Rào cản lớn nhất hiện nay là từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình đàm phán làm việc, chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng. Khung pháp lý có rất nhiều bất cập, điển hình là xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Đây là bức xúc của ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả tại Tọa đàm Phát triển Doanh nghiệp tư nhân, rào cản và giải pháp được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (5/10).
Theo ông Thế, trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế khi triển khai công việc, chúng tôi vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Thế, rào cản lớn nhất hiện nay là từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình đàm phán làm việc, chúng tôi chưa được đối xử bình đẳng. Khung pháp lý có rất nhiều bất cập, điển hình là xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
"Các văn bản hành chính Nhà nước ban hành thiếu tính thực tiễn, trong đó chính sách lãi vay trong vòng hơn 1 năm nhưng Thông tư Bộ Tài chính ban hành tới 4 lần. Dự thảo cuối cùng của Thông tư mới lại quay về Thông tư đã được quy định trước đó", ông Thế nói.
Theo ông này, hiện những khu vực dự án BOT có liên quan đến người dân cũng gặp nhiều khó khăn, cứ mỗi một người dân đi qua lại yêu cầu cung cấp hợp đồng BOT ra, hàng triệu chủ phương tiện đi qua, chúng tôi không thể giải trình cho từng người như vậy.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư Việt Đức cho rằng, doanh nghiệp Việt Đức đề nghị có thêm nhiều chính sách phát triển tư hữu, tư nhân trong sản xuất kinh tế.
Tôi cho rằng chỉ có phát triển tư hữu mới phát triển đất nước, nói cụ thể hơn phần kinh tế tư nhân là phần đầu và linh hồn của tư hữu.
"Nhà nước cần đưa ra chính sách để phát triển tư hữu thì kinh tế tư nhân mới quy tụ, thay đổi và phát triển nội lực của dân tộc", ông Cử nói.
Ông Cử cho biết: "Bản thân tôi là người định cư ở nước ngoài nhưng khi về đầu tư ở Việt Nam khi nuôi cá hồi ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, cũng có sự va chạm nhất định".
Ông này kể: "Tại Sapa, nhìn qua biên giới với Trung Quốc, từ cửa khẩu, không thiếu người tay xách nách mang các sản phẩm nông nghiệp, họ nói đó là cá tầm, cá hồi Việt Nam. Vì thế, người tiêu dùng Việt Nam sẽ còn tiêu thụ thực phẩm bẩn nếu chúng ta không quản lý và kiểm soát được biên giới".
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: "Một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân".
"Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017, người ta vẫn đưa “tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DNNN”. Sao không đổi thành “phim của DN Việt Nam”. Điều này có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt dựa trên hình thức sở hữu", ông Kiên nói.
Theo An Linh
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-tu-nhan-chung-toi-van-chua-duoc-doi-xu-binh-dang-20181005144106138.htm