảo, ngân hàng dừng giải ngân, Dự án đứng trước nguy cơ đổ bể.

Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc Dự án. Ngoài việc xử lý hàng loạt rắc rối về pháp lý, các đầu việc quan trọng được ưu tiên xử lý bao gồm: chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu. Hàng loạt giải pháp quyết liệt đi kèm thanh toán công nợ giúp các nhà thầu như “chết đi sống lại”, Dự án dần dần được hồi sinh.

Từ tháng 3/2018, Hợp phần QL1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Đến nay (tháng 9/2019), Hợp phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành với tổng chiều dài gần 64 km, bề rộng 25m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, sau hơn 2 năm chính thức triển khai xây dựng. Tuyến cao tốc chạy song song với Quốc lộ 1A, khi hoàn thành giúp rút ngắn thời gian xe chạy từ Hà Nội đến Lạng Sơn còn hơn 2 giờ so với hơn 3 giờ như trước đây.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án có tiến độ 5 năm nhưng đã bị chậm 2 năm. Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia, Dự án không những bù đắp lại tiến độ bị chậm, mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt. Kết quả này đã phá bỏ tình trạng trì trệ của các dự án cao tốc tại Việt Nam, khi không dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về cầu đường, Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm có thể xem là một kỳ tích!

Không chỉ đạt kỷ lục về thời gian thi công, Dự án hoàn toàn do nhà thầu trong nước đảm nhận với những gói thầu có độ khó rất cao cũng là một thành công đáng được ghi nhận. Một số khó khăn điển hình của Dự án như: đi qua địa hình miền núi, giải pháp ổn định mái taluy là bài toán khó khăn nhất. Trên thực tế câu chuyện này khiến rất nhiều dự án như: Hạ Long - Vân Đồn, Nội Bài - Lào Cai gặp sự cố ảnh hưởng đến lưu thông và tài chính. Chủ đầu tư Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới cho Dự án. Mái taluy chống sạt trượt được thi công công nghệ phun hỗn hợp đất và hạt cỏ bảo vệ bề mặt mái dốc. Các loại hạt cỏ được phun vào đất đến nay đã mọc xanh tốt. Dĩ nhiên, cần có thêm thời gian vận hành để kiểm chứng hiệu quả, nhưng hiện chủ đầu tư rất tự tin với việc áp dụng công nghệ này.

Một điểm mấu chốt nữa đảm bảo tiến độ Dự án là việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, chuyên nghiệp trong tổ chức thi công, thay vì chọn nhà thầu thân hữu.

Năng lực nhà đầu tư, nhà thầu trong nước được nâng lên

Nhìn lại quá trình “giải cứu” Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hơn 2 năm qua, ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, Dự án đã “cán đích” nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của chính quyền các địa phương và sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn khi bàn giao đến 80% diện tích mặt bằng chỉ trong 6 tháng, xác lập kỷ lục trong việc giải phóng mặt bằng của các dự án đường cao tốc. Ông Hoàng nhấn mạnh, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước cùng sự phối hợp nhịp nhàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn khi giải quyết các vướng mắc chính là yếu tố quyết định đến chất lượng, tiến độ của Dự án.

Theo ông Hoàng, với Tập đoàn Đèo Cả nói riêng, các nhà đầu tư nội nói chung, việc triển khai các dự án cao tốc có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng trong thời gian vừa qua giúp trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm về năng lực tài chính, giải pháp thi công và kỹ năng quản lý dự án. Các nhà đầu tư nội hoàn toàn có thể tham gia đầu tư các dự án cao tốc thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà Bộ GTVT vừa hủy đấu thầu quốc tế. Câu chuyện là nguồn lực tài chính nào để nhà đầu tư trong nước có thể tham gia vào các dự án này.

Ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng chung quan điểm về năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư nội hiện nay đã được nâng lên rõ rệt.

Ông Cận cho rằng, các gói thầu thi công đường, cầu, hầm có độ khó cao, nhà thầu Việt hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, cái khó của nhà đầu tư trong nước chính là nguồn vốn tín dụng. Để giải quyết câu chuyện này, Nhà nước cần có cơ chế tạo nguồn vốn cho nhà đầu tư (cho phép ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi, vay tín chấp) bởi đây không thuần túy là vấn đề thương mại, mà còn mang lại lợi ích quốc gia. Mặt khác, về phía các nhà đầu tư, có thể liên danh, liên kết với nhau để tăng năng lực triển khai dự án.

Trâm Anh

https://baodauthau.vn/doanh-nghiep/nang-luc-nha-dau-tu-noi-nhin-tu-cao-toc-bac-giang-lang-son-110003.html