Chị nuôi

27/11/2023     1524

8 năm cùng những người Đèo Cả khai phá những vùng đất mới, khi đến là núi rừng hoang vu không một dấu chân người, khi họ rời đi để lại là công trình giao thông hiện đại. Chị Nguyễn Thị Huy Chương không làm những công việc lớn lao mang tầm chiến lược, hay đứng đầu một nhóm công việc thi công nào trong hệ thống vẫn ngày đêm chuyển động, chị chỉ làm công việc nấu ăn tại dự án. Âm thầm, giản dị đời thường nhưng rất quan trọng. Anh em công trường gọi chị là “chị nuôi”.

“700 miệng ăn”

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án lớn trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam, quan trọng không chỉ của Tập đoàn mà còn quan trọng đối với cả ngành giao thông, có những thời điểm tại đây tập trung dồn lực thi công, nhà bếp ở hầm Núi Vung của chị phải lo các bữa ăn sáng, trưa, tối cho 700 người.

Chị "nuôi" Nguyễn Thị Huy Chương

Chị chia sẻ: “Lo nhất là khâu an toàn thực phẩm, ai đó đau bụng, … ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến công việc thì đáng ngại lắm. Thế nên chị em nhà bếp cẩn trọng từ ly từng tý, từ khâu chọn nguồn thực phẩm đến chế biến”.

Điều làm chị Chương thú vị là từ chỗ chỉ biết mỗi món cơm gà đặc sản quê hương Phú Yên của mình, giờ đây có thể biết và chế biến rất nhiều món ăn của cả 3 miền khác nhau để sẵn sàng chiều lòng những miệng ăn khó tính. Từ các món ăn miền Bắc như cá chép kho ba chỉ, ba chỉ kho cháy cạnh, canh gà é trắng đến các món dưa cà muối, cá kho tộ của anh em lao động miền Trung, chị Chương phục vụ được hết.

“Khẩu phần ăn, sở thích của anh em vùng miền khác nhau nên khác nhau. Tự các anh em chỉ cho và tìm hiểu thêm trên mạng về các món ăn, văn hóa ăn uống của các vùng miền để làm sao phục vụ cho tốt. Giờ đa năng lắm rồi”, chị Chương khoe. Chị là người tỉ mỉ, khi “sếp (chỉ huy hoặc các chức danh tương đương công tác tại dự án) người miền Bắc thì mình nấu món miền Bắc. Sếp, người miền Trung thì chế biến theo kiểu miền Trung”, bí quá thì hỏi han thêm những đứa em là công nhân về cách nấu các món ăn vùng miền.

Chị Chương nói, trước đây bếp ăn thường phục vụ cơm theo khay. Mỗi người một khay. Việc phục vụ cơm theo khay được thực hiện từ trước và đặc biệt bắt buộc trong thời điểm đại dịch covid bùng phát. Hơn 2 năm bùng phát dịch, bằng những cách thức tổ chức thi công phù hợp, các công trường Đèo Cả vẫn chuyển động.

“Không ít trường hợp, các em ăn có phân nửa khay cơm, để thừa lại phải đổ đi. Cũng có không ít trường hợp đi ca về, đói một khay cơm không đủ lót dạ. Đâu đó những phàn nàn. Chạnh lòng lắm! Chị em tự đặt câu hỏi do mình nấu không ngon, hay do mình bố trí khẩu phần ăn chưa hợp lý… Sau này, đề xuất lãnh đạo bỏ khay, ăn theo mâm. Mình dọn mỗi mâm 8 đến 10 người. Khắc phục được ngay những vấn đề nói trên. Anh em ai cũng phấn khởi”, chị Chương khoe.

Việc phục vụ cơm nước đủ ba bữa một ngày cho hàng trăm con người, luôn tay luôn chân nhưng khi nhìn thấy anh em đi làm về mệt, ăn hết những gì dọn ra, cười nói vui vẻ thì mệt mỏi của người làm bếp tan biến. Có những thời điểm thông hầm, cả dự án phải chạy thâu đêm suốt sáng, nhà bếp cũng không tắt đèn.

Những thực đơn hàng ngày được các chị thay đổi liên tục để những bữa cơm mình làm ra không bị nhàm chán. Chị Chương kể lại: Quãng thời gian còn một hai cây số nữa là hầm thông hầm núi Vung. Không khí trong hầm lúc đó rất khẩn trương. Mình biết anh em làm việc ca 3 vất vả nên nhà bếp lúc nào cũng sẵn sàng nồi cháo và thức cùng các em”.

