Bị kỳ thị, chưa được đối xử bình đẳng, gánh chịu đầy rủi ro và rào cản trên con đường phát triển… là những đánh giá đáng chú ý của giới chuyên gia kinh tế về khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, được nêu tại Tọa đàm Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và Giải pháp diễn ra hôm 5/10/2018.
Vinfast, thương hiệu xe của Vingoup - một tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam - tham dự Pari Motor Show 2018.
Bị phân biệt đối xử
Mặc dù được đánh giá là khu vực kinh tế năng động, kinh tế tư nhân chưa được đối xử bình đẳng. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thừa nhận có một thực tế là hiện nay, dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân.
Dù cho đến thời điểm này, đã 14 năm Việt Nam chính thức có Ngày Doanh nhân. Nhưng theo ông Kiên, ngay từ trong nhận thức, một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu và vẫn có sự phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân.
Chia sẻ quan điểm trên với vị trí người trong cuộc, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cũng tỏ ra bất bình ở điều này.
Chủ trương thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển là rất rõ ràng. Năm ngoái, Chính phủ cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 về phát triển kinh tế tư nhân.
Nhưng điểm lại, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang phải vật lộn với thách thức từ thương trường, phải cạnh tranh trong thế giới ngày cảng biến đổi mạnh với nhiều tác động không thuận; và bên cạnh đó vẫn phải đối diện với sự kỳ thị người giàu.
Ông Thế cho biết nhà đầu tư tư nhân chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan nhà nước. Ngày trong văn bản pháp lý cũng có sự xung đột lợi ích nhất định giữa các loại hình doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích thêm, những rủi ro, và sự bất an, bất ổn khiến nhiều doanh nghiệp không lớn được. Nhưng ngược lại, có những doanh nghiệp không muốn lớn, vì lớn hơn thì rủi ro lại nhiều hơn.
“Kinh tế tư nhân Việt Nam nhờ sức sống mạnh nên vẫn phát triển được, nhưng rất vất vả”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên bổ sung.
Cùng quan điểm, nhưng ông Cung cho rằng vẫn tồn tại bất công ngay từ số liệu thống kê.
Theo cơ quan thống kê nhà nước, kinh tế tư nhân chỉ đóng góp vào GDP có 9%, trong khi mọi chỉ số từ doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo việc làm… của khu vực này cao hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước.
“Tôi hoàn toàn nghi ngờ con số này”, ông Cung nói. “Cần phải đánh giá lại ngay từ số liệu thống kê để thấy số đúng, như thế mới thay đổi những nhận định chính trị về kinh tế tư nhân. Những nhận định chính trị về khu vực này hiện nay chính là các rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng”.
Xác định “là chúng ta” thì sẽ ra giải pháp
Cũng cần ghi nhận những năm gần đây, Đảng, Nhà nước nhận thấy vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân nên không thể không quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để khu vực này phát triển.
Dưới tác động của các chính sách, cải cách, kinh tế tư nhân Việt Nam đang dần có sự thay đổi cơ bản. Nếu như trước đây, kinh tế tư nhân sống theo kiểu gặp chăng hay chớ, đến đâu hay đến đó, chỉ biết đầu cơ, kiếm chác ngắn hạn, không có tầm nhìn chiến lược thì bây giờ, khu vực kinh tế tư nhân có vẻ đang tìm ra một cách khác để phát triển.
Đó không phải là mạnh ai nấy làm nữa, không “li ti” về quy mô nữa, mà đã bắt đầu khẳng định vai trò của các tập đoàn lớn. “Kinh tế Nhà nước ngày càng kém hiệu quả, lãng phí, làm tăng nợ quốc gia khiến vai trò kinh tế tư nhân hiện lên rực rỡ hơn...”, ông Thiên nói.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM phân tích thêm, cho dù với rất nhiều rào cản nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển. Điều này cho thấy tiềm năng của dân tộc còn rất lớn. “Vấn đề là có làm đúng trọng điểm hay không!” ông Thành lưu ý điều này với các cơ quan hoạch định chính sách phát triển khu vực tư nhân.
“Dù bây giờ, thực lực của kinh tế tư nhân đã lớn hơn nhưng nếu trong 30 năm qua chúng ta quan tâm hơn nữa về chính sách, có môi trường kinh doanh cởi mở, không phân biệt đối xử thì kinh tế tư nhân đã tốt hơn”, ông Thiên cảnh báo thêm.
Các chủ trương và giải pháp được giới chuyên gia kinh tế khuyến nghị để phát triển khu vực kinh tế tư nhân tựu chung lại là phải tiếp tục nỗ lực cải cách hơn nữa, trên đà cải cách mà Chính phủ đã thúc đẩy, đã đạt được gần đây.
Đồng thời, phải đổi mới tư duy, phải cải cách thể chế để kinh tế tư nhân lớn được, từ đó đất nước mới thịnh vượng. “Phải hiểu rằng kinh tế tư nhân chính là chúng ta, khi xác định là chúng ta thì sẽ ra giải pháp đúng”, ông Thành chia sẻ.
Còn ông Thiên thì định lượng, việc tháo gỡ thể chế và dịch chuyển cần nỗ lực gấp nhiều lần hiện nay. “Nếu buông tay, không biết bao giờ nền kinh tế mới quay trở lại (có tốc độ tăng trưởng cao - PV) được”, ông Thiên khẳng định.
Theo PV
http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-tu-nhan-bat-cong-ngay-tu-so-lieu-thong-ke-80696.html