Hậu trường của những "phu đường" làm nên hình hài cao tốc Bắc - Nam

03/03/2023     445

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đang trong giai đoạn nước rút để về đích, điều này cũng có nghĩa những người mở đường trên các công trường dọc tuyến dự án càng trở nên bận rộn hơn. Họ đã nỗ lực ngày đêm, gác lại tình riêng, tích cực thi công để đảm bảo đúng tiến độ của dự án.

11h30, kíp công nhân thi công tại hầm Thung Thi kết thúc ca làm việc buổi sáng kéo dài gần 5 giờ. Hầm Thung Thi là một hạng mục thi công quan trọng thuộc gói thầu XL12 dự án thành phần Mai Sơn - QL45 - một trong những dự án đang trong giai đoạn thần tốc thi công để về đích đúng hạn của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

Phủi nhanh bụi đất lấm lem dính trên quần áo bảo hộ và tay chân, các công nhân lấy vội những hộp cơm đã chuẩn bị sẵn ăn ngay tại cửa hầm nhánh trái phía Bắc trước giờ nối ca chiều. Trước ánh nhìn đầy tò mò của phóng viên, một nhóm công nhân trong số đó cho biết việc dùng cơm hộp ngay tại công trường đã trở thành “chuyện thường ngày” trong thời điểm thi công gấp rút.

“Dù lán trại chỉ cách công trường khoảng vài trăm mét nhưng để đảm bảo tiến độ công việc được giao, anh em công nhân ăn trưa và nghỉ ngơi ngay tại công trường để tránh mất thời gian đi lại, ảnh hưởng đến công việc và tiến độ thi công”, ông Hoàng Đình Thịnh, Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL12 chia sẻ.

Một bữa cơm vội, ván gỗ dùng tạm làm bàn, ghế là viên gạch vỡ hay tấm bìa cát-tông trên nền đất. Không biết cơm ngon hay dở nhưng anh em công nhân vẫn rất vui vẻ, phấn khởi vừa ăn vừa trò chuyện và sẻ chia như những người thân trong một gia đình. Có lẽ với những người công nhân trên dọc tuyến cao tốc, họ đã quá quen với cả việc ăn uống như thế này… Nhưng với chúng tôi, đây có lẽ là lần đầu tiên được chứng kiến sự vất vả và nhọc nhằn mà anh em công nhân đang nỗ lực thực hiện để đảm bảo dự án trọng điểm quốc gia về đích như đã hẹn.

Sau bữa trưa và vài phút nghỉ chớp nhoáng ngay tại công trường, anh em công nhân lại tiếp tục trở lại với công việc và chẳng ai bảo ai, mỗi người lại kiên cường, rắn rỏi cho dù là đêm hay ngày. Trước khi Phóng viên rời đi, mấy anh công nhân vừa cười vừa ngoái lại dặn: “Chụp thì chụp thế thôi chứ đừng đưa lên báo nhé, vợ con ở nhà lại thương”.

Đột nhập vào “đại bản doanh” của anh em công nhân, khám phá căn bếp dã chiến trên công trường hầm Thung Thi, các "chị nuôi” vẫn đang tất bật chuẩn bị những suất ăn cuối cùng cho những công nhân ca muộn.

Chị Phương - Trưởng bộ phận cấp dưỡng, phụ trách hậu cần của nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả tại gói XL12 tay thoăn thoắt xào nấu rồi nhanh chóng cho đồ ăn lên khay. Nở nụ cười tươi rói, chị Phương cho biết chị quê ở Bình Định, thời gian “đầu quân” cho nhà thầu đến nay là 5 năm, 2 năm trong đó gắn bó với đại công trường cao tốc Bắc - Nam.

“Hàng ngày chúng tôi sẽ thức giấc sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho anh em còn kịp giờ ra công trường. Sau đó, chúng tôi lại phân công nhau người dọn dẹp, người đi chợ mua nguyên liệu nấu ăn cho cả ngày rồi nhanh chóng nấu nướng để kịp giờ nghỉ của công nhân. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy”, chị Phương cho biết.

Các “chị nuôi” cũng chia sẻ thực đơn mỗi bữa ăn tại công trường được thay đổi liên tục. Ngày ăn thịt, ngày có món cá để bữa cơm mình làm ra không nhàm chán. Trung bình mỗi ngày, các chị chuẩn bị khoảng 300 suất cơm bữa chính, ngoài ra còn có các bữa ăn giữa ca.

