Hiện thực cao tốc Cao Bằng-Lạng Sơn chưa khi nào gần hơn bây giờ

22/10/2018     115

Niềm vui vừa được thắp lên với chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng khi dự án đầu tư tuyến đường cao tốc nối từ Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Đồng Đăng (Lạng Sơn) đang có những tín hiệu khởi sắc.

Theo đề xuất nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115km, quy mô 4 làn xe cơ giới (Trong ảnh: Một đoạn QL4A qua tỉnh Cao Bằng)

Theo đề xuất nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115km, quy mô 4 làn xe cơ giới (Trong ảnh: Một đoạn QL4A qua tỉnh Cao Bằng)

Nhà đầu tư lần lượt đến rồi lại đi

"Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, tôi cam kết các chính sách hỗ trợ dự án sẽ được đảm bảo thực hiện đúng quy định. Nhà đầu tư không phải lo sợ rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách. Bây giờ, tôi làm Bí thư cũng phải kế thừa những cái của người tiền nhiệm, cái gì xác định là điểm nghẽn phải tháo gỡ ngay mới mong Cao Bằng phát triển. Dự án này là khát vọng bao đời của nhân dân tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị của Cao Bằng đang vào cuộc quyết liệt để công trình triển khai sớm nhất."

Ông Lại Xuân Môn
Bí thư Tỉnh ủy
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 300km, tỉnh Cao Bằng có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất (hơn 332km), đầy tiềm năng phát triển KT-XH với nhiều danh lam thắng cảnh và hệ thống cửa khẩu dày đặc. Nhưng bao năm qua, vùng đất cội nguồn cách mạng vẫn chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi nghèo và khó khăn bậc nhất cả nước. Thậm chí, nhiều người còn ví Cao Bằng như một nàng công chúa ngủ trong rừng, khi có nhiều lợi thế nhưng không thu hút được các nhà đầu tư để phát triển do điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

Trực tiếp trải nghiệm hành trình từ Hà Nội lên Cao Bằng, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những bất lợi về hệ thống giao thông kết nối của vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc. Để tiếp cận Thủ đô Cách mạng, không có lựa chọn nào khác ngoài hệ thống giao thông đường bộ với hai tuyến QL3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và QL4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng) với thời gian di chuyển bằng ô tô từ 7 - 8 tiếng. Hơn nữa, cả hai tuyến QL3 và QL4A đều đi qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở, núi cao, suối sâu, nguy hiểm luôn rình rập khi TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Một địa phương có bề dày lịch sử truyền thống, với nhiều lợi thế phát triển thông thương, giao lưu đối ngoại nhưng lại không thu hút được đầu tư vì hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế. Rất nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân Cao Bằng trăn trở và mong muốn có tuyến đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước để phát triển kinh tế”, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ và cho biết, để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, tỉnh Cao Bằng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến đường Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144km vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016.

Hơn hai năm qua, quy hoạch dự án được duyệt nhưng công tác kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc này lại gặp muôn vàn trắc trở. Do dự án đi qua khu vực địa hình phức tạp, kéo dài, tổng vốn đầu tư lớn, nếu cứ trông chờ nguồn vốn đầu tư công, chưa biết bao giờ công trình mới thành hiện thực. Chuyển hướng sang kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai bằng hình thức đối tác công - tư (PPP), nhưng suốt nhiều năm, Cao Bằng càng kêu gọi các nhà đầu tư càng lảng tránh.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có hai nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, tham gia tìm hiểu, nghiên cứu dự án đường cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng dài 144km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng, nhưng chưa nhà đầu tư nào thực sự muốn đầu tư dự án, họ chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm, đến tìm hiểu rồi lại ra đi.

“Thậm chí, một số doanh nghiệp đến nghiên cứu chỉ mong muốn tìm giải pháp đốc thúc Chính phủ Việt Nam vay vốn nước ngoài thực hiện dự án để họ được làm nhà thầu thi công. Đó là trở ngại rất lớn cho Cao Bằng”, ông Ánh nói và cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đầu tư cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) là giải pháp tối ưu, không còn lựa chọn nào khác, vấn đề quan trọng nhất là phải tìm được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực mạnh để triển khai đầu tư.

Tối ưu hướng tuyến, giảm tổng mức đầu tư để dự án khả thi

Trong diễn biến mới nhất, vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam về đầu tư hạ tầng giao thông đã bày tỏ nguyện vọng tham gia nghiên cứu dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đã và đang triển khai các dự án PPP với tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng gồm: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị… Đèo Cả mang theo kỳ vọng rất lớn để biến giấc mơ mở tuyến cao tốc từ Trà Lĩnh kéo xuống Đồng Đăng của chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng thành hiện thực.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng A2Z (đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án) đánh giá, nếu tổng mức đầu tư của dự án lên tới 47.000 tỷ đồng (các nhà đầu tư trước đây nghiên cứu đề xuất) là quá lớn và sẽ không đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án. Bất kỳ doanh nghiệp nào có ý định tham gia dự án cũng cần rà soát và nghiên cứu lại phương án đầu tư. Theo ông Dũng, cơ sở để đơn vị tư vấn tham gia nghiên cứu tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh xuất phát từ việc tối ưu hóa phương án đầu tư đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư), khi bổ sung thêm 17,5km kết nối đến hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam.

“Để phát huy hiệu quả kết nối khu kinh tế cửa khẩu hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, chúng tôi đề xuất điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối vào tuyến đường nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đi cửa khẩu Tân Thanh. Khi đó, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh rút ngắn xuống còn 115km, giảm 29km so với quy hoạch ban đầu. Đồng thời, kết hợp với việc áp dụng công nghệ thi công hầm xuyên núi do các nhà thầu Việt Nam hiện đã làm chủ được công nghệ NATM nhằm tiết giảm chi phí đầu tư của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, ông Dũng nói.

Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn mới, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115km được thiết kế với quy mô tương tự các dự án cao tốc Bắc - Nam, gồm 4 làn xe cơ giới, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết 80km/h; trên tuyến xây dựng 18 cầu, 6 hầm đường bộ (dài 2.550m), 21 hầm giao thông dân sinh,… tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu đề xuất của các nhà đầu tư trước đó.

Cũng theo ông Dũng, kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong khoảng 10 năm đầu khai thác (2023 - 2032) đạt khoảng 6.000 - 10.000 xe/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 lưu lượng so với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại cùng thời điểm.

“Để làm tuyến đường này sẽ phải nghiên cứu phương án đầu tư theo hình thức PPP, với tổ hợp nguồn vốn gồm: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay tín dụng, vốn hỗ trợ của Nhà nước và địa phương cho dự án”, ông Dũng nói và thông tin, lộ trình thực hiện dự án dự kiến trong giai đoạn 2019 - 2022 khi các bên liên quan hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư và tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong năm 2019.

Đánh giá về báo cáo nghiên cứu dự án, tại buổi làm việc mới đây giữa tỉnh Cao Bằng với đơn vị tư vấn, ông Đàm Văn Eng, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng nói: “Chưa bao giờ Cao Bằng kỳ vọng lớn vào cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh như hiện nay. Chúng tôi có niềm tin rất lớn vào việc triển khai thành công dự án với phương án nghiên cứu do đơn vị tư vấn đưa ra”.

Theo Đình Quang
http://www.baogiaothong.vn/hien-thuc-cao-toc-cao-bang-lang-son-chua-khi-nao-gan-hon-bay-gio-d275950.html