(NLĐO) – Tập đoàn Đèo Cả đang tập trung nguồn lực để hoàn thành tốt các dự án đang triển khai, trong đó có tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và chỉ tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam khi bảo đảm được nguồn lực.
Ngày 25-10, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách đầu tư - Tập đoàn Đèo Cả, cho biết hiện tại, Đèo Cả không nhất thiết phải tham gia đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Tập đoàn Đèo Cả đưa ra quan điểm trên theo hai nhóm lý do.
Chỉ tham gia khi kiểm soát được rủi ro
Thứ nhất, cơ chế liên quan đến việc thực hiện các dự án BOT giao thông còn khó khăn, rủi ro cho nhà đầu tư. Điển hình là lãi vay trong hồ sơ mời thầu rất thấp (7,6 %/1 năm) so với lãi suất các ngân hàng thương mại hiện nay (khoảng 11,5%/năm). Điều này sẽ dẫn tới việc tín dụng không thể thu xếp được. Ngoài ra, các cam kết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (bên A) thường gây bất lợi cho nhà đầu tư (bên B). Vướng mắc này hiện chưa tháo gỡ được.
Thứ hai, Tập đoàn Đèo Cả phải tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các dự án giao thông đang thực hiện như Trung Lương – Mỹ Thuận, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và hầm đường bộ Hải Vân 2.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả xác định khi xét thấy khả năng vốn tự có của mình đảm bảo, sự chia sẻ của người dân về việc thu phí, ngân hàng thống nhất đồng hành, đặc biệt là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đảm bảo tuân thủ các cam kết trong hợp đồng đã ký, Đèo Cả sẽ tham gia dự thầu.
Ông Trần Văn Thế cho biết: "Chúng tôi đã tham vấn các chuyên gia, các cố vấn cùng thống nhất quan điểm Đèo Cả không tập trung vào dự thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Chúng tôi ý thức được việc tham gia xây dựng các dự án này là trách nhiệm, vinh dự của doanh nghiệp "nội" trước những công trình quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, Đèo Cả sẽ ưu tiên tập trung hoàn thành tốt các dự án mà tập đoàn đang thực hiện, thay vì đầu tư dàn trải. Chúng tôi chỉ tính đến phương án tham gia xây dựng cao tốc Bắc – Nam khi đánh giá được đầy đủ mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát được các rủi ro về cơ chế tham gia, tiếp cận tín dụng, các xung đột lợi ích…".
Tập trung làm thật tốt các dự án hiện tại
Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai thành công nhiều dự án giao thông đường bộ lớn dọc chiều dài đất nước được xã hội ghi nhận như: Dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa; Dự án hầm đường bộ Đèo Cả qua tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên; Dự án hầm đường bộ Cù Mông qua tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Định.
Tập đoàn Đèo Cả cũng vừa mới thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn nối hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn hồi cuối tháng 9 vừa qua. Dự án này đang trong quá trình thử tải, thi công các hạng mục cuối cùng cũng như hoàn thiện thủ tục cần thiết để đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện nay, nhà đầu tư này đang tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương để thực hiện các dự án: Mở rộng hầm Hải Vân kết nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng (dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại tỉnh Tiền Giang (dự kiến hoàn thành vào quý II/2021), cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tại tỉnh Lạng Sơn, đề xuất đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối kết hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
"Cách đây chưa lâu, ngay tại công trường dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, hứa với hơn 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành dự án trong năm 2021. Thời gian còn lại không nhiều, vướng mắc về vốn tín dụng chưa được khai thông, với vai trò quản trị công ty, điều hành dự án, chúng tôi phải hết sức nỗ lực cùng các bên tháo gỡ các vướng mắc để đưa dự án về đích đúng hẹn..." - ông Trần Văn Thế nói.
Tại Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai các bước hoàn thiện để đưa ống hầm thứ 2 vào vận hành trong năm 2020 theo kế hoạch, hiện thực hóa giấc mơ người Việt chinh phục các con đèo hiểm trở vùng Nam Trung Bộ, thông tuyến Bắc Nam không phải đi đèo.
"Chúng tôi ý thức được phải nỗ lực, đeo đuổi thì mới hy vọng nối kết cung đường phía Bắc Tổ quốc như Hữu Nghị - Chi Lăng đang đi vào đường cụt, hay đáp ứng nguyện vọng của người dân Cao Bằng với 95% dân số là đồng bào dân tộc và kỳ vọng của cả nước về con đường cao tốc nối Đồng Đăng – Trà Lĩnh" – ông Trần Văn Thế bày tỏ.
Theo ông Thế, một dự án đạt 99% khối lượng công việc vẫn là dự án chưa hoàn thành. Bất kỳ một nhà thầu nào, mắt xích nào có thái độ tự mãn, buông lỏng thi công ngay lập tức sẽ bị xử lý. Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện không phải một dự án mà là một chuỗi dự án. Vì vậy, tập đoàn sẽ phải tập trung nỗ lực kiểm soát tốt cho đến khi hoàn thành các dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, đảm bảo uy tín, đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của Chính phủ và người dân, giống như những công trình mà tập đoàn này đã thực hiện trước đó.
Tháng 11-2020: Hoàn thành hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam
Ban Quản lý dự án (QLDA) thuộc Bộ GTVT vừa đồng loạt phát đi hồ sơ mời sơ tuyển đến rộng rãi các nhà đầu tư trong nước tham gia đấu thầu 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, sau khi hủy hình thức đấu thầu quốc tế.
Thông tin từ Bộ GTVT cho hay ngay khi mở bán hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc - Nam, những nhà đầu tư trong nước nhanh chóng nhập cuộc, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông được điểm danh.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT, sau khi các ban quản lý dự án phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự tuyển là 30 ngày, dự kiến mở thầu vào tháng 11-2019.
Trong khi đó, Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015 quy định thời gian đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển khoảng 30 ngày; thời gian thẩm định, phê duyệt khoảng 40 ngày. Dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 2-2020. Sau khi kết thúc sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.
Tháng 4-2020, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến đóng thầu vào tháng 6-2020. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày và thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày. Nếu thuận lợi, dự án có thể hoàn thành công tác đấu thầu vào tháng 11-2020.