“Với 4 chị em, khối lượng công việc có hơi vất vả vì việc phục vụ cơm nước theo từng ca, cả ngày thường chỉ tranh thủ nghỉ được một tiếng buổi trưa. Thế nhưng, mỗi lúc nhìn thấy mọi người đi về mệt, ăn miếng cơm ngon mình cũng thấy vui lòng”, chị Hà - một “chị nuôi” trong tổ cấp dưỡng nói.

Rời công địa thi công hầm Thung Thi, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến khu vực gói thầu XL10 dự án Mai Sơn - QL45. Ở đầu gói thầu, đoạn nối với dự án Cao Bồ - Mai Sơn vừa mới xử lý xong đất yếu và đang đẩy mạnh thi công nền, đắp đỉnh K95.

Kỹ sư Lương Hùng Mạnh phụ trách tư vấn kỹ thuật thi công của nhà thầu thừa nhận, 10 năm qua kể từ khi bước vào nghề, chưa có dự án nào có tiến độ “căng” như cao tốc Bắc - Nam.

“Đã mấy tháng nay, anh em công nhân đã bắt đầu “giới nghiêm”, ăn ở sinh hoạt tập trung để thực hiện làm 3 ca, 4 kíp liên tục. Kỹ sư như chúng tôi thường được phân công giám sát một đoạn tuyến dài 2 - 3km. Từ sáng sớm đến tối mịt không dám bỏ công trường vì sợ sai sót. Nhà tôi cách đây có 30km mà cũng có về được đâu, thậm chí nói thông cảm mẹ tôi gãy tay lâu nay mà cũng chưa thể bố trí để về thăm được. Cả năm nay, tính ra tôi mới về được đúng 2 ngày”, anh Mạnh thổ lộ.

Giải thích thêm, anh Mạnh cũng cho biết anh em công nhân sau ca làm việc hầu như đều thấm mệt do đó cố gắng nhanh chóng ăn uống và nghỉ ngơi để lấy lại sức chuẩn bị cho ca sau. “Tôi đặt lưng xuống là ngủ, tranh thủ ăn ngủ mà còn làm nên lắm lúc dù có bố trí được thời gian thì cũng khó mà về. Công việc lại đang liên tục thế này”, anh Mạnh nói.

Gắn bó với nắng với mưa, với sương với gió, kỹ sư Mạnh lại vừa cười vừa chọc đùa: “Cơ thể chúng tôi còn chính xác hơn cả nhiệt kế, bởi hôm nay nóng bao nhiêu độ, nóng thế nào và so với hôm qua thì sao, chúng tôi đều biết ngay. Thế rồi mỗi ngày, phải hứng cả bầu không khí đầy bụi đá, phải hít toàn mùi dầu, mùi nhựa đường khét lẹt, phải chịu một mớ âm thanh hỗn tạp đùng đoàng bên tai, sức khỏe chẳng bao lâu cũng bị ảnh hưởng”.

Cũng hơn 2 tháng chưa về nhà, kỹ sư trẻ Mai Thế Tùng – Ca trưởng một mũi thi công cho biết đây là dự án giao thông đầu tiên anh tham gia kể từ khi ra trường đến nay. Tùng nói nhiều về nỗi vất vả của đời “phu đường” – cái vất vả dễ khiến người đối diện cảm thấy chàng kỹ sư trẻ “già” hơn năm sinh 1997 của mình.

“Đi làm tôi hiểu hết cái vất vả của nghề. Cái thiệt thòi lớn nhất là ít được về thăm nhà và những thiếu thốn về tình cảm gia đình. Mỗi con đường lại dẫn đến một nơi, mỗi công trình lại ở một địa điểm khác nhau. Với tính chất luân chuyển công việc liên tục và thời gian làm việc với áp lực cao, thời gian để được đoàn tụ với gia đình quả là một chuyện hết sức khó khăn”, Tùng chia sẻ đồng thời cho biết nhiều anh em kỹ sư, công nhân có chung hoàn cảnh nên rất cảm thông, động viên nhau, phải quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ dự án.

Hỏi về chuyện riêng, Tùng ngập ngừng bảo chưa có người yêu. “Anh em cũng thường trêu nhau: Đi làm giao thông thế này thì làm sao mà lấy được vợ. Bố mẹ tôi cũng nóng ruột và giục có bạn gái suốt. Hết dỗ dành, mẹ tôi lại chuyển sang đe dọa, rằng, “nếu con cứ đi như thế thì chẳng ma nào nó thèm yêu con đâu, đừng nói là lấy. Ở vậy đến hết đời lúc đấy đừng có trách thân trách phận”. Tôi chỉ biết vâng vâng dạ dạ cho vừa lòng mẹ, còn bảo tôi bỏ việc để lấy vợ, thì chắc tôi không làm được. Chọn nghề thì phải theo nghề thôi chứ, giục thì giục chứ biết làm sao”, Tùng thổ lộ.

