Xử lý địa chất yếu trong hầm dài nhất cao tốc Bắc Nam

05/09/2023

Khi đào được 200 m đường Núi Vung, hầm dài nhất cao tốc Bắc Nam, nhà thầu gặp mạch nước ngầm chảy mạnh và đá phong hóa, khác so với hồ sơ thiết kế ban đầu.

Hầm đường bộ Núi Vung, tỉnh Ninh Thuận, thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đang được nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hầm dài 2,2 km, dài nhất trong các hầm xuyên núi trên cao tốc Bắc Nam. Khởi công tháng 11/2021, hầm đã được đào thông vào tháng 8/2023.

Gói thầu hầm Núi Vung gồm hai ống hầm chạy song song, quy mô 3 làn xe mỗi ống, bề rộng mặt đường 12,75 m. Ống hầm bên phải hướng Bắc - Nam sẽ được hoàn thiện để phương tiện lưu thông giai đoạn một, kế hoạch hoàn thành tháng 4/2024. Ống hầm trái sẽ được đổ bêtông vỏ hầm và thi công mặt đường tạm có chức năng làm hầm lánh nạn trong giai đoạn một, sau đó sẽ thi công bêtông mặt đường để tổ chức giao thông 3 làn xe trong giai đoạn hai.

Thi công hầm chui Núi Vung thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tháng 7/2023. Ảnh: Việt Quốc

Thi công hầm chui Núi Vung thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tháng 7/2023. Ảnh: Việt Quốc

Ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban điều hành kiêm Chỉ huy trưởng thi công hầm Núi Vung, cho biết không như các dự án PPP trước đây nhà đầu tư tham gia thiết kế kỹ thuật. Tại dự án này, các bước khảo sát, thiết kế kỹ thuật hầm do đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện, hồ sơ thiết kế có dự báo tình hình địa chất. Tuy nhiên, quá trình thi công nhà thầu gặp nhiều tình huống bất ngờ.

Tháng 11/2022, khi đào được 200 m từ cửa hầm phía nam, nhà thầu phát hiện mạch nước ngầm chảy thành dòng, lưu lượng khoảng 8-10 m3/giờ. "Các hầm khác cũng có mạch nước ngầm, nhưng nhỏ, có thể xử lý dễ dàng. Hầm này dòng chảy mạnh, nguy cơ sạt trượt lớn, việc thi công rất nguy hiểm", ông Khoa nói.

Địa chất trong hầm là đá phong hóa mạnh đến hoàn toàn (đá bị biến đổi do nhiệt độ, nguồn nước, không khí và các loại axit trong tự nhiên). Nếu gặp nước, về lâu dài đá phong hóa có thể sạt lở. Ngoài ra, hầm có dấu hiệu chuyển vị (xê dịch), một số vị trí cần có biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn.

Từng thi công nhiều hầm quy mô lớn như Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2, hầm bao biển Hạ Long..., ông Ngô Hữu Khoa đánh giá địa chất hầm Núi Vung "rất khó khăn và chưa từng gặp". "Không khí trên công trường rất căng thẳng, chúng tôi đối mặt nguy cơ sạt lở", ông Khoa kể.

Thi công trong hầm Núi Vung. Ảnh: Anh Duy

Thi công trong hầm Núi Vung. Ảnh: Anh Duy

Sau khi phát hiện tình huống bất ngờ, việc đầu tiên là nhà thầu dừng đào, gia cố hầm, sau đó cùng các bên nghiên cứu đưa ra giải pháp, đồng thời hạn chế tối đa công nhân, kỹ sư trong khu vực thi công để đảm bảo an toàn.

"Chúng tôi đã tổ chức quan trắc liên tục 1-2 giờ/lần, bố trí kỹ sư địa chất theo dõi nghiêm ngặt địa chất trong hầm. Hàng chục kỹ sư thi công và giám sát có kinh nghiệm được bổ sung, ăn nghỉ ngay tại cửa hầm. Mọi điều kiện tốt nhất đã được tập đoàn huy động để đảm bảo an toàn thi công", ông Khoa nói.

Các bên chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công họp bàn ngay tại cửa hầm để đưa ra biện pháp xử lý. Vừa họp, nhà thầu vừa tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu về kinh nghiệm xử lý địa chất xấu.

Có nhiều phương án được đưa ra, sau đó các bên thống nhất dừng đào, khoan thoát nước, phun bổ sung chiều dày bêtông gia cố diện tích đã đào. Để gia cố vòm hầm, nhà thầu đã khoan, lắp các ống thép để bơm phụt vữa xi măng xung quang vòm hầm; đặt các vỉ thép chỉ cách nhau 50 cm thay vì 100 cm như trước và lắp đặt các neo cố định chân vỉ thép, bổ sung hệ thống vòm tạm...

Dù hầm đã gia cố khẩn cấp, nguy cơ sạt lở vẫn có thể xảy ra nếu không có đánh giá toàn diện địa chất. Đơn vị thực hiện dự án đã mời các chuyên gia của Hội đồng Kiểm tra nhà nước và đơn vị khảo sát thiết kế vào thực địa. Sau 5 lần họp bàn, các chuyên gia đề xuất thêm giải pháp như tăng chiều dài neo đá từ 4 m lên 6 m, bổ sung vỉ thép, phun bêtông dày tới 15 cm, bố trí thêm các cây thép ổn định kết cầu hầm...

Sau khi các đơn vị khảo sát lại đồng bộ, đoạn hầm dài khoảng 200 m được các bên thống nhất chỉnh sửa thiết kế kỹ thuật với khối lượng vật liệu thi công tăng lên nhiều lần so với thiết kế ban đầu.

Song song gia cố và thi công hầm phía nam, nhà thầu phải huy động khoảng 1.000 công nhân, kỹ sư, hàng trăm đầu máy thiết bị để tổ chức thêm nhiều mũi thi công ở phía bắc hầm Núi Vung nhằm bù lại tiến độ.

Công nhân gia cố vỉ thép trong hầm. Ảnh: Anh Duy

Công nhân gia cố vỉ thép trong hầm. Ảnh: Anh Duy

Đến nay, sau 10 tháng vừa thi công vừa gia cố, hầm Núi Vung đã ổn định, không có hiện tượng chuyển vị đặc biệt. Ống hầm trái đã được đào thông vào cuối tháng 4, ống hầm phải đã thông vào ngày 26/8, đảm bảo mục tiêu hoàn thành hầm Núi Vung và toàn dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước 30/4/2024.

Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, với các điều kiện địa chất sai khác so với dự báo trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các bên liên quan đã thống nhất điều chỉnh biện pháp kỹ thuật, kết cấu chống đỡ để đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp dự án phải bổ sung chi phí cho khối lượng phát sinh thêm khoảng 100 tỷ đồng.

Núi Vung là hầm đường bộ lớn thứ tư cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Khi hầm Núi Vung và đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc Nam từ TP HCM đi Nha Trang sẽ được nối thông, giúp phương tiện giảm thời gian đi lại so với lưu thông trên quốc lộ 1.

Đoàn Loan

Nguồn: https://vnexpress.net/xu-ly-dia-chat-yeu-trong-ham-dai-nhat-cao-toc-bac-nam-4646029.html