Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), công tác quản lý đầu tư xây dựng tiếp tục được tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Ngành như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện; Dự án xây dựng cầu Hưng Hà; Dự án xây dựng các đường bộ cao tốc: Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành, Trung Lương – Mỹ Thuận; Dự án xây dựng hầm Đèo Cả; Dự án xây dựng cầu Đồng Nai; dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông; Dự án xây dựng QL20… Kịp thời hoàn thành 22 dự án để đưa vào khai thác ; hoàn thành công tác chuẩn bị, khởi công 12 dự án .
Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với một số dự án đầu tư theo hình thức BOT; báo cáo Đoàn công tác của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội các nội dung liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn vay ODA; đã phối hợp chặt chẽ, cung cấp số liệu và giải trình các đoàn Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án BOT…
Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai xây dựng các dự án trọng điểm của Ngành. Đã hoàn thiện đúng tiến độ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV; đã triển khai nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đã triển khai thủ tục lựa chọn tư vấn trong nước rà soát, xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và dự kiến sẽ phối hợp với tư vấn hỗ trợ phía Nhật Bản tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018…
Năm 2017, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2017. Tuy nhiên, dự kiến không giải ngân hết kế hoạch năm 2017 được giao do một số dự án vướng GPMB, vướng mắc về thủ tục pháp lý, các dự án TPCP được giao kế hoạch muộn… Tổng cộng các nguồn vốn giải ngân năm 2017 ước đạt 60.761,46 tỷ đồng, đạt 94,05% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngoài NSNN giải ngân ước đạt 100% kế hoạch, tương đương với số vốn giải ngân là 20.000 tỷ đồng; nguồn vốn NSNN và TPCP dự kiến giải ngân 40.761,46 tỷ đồng, đạt 91,38% kế hoạch, cụ thể như sau: Vốn NSNN: giải ngân 29.551/31.616 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt 93,5% kế hoạch giao; Nguồn vốn TPCP: giải ngân 5.752/7.329 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt 78,5% kế hoạch giao. Kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân của kế hoạch năm 2016 sang năm 2017: giải ngân 5.458/5.661 tỷ đồng kế hoạch kéo dài, đạt 96,4% kế hoạch giao.
Tiếp tục tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành: Đối với dự án sử dụng NSNN, đã lập, trình quyết toán 113 dự án với giá trị trên 65 nghìn tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch cả năm 2017; đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 119 dự án với giá trị gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch cả năm 2017. Đối với các dự án BOT, BT, trong năm 2017, đã lập, trình được 14 dự án đạt 107% kế hoạch; thẩm tra thỏa thuận quyết toán được 30 dự án, đạt 103% kế hoạch; lũy kế đến nay đã thỏa thuận quyết toán được 55 dự án BOT, BT.
Kế hoạch bảo trì KCHTGT trên tất cả các lĩnh vực được triển khai kịp thời, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Công tác quản lý các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa được rà soát và chấn chỉnh; không cấp phép triển khai các dự án mới, đồng thời, tiến hành ký kết quy chế phối hợp với các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát. Công tác quản lý đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiếp tục được tăng cường, đã ban hành Hướng dẫn tạm thời và triển khai xây dựng gờ giảm tốc tại vị trí đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt; lắp đặt cần chắn tự động, bổ sung các biển báo hiệu .
Tổng số thu phí sử dụng đường bộ qua các trạm đăng kiểm trên cả nước năm 2017 ước đạt 7.143,5 tỷ đồng, vượt 16,15% kế hoạch . Bộ GTVT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết và đánh giá 5 năm thực hiện Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) theo Luật Giao thông đường bộ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Quỹ BTĐB và các đề xuất, kiến nghị về mô hình hoạt động của Quỹ đảm bảo hiệu quả, ổn định và phát triển trong thời gian tới.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ: Bộ GTVT đã xem xét, chấp thuận giảm giá theo thẩm quyền cho các phương tiện khu vực trạm thu giá tại 46/51 dự án theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đang đàm phán để xử lý 5 dự án còn lại. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng và mức giảm, Bộ GTVT đã giảm giá các xe loại 4 và loại 5 (là các xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án; 27 dự án có mức giá đã thấp hơn mức trung bình; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi nên nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng chưa đồng ý giảm giá. Bên cạnh đó, hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) cũng được triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đã sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển KCHTGT ngày càng khó khăn; nhận thức và sự đồng thuận trong xã hội về xã hội hoá đầu tư KCHTGT còn phân tán và có ý kiến khác nhau; vẫn còn một số tồn tại, bất cập tại một số trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT; bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền đôi khi chưa được thực hiện tốt và kịp thời.
Để đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác KCHTGT, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển KCHTGT của Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam và các quy hoạch, kế hoạch phát triển chuyên ngành GTVT đã được duyệt. Tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến KCHTGT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo các quy định pháp luật về quy hoạch.
Bám sát chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến đầu tư xây dựng của ngành GTVT, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; hoàn thành và đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để sớm khởi công Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông; sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình, tiến độ và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Kịp thời thông báo kế hoạch đầu tư năm 2018 cho các chủ đầu tư triển khai, thực hiện ngay sau khi có quyết định giao vốn. Chủ động điều hành kế hoạch vốn được giao để đáp ứng tiến độ các dự án.
Tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác GPMB và triển khai thi công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; rà soát để loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đấu thầu; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực hiện công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo chất lượng đáp ứng tiến độ yêu cầu; thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi về chất lượng, tiến độ thi công, công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với các dự án.
Tập trung quyết toán các dự án hoàn thành, đặc biệt là đối với các dự án BOT, BT đã hoàn thành đưa vào sử dụng và thu giá. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán liên quan đến đầu tư xây dựng.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác KCHTGT. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bảo trì KCHTGT, các định mức kinh tế – kỹ thuật quản lý, bảo trì KCHTGT. Thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung toàn bộ hiện trạng KCHTGT thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT và các địa phương. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt; các tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa…
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì KCHTGT các lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong lĩnh vực bảo trì. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì KCHTGT theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, xã hội hóa xây dựng, khai thác, bảo trì KCHTGT.
Tập trung xây dựng, triển khai Đề án tăng nguồn thu cho Quỹ BTĐB (ngoài nguồn thu phí sử dụng đường bộ và nguồn ngân sách cấp) . Tiếp tục quản lý hiệu quả và chặt chẽ nguồn vốn Qũy BTĐB, tăng cường công tác tuyên truyền và công khai minh bạch các hoạt động của Qũy để tăng tính giám sát cộng đồng.
Rà soát toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT, kịp thời xử lý các tồn tại, bất cập (nếu có), nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).
Đặng Hiếu