Đối tác công-tư:

Cần hành xử đúng tinh thần bình đẳng-hợp tác

23/07/2018     228

Các doanh nghiệp (DN) cho rằng nhiều cơ quan Nhà nước khi tham gia các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) vẫn áp dụng quan hệ cấp trên-cấp dưới, đưa ra các mệnh lệnh hành chính gây khó khăn cho DN. Kỳ vọng Luật Luật tư theo hình thức PPP sẽ đưa vào các nguyên tắc bảo đảm tính bình đẳng trong mối quan hệ này.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Đồng thời, triển khai xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư để kịp thời khắc phục những “điểm nghẽn” trong quá trình thực thi.

Để góp ý hoàn thiện dự án Luật này, ngày 23/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ KH&ĐT phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo số liệu công bố của WB, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 dự báo khoảng 20-25 tỷ USD, gấp đôi so với mức đầu tư 5 năm trước. Bên cạnh đó, thực trạng hạ tầng của Việt Nam còn rất thấp. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP còn chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… Trong khi, các luật trên tiếp cận theo quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công và đầu tư tư nhân là chủ yếu, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP. Do vậy, việc triển khai dự án PPP còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP”, bà Lê cho biết.

Tại Hội thảo, nhiều DN bày tỏ quan điểm đồng tình với việc xây dựng Luật PPP, đồng thời cũng nêu lên rất nhiều rào cản, vướng mắc, xung đột pháp lý trong việc thực hiện các dự án này.

Trong đó, vấn đề được đông đảo DN tham gia góp ý là khung khổ pháp lý hiện tại chưa quy định cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia – điểm cốt yếu của hợp đồng PPP.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco cho biết, đây cũng là nguyên nhân nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, quan tâm đến phát triển hạ tầng tại Việt Nam “rút lui” khỏi những dự án PPP.

“Xây dựng Luật PPP là rất cần thiết, nhưng nếu không đưa được cơ chế chia sẻ rủi ro vào thì sẽ vẫn không thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng, chất lượng”, ông Dũng nói.

Chia sẻ những vướng mắc với nhiều dự án đang “đắp chiếu” vì chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, ông Dũng đề xuất: “Khi đã quy định, giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì cũng cần có cam kết về thời gian thực hiện, nếu không làm được phải có chế tài xử lý, tránh lãng phí thời gian và tiền của của DN”.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đèo Cả thì cho rằng, nói đến quan hệ đối tác công-tư là thể hiện tính bình đẳng của các bên tham gia. “Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cơ quan Nhà nước vẫn áp dụng quan hệ cấp trên-cấp dưới, đưa ra các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào dự án, thậm chí thay đổi các điều khoản hợp đồng gây khó khăn cho DN. Vì vậy chúng tôi mong muốn Luật PPP sẽ đưa vào các nguyên tắc bảo đảm nguyên tắc đó”.

Theo ông Trần Duy Hưng, đại diện Monitor Consulting: “Việc xây dựng Luật PPP là cơ hội tốt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết các vấn đề vướng mắc, nhưng nếu không xem xét tính phù hợp với thông lệ quốc tế thì sau vài năm hiệu quả thu hút đầu tư PPP sẽ không được như mong đợi”.

Từ một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Hưng Quang nhận định: “Trong các dự án PPP, dường như chúng ta chỉ mới đề cập đến Nhà nước và tư nhân mà quên đi một đối tác khác, chính là cộng đồng những người sẽ sử dụng những công trình, dịch vụ từ dự án đó”.

“Vì vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc như BOT Cai Lậy, cần tham vấn cộng đồng từ quá trình xây dựng Luật, lập dự án đến triển khai dự án. Cơ chế giám sát cộng đồng đi kèm với chính sách minh bạch hóa thông tin cũng rất quan trọng để tăng tính hiệu quả của những dự án này”, ông Quang nói.

Đồng tình với chia sẻ của các DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: “Việc xây dựng Luật PPP là rất cần thiết. Bản chất của PPP là hình thức đầu tư quy mô lớn, dài hạn nên cần có Luật PPP để bảo đảm tính ổn định”, ông Tuấn cho biết.

“Các nhà đầu tư muốn có được lợi ích như kỳ vọng, rủi ro thấp, quá trình thực hiện dự án thuận lợi. Nhà nước muốn có nguồn lực phát triển hạ tầng nhưng vẫn phải bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Cộng đồng cũng có nhu cầu hưởng lợi từ các dự án này và không có gánh nặng quá lớn về phí”.

Do đó, theo ông Tuấn, muốn xây dựng một đạo luật tốt, cân bằng lợi ích giữa các bên cần minh bạch hơn trong quá trình hợp tác, tăng cường tham vấn cộng đồng, DN và các đối tượng liên quan một cách rộng rãi hơn.

Theo Thu Lê / Báo Chính phủ