Tùng lại kể nhiều lúc nhìn người ta có đôi có cặp, đưa nhau đi chơi, bản thân mình đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng rồi, anh kỹ sư trẻ lại đùa vui: “Mà chưa có cũng là cái may, bởi nếu có rồi chắc sẽ nhớ người ta lắm và chắc chắn sẽ khiến người ta tủi thân nhiều. Như mấy anh em có gia đình, vợ con rồi nhiều khi gọi điện về mà thương lắm”.

Ngoài thiếu thốn về tình cảm, Tùng bảo: “Nghề giao thông làm vất vả nhưng rất hiếm khi được xã hội ghi nhận. Nhiều khi nghĩ mai này con đường hoàn thành, tôi cũng tự hỏi: Liệu rằng có ai nhớ đến những người làm đường chúng tôi?”

Nói vậy, không có nghĩa là công việc của người “phu đường” chỉ toàn sự hà khắc, vất vả. Trên khắp các công địa đã di chuyển qua trong suốt hành trình, ngoài bụi và tiếng ồn, ở đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những niềm vui, những nụ cười dù có phần vội vã của nhịp lao động hay lấm lem bụi đường.

Gần 2 năm gắn bó với công trường cao tốc Bắc – Nam, công nhân Lê Thế Đông cho biết về cơ bản người lao động đều yên tâm làm việc vì được nhà thầu quan tâm chia sẻ, động viên, tích cực chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để người lao động được ở tốt hơn, ăn ngon hơn và có tình đoàn kết thân ái trong đơn vị.

“Đi làm tuy vất vả nhưng mà vui. Anh em sinh hoạt có nề nếp mà lại là người tứ phương về đây nên sống rất tình cảm. Mà không tình cảm cũng không được vì việc sống đoàn kết, chia sẻ với nhau đã trở thành nội quy mà mọi người phải thực hiện” ông Đông cho biết đồng thời khẳng định nếu còn có cơ hội đi nữa, ông sẽ tiếp tục gắn bó với nghề giao thông.

Còn đối với Kỹ sư trẻ Mai Thế Tùng niềm vui chính là vượt qua tiêu chuẩn tuyển chọn của doanh nghiệp. Bởi xuất hiện ở cao tốc Bắc - Nam này là những người được cân nhắc rất kỹ càng về chuyên môn và nghiệp vụ. “Được lựa chọn đến đây mình cũng thấy phấn khởi bởi năng lực được lãnh đạo công ty ghi nhận và mình cũng được làm đúng nghề”, anh chia sẻ.

“Nghề nào cũng có cái thiệt thòi riêng nhưng cũng có cái hay riêng của nó. Đi làm mình được tiếp xúc với cái mới, mỗi dự án lại có cách thức triển khai riêng do đó người làm có cơ hội tích lũy kiến thức và trải nghiệm cho bản thân.

Cái vui nữa là nhìn dự án hình thành từng ngày. Khi mình đến đó chỉ là núi, là rừng, là cánh đồng thế mà đến lúc mình rời đi đã thành con đường, thành cái hầm. Chúng tôi vui vì mình có phần đóng góp cùng biết bao nhiêu là anh em khác tạo nên hạ tầng giao thông cho đất nước”, kỹ sư trẻ Mai Thế Tùng bộc bạch.

Chia sẻ về việc đảm bảo đời sống cho người lao động trên các công trường, ông Hoàng Đình Thịnh - Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL12 cho biết trong giai đoạn nước rút để chạy đua dự án về đích, tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường đều rất đồng lòng, quyết tâm cao để đẩy tiến độ dự án nhanh nhất có thể đồng thời đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình.

“Trong dịp cao điểm, chúng tôi tăng cường chất lượng và đơn giá các bữa ăn của anh em kỹ sư, công nhân để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Đồng thời tích cực động viên, người lao động, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công việc cũng như trong tinh thần để kịp thời có hướng giải quyết. Nhờ được quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần, tất cả cán bộ, công nhân lao động trên các công trường ai cũng yên tâm gắn bó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Thịnh khẳng định.

Quả thật, những mét đường, tấc hầm trên dọc tuyến cao tốc Bắc – Nam cũng như nhiều dự án giao thông khác đang được thi công mùa xuân này đã chất chứa thật nhiều nỗi niềm riêng của hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, công nhân lao động. Sự cống hiến thầm lặng của họ đã và đang đưa sản lượng thi công dự án cao tốc Bắc - Nam không ngừng tăng lên. Trong đó, 4 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đang được tăng tốc ngày, đêm để sớm về đích.