Từ xưa tới nay, Cao Bằng vốn được coi là “vùng lõm” về giao thông, do ở vị trí xa xôi, địa hình chia cắt. Hai tuyến đường kết nối từ Cao Bằng về Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng, gập ghềnh khó đi, gần đây mới được nâng lên cấp IV miền núi. Chính vì thế, xây dựng tuyến cao tốc nối Cao Bằng với miền xuôi là niềm trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, như một món nợ đối với người dân vùng đất cội nguồn cách mạng này.
Chính vì vậy, đầu năm nay, dự án đường cao tốc đầu tiên của địa phương được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công, đồng thời cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc) được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế đã mang lại “niềm vui kép” rất lớn cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Kỳ I: Khơi thông “điểm nghẽn” hạ tầng
Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế vùng, tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông hướng tới các hành lang kinh tế. Trước nhiệm vụ này, Tỉnh ủy Cao Bằng (nhiệm kỳ 2020-2025) đã và đang tháo gỡ những “điểm nghẽn” hạ tầng để khơi thông huyết mạch kinh tế, đưa tỉnh phên giậu của Tổ quốc trở thành cầu nối giao thương của khu vực.
Đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Cao Bằng đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh diễn biến phức tạp từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, nỗ lực và đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh.
Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh Cao Bằng đã tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, cụ thể hóa bằng ba chương trình trọng tâm và ba nội dung đột phá. Nhờ đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã tăng trưởng ổn định với mức bình quân 5,46 %/năm trong giai đoạn 2021-2023.
Nội dung đột phá và trọng tâm nhiệm kỳ này của tỉnh Cao Bằng là phát triển kinh tế cửa khẩu, biến tỉnh này trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế.
Một góc thành phố Cao Bằng.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) tỉnh Cao Bằng cho biết, hoạt động giao thương qua cửa khẩu của Cao Bằng còn nhiều tiềm năng, nhưng phải có bước đi chiến lược và cụ thể nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng của kinh tế cửa khẩu, tỉnh đã phát triển dịch vụ hậu cần logistics; tổ chức sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, tập trung vào các cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng, một số lối mở cửa khẩu lợi thế khác. “Tỉnh cũng chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa… tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến giao thương”, ông Cường nói.
Năm nhóm “điểm nghẽn” về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu, nguồn lực cũng được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực, xây dựng, ban hành các văn bản quản lý hoạt động khu kinh tế cửa khẩu, tạo hành lang pháp lý giúp việc quản lý nhà nước tại địa phương.
Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng).
Để gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng cơ sở, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành hàng chục dự án hạ tầng cơ sở tại cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh), Tà Lùng (Quảng Hòa), lối mở Nà Lạn (Thạch An), lối mở Thị Hoa, cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang), cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng),… Năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai hai dự án trong kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cửa khẩu giai đoạn 2021-2025 tại cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa) và các khu vực lối mở Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An) để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cơ sở.
Đại diện một doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Quang Anh, bày tỏ mong muốn tỉnh Cao Bằng tiếp tục huy động mọi nguồn lực đổi mới kết cấu hạ tầng logistics, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông, xây dựng trung tâm logistics phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về logistics và các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển của ngành; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua các hoạt động kết nối giao thương, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ.
Kỳ vọng tuyến cao tốc “đối ngoại”
Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 2/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đến năm 2040 đã định hướng phát triển các khu dịch vụ logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi tại tất cả các cửa khẩu, lối mở (tổng diện tích 380-400ha). Theo đó, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành bốn phân vùng (đông, tây, nam, bắc). Trong đó, mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, đóng vai trò như những cực phát triển của phân vùng.
Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.
Phối cảnh dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Tháng 12/2023, tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang lên cửa khẩu quốc tế, lãnh đạo hai bên xác định đây là khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nằm trên tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế, từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) đi Trùng Khánh-Urumqi (Trung Quốc)-Khorgos (Kazakhstan), sang các nước châu Âu và ngược lại.
Niềm hân hoan của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân Cao Bằng vào ngày đầu xuân năm mới 1/1/2024, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng). Phát biểu ý kiến tại đây, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ sự phấn khởi trước tương lai không xa về một tuyến đường hiện đại vắt ngang vùng đại ngàn Đông Bắc.
“Tôi có niềm tin rất lớn rằng đây sẽ là một dự án hợp tác công-tư thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình, tạo ra một cao tốc đối ngoại huyền thoại, kết nối các trung tâm trong nước và quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh một khi được hoàn thành sẽ mở rộng cánh cửa kết nối giao thương giữa tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây, rộng hơn là ASEAN với Trung Quốc. Giao thương qua khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh mang lại lợi ích kinh tế cao khi tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Cao Bằng.
Phối cảnh một đoạn cầu cạn trên tuyến đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Bình luận về dự án đường cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đặt kỳ vọng tuyến đường hiện đại này sẽ giúp bức tranh kinh tế-xã hội của Cao Bằng khởi sắc nhờ hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, và phát triển công nghiệp… “Với tuyến đường cao tốc mới, các nhà đầu tư sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm logistics, cảng cạn,… tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nhận định.
Minh Tuấn - Minh Trang
Nguồn: https://nhandan.vn/cao-bang-khat-vong-vuon-xa-post846876.html