Chiều 26-8, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Mai Mạnh Hồng cho biết, Ngân hàng Vietinbank đại diện cho các ngân hàng tài trợ vốn đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước qua đó đã xác định: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho dự án.
VP Bank yêu cầu vốn tự có của nhà đầu tư phải đáp ứng 3.800 tỷ đồng (tăng hơn so với mức của UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt là 2.787 tỷ đồng chênh lệch 1.013 tỷ đồng). Nhà đầu tư đã trao đổi có thể đáp ứng đến mức 3.400 tỷ nhưng ngân hàng vẫn chưa thống nhất. Ngoài ra, VP Bank xác định còn thiếu 882 tỷ đồng mới đủ vốn thu xếp cho dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ liên tiếp tại thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18-3-2019 và số 272/TB-VPCP ngày 2-8-2019 về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế để rà soát các tồn tại trước đây của dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục, điều chỉnh; Cơ quan CSĐT - Bộ Công An nhằm khoanh vùng những sai phạm của thành viên nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh. Bàn giao Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang; ký kết phụ lục hợp đồng số 02 ngày 8-5-2019 với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với thông tư 88/2018/TT-BTC.
Trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra thuế đã loại bỏ các nhà đầu tư “0 đồng” là Công ty Yên Khánh, Hoàng An, Thắng Lợi.
Hiện tại, chỉ còn 3 nhà đầu tư là Công ty Cầu đường CII, Tuấn Lộc và B.M.T, đồng thời đã được Sở Kế hoạch- Đầu tư TPHCM điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Vào các ngày 2-8-2019 và 9-8-2019, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và ý kiến thẩm định của Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh dự án và ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Đến nay, nhà đầu tư đã huy động góp vốn chủ sở hữu và đưa vào dự án 2.500 tỷ đồng tham gia vào dự án, ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng cho tỉnh Tiền Giang để triển khai. Hiện tại, dự án đã đạt được khoảng 30% khối lượng công trình sau 3 tháng, tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây.
Trước đó, ngày 23-7-2019, nhà thầu ngừng thi công để đòi nợ để giải quyết tình trạng này, chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và đã thống nhất rằng nếu dự án không có vốn, không còn cách nào khác, buộc phải tạm dừng thực hiện dự án.
Cũng trong buổi làm việc này, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nói những vướng mắc này đã “vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án” và “vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu” nên họ buộc phải đưa ra một kế hoạch dự kiến cho việc dừng dự án.
Những ngày này dù trời mưa nhưng trên công trường xây dựng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) có cả trăm công nhân miệt mài thi công các hạng mục như gia cố nền đường, đóng cọc nhồi với tâm trạng “vừa thi công vừa ngóng tiền”.
Điều đáng nói là, nguồn vốn của các nhà thầu đã cạn kiệt nếu không sớm khơi thông vốn tín dụng và khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng trong tháng này dự án sẽ đứng lại trong vài ngày tới, biến mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 thành mục tiêu xa vời.
Sau hơn 3 tháng tái khởi động dự án, các nhà thầu nỗ lực hết sức nhưng đang khó khăn rất lớn. Đó là nguồn vốn ngân sách cho dự án đã được xác định nhưng bao giờ mới được Quốc Hội thông qua?! Trong khi đó, vốn vay tín dụng từ các ngân hàng còn đang soi xét chưa định rõ việc thẩm định cho vay.
Liên quan về nguồn vốn, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, thời gian tới, nếu dự án không được xác định nguồn vốn thì khả năng chúng tôi sẽ dừng thi công để đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ và Quốc hội xác định lại thời gian thông tuyến chứ không thể vào năm 2020 được, còn việc hoàn thành dự án vào năm 2021 cũng tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Như vậy trách nhiệm cam kết thông tuyến vào năm 2020 với 20 triệu người dân ĐBSCL là việc của Bộ GTVT, chứ chúng tôi đã nỗ lực hết sức trong thời gian qua.
Về nguồn vốn ngân sách nhà nước, được biết Chính phủ đã có các tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2.186 tỷ đồng hỗ trợ dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn để làm cơ sở đảm bảo phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn.
Với sự quyết tâm của nhà đầu tư, sự hỗ trợ quyết liệt của tỉnh Tiền Giang thì khả năng thông tuyến 2020 là hoàn toàn khả thi nhưng nguồn vốn của ngân sách Nhà nước phải được bố trí ngay trong tháng 9 này và các thủ tục giải ngân không bị vướng.
Ông Mai Mạnh Hồng cho biết thêm, ngày 15-8-2019 Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án phân bổ nguồn vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự kiến nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và quyết định tại kỳ họp tháng 9-2019.
Thời gian đã trôi về những ngày cuối tháng 8, để triển khai thành công dự án, việc khơi thông nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước đến nguồn vốn vay tín dụng là yếu tố then chốt nhằm xác định khả năng thông tuyến trong năm 2020 hay không. Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến cụ thể, thế nhưng ngân hàng thương mại vẫn áp đặt các “quyền lực mềm” dẫn đến dự án quan trọng này có nguy cơ kéo dài và chưa biết đến bao giờ mới thông tuyến.