Điều làm chị Chương và các chị làm bếp ở hầm núi Vung lấy làm niềm vui là các lần kiểm tra hiện trường của Chủ tịch HĐQT, có cả Thứ trưởng, các lãnh đạo quan trọng khác của Bộ GTVT và các bộ ngành khác, lãnh đạo địa phương đều tổ chức ăn cơm tại nhà ăn công trường. “Không có gì quá khác biệt giữa bữa ăn của lãnh đạo tập đoàn với bữa ăn của người lao động. Có chăng, nếu Chủ tịch dự cơm tối thì có một chút rượu để ông hỏi han động viên anh em công trường thôi”, chị Chương nói.

Hòa mình vào ngôi nhà lớn - Đèo Cả

Chị Chương đến với Đèo Cả năm 2015 - Thời điểm Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả ngổn ngang công việc. chị Chương cũng như rất nhiều người dân Đông Hòa – Phú Yên khó hình dung hết được tầm vóc của công trình hầm Đèo Cả ngay tại quê hương mình.

Chị kể lại, hồi đó việc buôn bán không thuận lợi, rồi có chị gái giới thiệu vào dự án nấu ăn. Ban đầu chị Chương được phân công nấu cho 10 cán bộ và công nhân dự án với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Chị cười: “mức đó ở Phú Yên là đủ sống rồi” và không còn phải toan tính như việc buôn bán.

Gói bánh dịp tết

Dự định khi hầm Đèo Cả hoàn thành, chị sẽ rời công trường, chia tay công ty. Nhưng rồi đến thời điểm kết thúc lại cảm thấy phù hợp với công trường dự án, vì thương mấy đứa vất vả, “chúng nó như em trai mình” vậy là theo ra Cù Mông... cứ thế chị gắn bó với nhà ăn công trường cho đến bây giờ.

Ngày làm dự án Đèo Cả, chỗ làm cách nhà 20km, chuyển đến công trường hầm Cù Mông cách nhà 120km, rồi ra Hải Vân cách nửa ngày đường di chuyển bằng ô tô và đến với Câm Lâm - Vĩnh Hảo cách nhà là cả một sự sai khác vùng khí hậu… Vị trí địa lý cứ thế dịch chuyển theo hướng xa dần gia đình, quê hương nhưng ngày một gần hơn, bền chặt hơn, yêu hơn ngôi nhà lớn của mình - ngôi nhà Đèo Cả.

Chị Chương có 2 người con. Gái lớn đang học đại học Bưu chính Viễn thông Tp.Hồ Chí Minh. Cậu con trai học năm cuối cấp 2 ở Đông Hòa. Ngoài công việc bếp núc, chị lại tranh thủ “alo, chuyện trò với con”. Chị bảo “con cái cũng hiểu đặc thù công việc của mẹ. Giờ có zalo, ở xa mà cảm giác như gần, đỡ nhớ”. Vài tháng lại về quê một đôi ngày. “Ở cái tuổi 43 này rồi, từ xa nhìn con cái lớn khôn, trưởng thành, biết thương nhau, thương mẹ là điều hạnh phúc rồi”, chị tâm sự.

Chị Chương cùng gia đình

Một ngày của chị bắt đầu khi trời vừa sáng và kết thúc khi anh em công nhân đã leo lên giường. Bóng hình cần mẫn đó được tập thể thân thương gọi bằng hai tiếng “chị nuôi” - chăm lo cho họ từng bữa ăn. Bằng sự ân cần, bằng các món ăn của mình, “chị nuôi” đã đem hương vị quê hương đến gần với những người con xa quê. Là phụ nữ ai cũng muốn có thời gian để chăm sóc cho bản thân và hơn hết là chăm lo cho gia đình nhưng các “chị nuôi” hiểu rằng công việc của mình cũng quan trọng đối với một gia đình khác, gia đình lớn hơn, gia đình Đèo Cả.

Chuyển động của Đèo Cả đến từ những điều nhỏ nhất và ở Đèo Cả có rất nhiều chị Chương đồng hành cán bộ, người lao động trên các công trường trải dọc đất nước. Tất cả đều góp phần tạo ra những giá trị to lớn, mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.

TT