Thầm lặng phía sau thành công của Đèo Cả

13/10/2021

Với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, câu nói của Isaac Newton “nếu tôi nhìn được xa hơn người khác, ấy là bởi tôi đang đứng trên vai những người khổng lồ” luôn đúng trong cuộc hành trình biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể.

Kết tinh sức mạnh trí tuệ

Dám nghĩ khác biệt để tạo ra cách biệt, Tập đoàn Đèo Cả đã chứng minh sức mạnh vượt trội của mình bằng việc xây dựng thành công những công trình giao thông đường bộ trọng điểm trải dài khắp mọi miền Tổ quốc, mang lại những giá trị đích thực cho xã hội, góp phần đem lại cuộc sống an toàn cho đất nước và con người Việt Nam. Sau khi chinh phục thành công những cung đường đèo hiểm trở tại miền Trung bằng công trình thế kỷ hầm đường bộ Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả đã giải cứu ổn thỏa dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều năm ngưng trệ.

Ở thời điểm hiện tại, song song với việc khẩn trương hoàn tất những công việc cuối cùng để đưa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào hoạt động, thực hiện các dự án trọng điểm tại Quảng Ninh, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông như Mai Sơn - QL 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn…

Với những công trình đã và đang xây dựng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả không chỉ được mệnh danh là “vua hầm” mà còn là nhà đầu tư đường bộ theo hình thức PPP hàng đầu Việt Nam.

Để vững vàng ở vị trí như ngày hôm nay, chỉ sự quyết tâm đồng lòng, cống hiến quên mình của ban lãnh đạo và đội ngũ hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Đèo Cả thôi là chưa đủ. Ngay từ khi bắt đầu phôi thai đại dự án hầm Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng đã nghĩ đến việc kết tinh trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành để tạo nên sức mạnh cho Tập đoàn. Đến nay, ít doanh nghiệp ở Việt Nam có một Hội đồng cố vấn hùng hậu như Tập đoàn Đèo Cả. Họ là những nhà khoa học, công nghệ, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau như giao thông vận tải, xây dựng, kinh tế, tài chính, pháp luật, an ninh…

Chức năng bao trùm của Hội đồng cố vấn Tập đoàn Đèo Cả là tư vấn, phản biện, hỗ trợ HĐQT trong việc hoạch định chiến lược phát triển, mô hình quản trị điều hành, giám sát quản trị rủi ro phù hợp với từng thời kỳ phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn; đặc biệt, Hội đồng cố vấn còn tư vấn xây dựng Đảng bộ và đưa các Bí thư ở các Chi bộ trở thành thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trong tâm niệm của ông Hồ Minh Hoàng, Hội đồng cố vấn là lực lượng không thể thiếu trong chặng đường phát triển, bứt phá đi lên của Tập đoàn Đèo Cả và cũng chính từ tâm niệm ấy, ông đã không ngừng tìm kiếm, thu hút người tài, người có kinh nghiệm vào đội ngũ Hội đồng cố vấn. “Từ thuở sơ khai rất khó khăn, Đèo Cả đã có những vị cố vấn đầy nhiệt huyết, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và nhiều người trong số họ kề vai sát cánh cùng chúng tôi cho đến ngày hôm nay; điều đáng mừng hơn là đội ngũ cố vấn ngày càng đông đảo hơn và “tinh nhuệ” hơn, ông Hoàng chia sẻ. Theo ông, các vị cố vấn là tấm gương sáng về trí tuệ, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến để thế hệ trẻ đang sống và làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu noi theo.

PGS.TS Trần Chủng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cố vấn, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận xét, thành công của Tập đoàn Đèo Cả bắt nguồn từ yếu tố con người, trước hết là từ người đứng đầu Tập đoàn đến đội ngũ kỹ sư, người lao động và có phần đóng góp của các chuyên gia trong Hội đồng cố vấn.

