43km cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị là nút thắt cuối cùng trong xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Hữu Nghị. Hoàn thiện “nút thắt” này không chỉ có ý nghĩa hoàn thiện huyết mạch vệ tinh hướng tâm của Thủ đô, thông thương phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc, mà còn là cơ hội để mở rộng giao thương hơn nữa với một trong những đối tác thương mại lớn của chúng ta là Trung Quốc.
Huyết mạch quan trọng
Tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Hữu Nghị có vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, mở rộng giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không những vậy, nó là 1 trong 6 huyết mạch giao thông quan trọng của hệ thống đường cao tốc hướng tâm kết nối Thủ đô Hà Nội.
Trong khi 5 tuyến cao tốc nối Hà Nội với Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Lạc, Lào Cai, Thái Nguyên đã đi vào khai thác từ nhiều năm nay thì tuyến đường Hà Nội - cửa khẩu Hữu Nghị đang trong quá trình tháo gỡ nút thắt cuối cùng: 43km đi qua Hữu Nghị - Chi Lăng.
Tuyến cao tốc quan trọng này được chia làm 3 đoạn: 1- Đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 45km, đã đi vào khai thác. 2- Đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 64km bắt đầu khởi công từ tháng 3-2016 và dự kiến cuối năm 2019 hoàn thành. 3- Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43km thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, có tốc độ 80km/h. Nhà đầu tư cho biết nếu địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyến được sẽ được hoàn thành trong năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Phải nói rằng, 43km cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là nút thắt cuối cùng không chỉ có ý nghĩa hoàn thiện huyết mạch thông thương của Thủ đô, mà nó còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc đất nước.
Từ cuối năm 2005, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng tuyến đường cao tốc từ thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, xuống cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới Trung Quốc - Việt Nam và nối liền với Quốc lộ 1 của Việt Nam. Tuyến đường cao tốc của Trung Quốc nói trên có bốn làn xe, dài 179,2 km, được khởi công xây dựng từ năm 2002, với vốn đầu tư là 3,71 tỷ NDT (458 triệu USD).
Nhiều khó khăn đã được giải quyết
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có các văn bản đề xuất và được Chính phủ chấp thuận chuyển tuyến cao tốc này sang đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và gộp chung vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Ngày 18-11-2017, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã có bước phát triển hạ tầng tốt, vượt bậc, trong đó đã huy động được nguồn xã hội hóa cho các dự án BOT là 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án BOT giao thông thời gian qua còn nhiều bất cập, quy hoạch còn chưa làm tốt, còn chồng chéo, có nhiều tuyến đường gây bất bình dư luận, một số tuyến gây bức xúc... Về việc dự án cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang, Thủ tướng cho biết, Chính phủ thống nhất sẽ làm tuyến này bằng hình thức BOT trên tinh thần phải khắc phục những tồn tại hiện nay. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chọn nhà đầu tư theo phương thức tối ưu nhất, có năng lực nhất để sớm triển khai tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang, phấn đấu đến năm 2019 - 2020 tuyến đường này sẽ được đưa vào phục vụ nhân dân(1). |
Ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cho biết, trong quá trình thực hiện, dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc làm phá vỡ phương án tài chính. Các nguyên nhân chính, theo ông Tự, gồm: một là, việc đặt 02 trạm thu phí trên quốc lộ 1 trong phạm vi dự án dài 110km có nguy cơ xung đột với người dân khi triển khai thu phí; hai là, việc chậm triển khai sẽ dẫn đến việc không hoàn thành đoạn nối kết còn lại là Hữu Nghị - Chi Lăng theo kế hoạch vào năm 2019, làm ảnh hưởng lưu lượng xe tính toán do việc khai thác không đồng bộ tuyến cao tốc hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc).
Đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đi qua địa phận các huyện: Cao Lộc, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn. Do hướng tuyến kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, với hơn 1.500 hộ bị ảnh hưởng và hàng trăm hộ gia đình phải di chuyển nhà. Công tác triển khai các bước về trình tự thu hồi đất để thực hiện dự án được các huyện thực hiện từ tháng 4-2018. Thời gian triển khai ngắn với khối lượng công việc rất lớn, các huyện, thành phố thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án, đáp ứng yêu cầu tiến độ cũng là khó khăn lớn.
Để bảo đảm việc thực thi tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đúng tiến độ trong năm 2020, công trình hoàn thành đưa vào khai thác theo kế hoạch đề ra, nhà đầu tư đã tạm ứng chi phí giải phóng mặt bằng cho địa phương, phối hợp với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tiếp nhận mặt bằng, lập phương án tài chính vay vốn tín dụng với ngân hàng. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các huyện phấn đấu thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến trong tháng 9-2018. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và cơ quan liên quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng tích cực vào cuộc.
Bên cạnh sự vào cuộc của các huyện, thành phố, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cũng bố trí cán bộ tham gia cùng các huyện thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ, trước mắt, nhà đầu tư đã bố trí kinh phí 500 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho bà con bị thu hồi đất.
Để về đích đúng hẹn
Để triển khai dự án về đích theo đúng kế hoạch đề ra, cần tránh xung đột, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Tập trung tối đa nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước đẩy nhanh tiến độ thi công để tiết giảm tổng mức đầu tư.
Song song đó, để bảo đảm tính minh bạch và chuyên nghiệp, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cần chủ động làm việc với các cơ quan liên quan về quản lý chất lượng, thẩm định thiết kế, dự toán, giám sát diễn tiến xây dựng để bảo đảm chất lượng công trình, báo cáo thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh và xử lý vướng mắc.
Bên cạnh đó, để thu xếp nguồn vốn cho dự án này, rất cần sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại./.
Theo Khánh Nguyên
http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/52583/phan-dau-den-nam-2020-hoan-thanh-tuyen-cao-toc-chi-lang.aspx