Sáng chế về phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào của Tập đoàn Đèo Cả đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận hình thức đơn đăng ký. Đây là giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thi công, tăng tính an toàn chịu lực của kết cấu thi công.
Cụ thể, tại Quyết định số 86294/QĐ-SHTT ngày 18/7/2024, Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận đơn 2-2024-00005 nộp ngày 3/1/2024 của Tập đoàn Đèo Cả hợp lệ về hình thức với tên sáng chế là phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào. Đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp và thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ. Trên cơ sở được chấp thuận hình thức đơn đăng ký, Tập đoàn Đèo Cả có quyền tạm thời đối với sáng chế theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ.
Quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ
Bản mô tả đính kèm đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích của Tập đoàn Đèo Cả nêu, giải pháp này đề cập đến phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian trong thi công hầm, phân chia hầm thành nhiều hầm nhỏ kết hợp với đào gương nghiêng và phun gia cố ngay sau khi khai đào. Mục đích nhằm rút ngắn thời gian thi công,tăng an toàn chịu lực của kết cấu thi công, khắc phục được thiết kế với hình dạng chưa được tối ưu về mặt chịu lực của hầm.
Trên thực tế, giải pháp này đã được Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu, áp dụng trong quá trình thi công hầm tại một số dự án hầm đường bộ như hầm số 2 – Gói thầu XL2, hầm số 1 – Gói thầu XL1 thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhà thầu đã thi công hầm vượt tiến độ từ 3 đến 4 tháng so với kế hoạch đặt ra, đáp ứng yêu cầu về mặt an toàn kết cấu chịu lực, an toàn thi công, chất lượng dự án và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo ông Bùi Hồng Đăng, Giám đốc Ban chỉ huy hầm dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, trên thực tế phương pháp đào hầm truyền thống chỉ có duy nhất một không gian cho một mũi thi công, đối với phương pháp này do Đèo Cả nghiên cứu sẽ có tối thiểu 2 không gian cho mỗi mũi, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời nâng cao hiệu quả dự án.
“Giải pháp này đang tiếp tục được Tập đoàn đề xuất áp dụng tại hầm số 3 – Gói thầu XL3 của dự án, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2025 và góp phần vào mục tiêu chung của Chính phủ là hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025”, ông Bùi Hồng Đăng nói thêm.
Hầm số 1, hầm số 2 cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được áp dụng phương pháp thi công tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào.
Trong những năm gần đây, công tác xây dựng hạ tầng giao thông nói chung, công trình hầm đường bộ nói riêng đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, đặc biệt là về công nghệ để đáp ứng chất lượng và tiến độ.
Qua nghiên cứu của Tập đoàn Đèo Cả, các phương pháp thi công hầm đường bộ phổ biến được nhiều đơn vị áp dụng hiện nay chưa được tối ưu hóa vì không gian thi công trong hầm thường rất hạn chế, trong khi đó yêu cầu về an toàn, phòng chống cháy nổ, thông gió rất nghiêm ngặt, điều này dẫn đến phương pháp đào thông thường khó đáp ứng về tiến độ, an toàn chịu lực của kết cấu và chi phí xây dựng hầm.
Bằng kinh nghiệm được đúc rút thông qua việc triển khai thi công nhiều dự án hầm xuyên núi phức tạp, có quy mô lớn như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh,…, đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Đèo Cả đã đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu sáng tạo phương pháp tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào để áp dụng vào thực tế thi công các công trình hầm mà Tập đoàn Đèo Cả thực hiện sau này.
Phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào bao gồm các bước chính: - Chia gương hầm thành 2 phần là phần trên (phần vòm) và phần dưới (phần tường) với chiều cao mỗi phần tùy thuộc vào chiều cao của máy khoan; - Chia phần trên thành 2 phần, phần 1 được đào trước với khẩu nhịp độ nhỏ hơn 9,5m, phần 2 đào sau khi đào xong phần 1 và được đào với nhiều không gian khác nhau hoặc đào đến hầm thông ngang; - Chia phần dưới thành 3 phần, phần 1 được đào thành nhiều mũi thi công, phần 2 được đào một lần và sử dụng phương pháp khoan ngang, khoan nút lỗ không tra mìn, phần 3 được đào tương tự như phần 2. Đối với các công trình có 2 ống hầm thi công song song và được thiết kế thông ngang, sử dụng ngách thông ngang làm đường lưu thông và phân chia thành nhiều hầm độc lập để tạo thêm không gian thi công. |
Tin bài: Tuấn Khang - Ảnh: Thế Sơn