Sự khiêm tốn của vị PGS.TS ngành xây dựng, một trong những cố vấn đầu tiên của Đèo Cả không phải không có lý, vì nếu không có nghệ thuật dùng người của người đứng đầu Tập đoàn thì không có các cố vấn, hoặc nếu có cũng chưa hẳn đã giúp ích được gì cho Tập đoàn; hơn nữa Hội đồng cố vấn chỉ là một lực lượng rất nhỏ trong đội ngũ hơn 5.000 người lao động của Đèo Cả. “Hồ Minh Hoàng rất biết lắng nghe và đặc biệt rất biết sàng lọc ý kiến của các cố vấn cao cấp, mặc dù sự sàng lọc đó là không dễ dàng”, PGS.TS Trần Chủng chia sẻ.

"Trong tâm niệm của ông Hồ Minh Hoàng, Hội đồng cố vấn là lực lượng không thể thiếu trong chặng đường phát triển, bứt phá đi lên của Tập đoàn Đèo Cả và cũng chính từ tâm niệm ấy, ông đã không ngừng tìm kiếm, thu hút người tài, người có kinh nghiệm vào đội ngũ Hội đồng cố vấn"

Văn hoá tri ân - Văn hoá Đèo Cả

“Có mái tóc pha sương, trên những cung đường của đất nước, quê hương. Quên tuổi chiều bóng cả, quên vất vả nặng gánh đôi vai. Có một sự miệt mài, mưa nắng dãi dầu trắng đêm thâu. Ôi chưa bao giờ dừng lại, đam mê, khát vọng cháy trong ai? Xin thay lời dâng trọn niềm tri ân. Gửi về nơi ấy, ghi chiến công bao người thầm lặng; càng lên non cao, càng qua sông sâu, dấu chân chẳng thể phai màu...”.

Đó là lời bài hát “Lặng lẽ” do ông Hồ Minh Hoàng sáng tác như một món quà tri ân gửi đến các cố vấn cấp cao của Tập đoàn. Những ca từ giản dị nhưng chất chứa bao điều muốn nói về những con người đã đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của Đèo Cả.

Trong một buổi tối tại văn phòng của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ở huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang, lời bài hát đó đã được cất lên da diết đem đến cho những vị khách mời, trong đó có các thành viên Hội đồng cố vấn những cảm xúc đặc biệt và sự cảm nhận sâu sắc về văn hóa Đèo Cả.

Giới thiệu về ca khúc “Lặng lẽ”, ông Hồ Minh Hoàng đã ôn lại nhiều kỷ niệm cả trong công việc và trong cuộc sống với nhiều vị cố vấn, nguyên cố vấn đã cùng ông vượt qua những ngày đầu đầy gian khó. Ngoài các vị cố vấn đầu tiên như ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, PGS. TS. Trần Chủng,…ông nhắc lại nhiều lần về những kỷ niệm với cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ (nguyên Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an). Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ làm cố vấn cho Đèo Cả từ sau khi nghỉ hưu và cho tới khi phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, trên giường bệnh ông vẫn gửi email gửi đến Chủ tịch Tập đoàn bày tỏ những tình cảm và suy nghĩ về sự phát triển của Tập đoàn.

Văn hóa Đèo Cả là vậy, dấn thân quyết liệt trong công việc, qua núi cao, qua sông sâu để rồi “nhớ nhau từ thuở ban đầu”.

Có lẽ, văn hoá đó đã dẫn bước nhiều chuyên gia danh tiếng đến với Tập đoàn Đèo Cả. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, một trong những nhà tư vấn chính sách vĩ mô hàng đầu của Việt Nam cho biết, ông đã có ấn tượng ngay từ lần đầu gặp Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.

“Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên tại Đà Nẵng, anh Hồ Minh Hoàng đã mời tôi về giúp Đèo Cả. Đối với con người, ấn tượng ban đầu cực kỳ quan trọng; tôi có niềm tin và cho đến hôm nay tôi thấy cái ấn tượng đầu tiên ấy là có cơ sở”, vị cố vấn này chia sẻ và bày tỏ tin tưởng rằng, “Đèo Cả đi sau nhưng sẽ vươn lên trước, không phải đi theo”.

Mới đây, Hội đồng cố vấn của Tập đoàn Đèo Cả lại có thêm một thành viên mới, đó là TS.Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, chắc hẳn vị chuyên gia này sẽ cùng góp sức làm cho Đèo Cả “nhìn xa hơn” trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hóa giải những thách thức mới trên con đường vươn tới những đỉnh cao mới.

BTT