Sáng 17/3, Tập đoàn Đèo Cả tham dự Hội thảo khoa học quốc gia Công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, chủ trì và chỉ đạo tổng thể. Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Tham dự Hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cùng đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.
Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; đánh giá những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời thảo luận, định hướng những nhiệm vụ nghiên cứu lý luận then chốt, phục vụ xây dựng đất nước trong giai đoạn phát triển mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Cẩm Tú nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác lý luận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đảng đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao chất lượng công tác này, trong đó Nghị quyết 37-NQ/TW là một dấu mốc quan trọng, góp phần khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, công tác lý luận vẫn còn những hạn chế như chưa theo kịp thực tiễn, tính dự báo và sáng tạo chưa cao, nhiều vấn đề lý luận chưa được giải quyết thấu đáo. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia tập trung thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, từ đó góp phần xây dựng các luận cứ khoa học, phục vụ công tác hoạch định chủ trương của Đảng, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã bình luận và thảo luận và phân tích sâu về ba nội dung chính: Những vấn đề chung về công tác lý luận của Đảng; Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác lý luận hiện nay; Quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển công tác lý luận của Đảng trong giai đoạn mới.
Các đại biểu chia sẻ trong phiên thảo luận hội thảo
Là doanh nghiệp đại diện khối kinh tế tư nhân tham gia nêu ý kiến và thảo luận trong Hội thảo, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định dù lý luận của Đảng có vẻ “xa xôi” với công việc hàng ngày, nhưng những chỉ dẫn về đổi mới, xác định điểm nghẽn và tạo đột phá chiến lược lại chính là “ngọn đuốc” soi đường cho chiến lược phát triển của doanh nghiệp này.
Đặc biệt, khi bàn về việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và hạ tầng, người đứng đầu Đèo Cả chỉ ra rằng các quy định pháp luật hiện hành còn nhiều chồng chéo và rối rắm, dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài. Những bất cập này khiến cho các dự án, dù đã hoàn thành vận hành nhiều năm, vẫn gặp khó khăn trong việc khắc phục các vướng mắc tồn tại.
“Có những trường hợp, tình trạng trì trệ diễn ra nhiều năm; trớ trêu thay, chính những người từng được giao nhiệm vụ tháo gỡ điểm nghẽn lại trở thành lãnh đạo kế thừa di sản đình trệ đó,” ông chỉ ra.
Chủ tịch Đèo Cả nhấn mạnh rằng công tác lý luận của Đảng cần bắt nguồn từ thực tiễn, mở lối khơi thông cho sự sáng tạo và đột phá của doanh nghiệp, giúp tránh rơi vào “vùng tối” của chính sách và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ông Hồ Minh Hoàng cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong trách nhiệm xã hội. Tập đoàn Đèo Cả đã nhận nhiệm vụ từ Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc triển khai các công trình trường học, bệnh viện tại các địa phương khó khăn như Cao Bằng và Hà Giang. Những chỉ dẫn cụ thể của Tổng Bí thư về chính sách an sinh xã hội đã trở thành lời nhắc nhở mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc đảm bảo trách nhiệm với người lao động và cộng đồng.
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thảo luận trong hội thảo
Đồng quan điểm công tác lý luận của Đảng đã góp phần khơi mở nguồn lực cho đất nước, Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, nói về một lĩnh vực trọng yếu khác là khoa học - công nghệ.
Hơn 80 tham luận có giá trị khoa học cao được gửi về Hội thảo đã phản ánh rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm đổi mới căn bản phương pháp nghiên cứu, nâng cao năng lực lý luận của Đảng trong tình hình mới.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, khẳng định các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo đã thể hiện tinh thần khoa học sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm, đồng thời góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để nâng cao nhận thức và thống nhất tư duy về công tác lý luận của Đảng trong tình hình mới.
Kết luận về giải pháp thúc đẩy nguồn lực kinh tế tư nhân, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Bộ Chính trị khóa XIII này có một nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết về đại đoàn kết cũng đề cập xây dựng đội ngũ doanh nhân, sắp tới sẽ có nghị quyết nữa để làm sao khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy các lực lượng sản xuất, đặc biệt là các thành phần kinh tế, khơi thông các nguồn lực. Đây là các hoạt động rất lớn.”
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Sau đây là toàn văn chia sẻ của ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả tại Hội thảo: Tập đoàn Đèo Cả là một doanh nghiệp đầu tư, thi công và quản lý vận hành hạ tầng giao thông. Thoạt nhìn, công tác lý luận của Đảng có gì đó xa xôi với công việc của chúng tôi. Thực tế, lý luận về đường lối đổi mới, về xác định điểm nghẽn và tạo đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng, chính là ngọn đuốc soi đường cho chiến lược hoạt động mà Đèo Cả đang kiên định thực hiện. Nhờ định hướng từ các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cùng với sự đồng hành của tổ chức đảng trong các chuyển động của doanh nghiệp, làm cơ sở để Tập đoàn Đèo Cả đã định hướng hoạt động đúng đắn, hiện đang trở thành nhân tố đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các mô hình quản trị doanh nghiệp mang văn hoá đặc trưng, sáng tạo mô hình tài chính PPP++ để giải các bài toán khó về đầu tư hạ tầng giao thông, tiên phong đổi mới công nghệ và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với thời đại công nghệ số. Có một thực tế là dù Tập đoàn Đèo Cả, với 2 Đảng bộ và 10 chi bộ, nhưng cá nhân tôi vẫn chưa gia nhập hàng ngũ của Đảng. Điều này xuất phát từ mong muốn duy trì một tư duy độc lập, để có thể mạnh dạn kiến nghị với Đảng, với Nhà nước những góc nhìn mới, những giải pháp mang tinh thần “Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”. Nếu là đảng viên, có thể sẽ có những giới hạn khi đề xuất những kiến nghị hay ý tưởng táo bạo. Mặt khác, từ các bất cập chính sách hiện nay nên các cam kết của khối nhà nước đối với doanh nghiệp chúng tôi khi triển khai các dự án, nhất là dự án PPP, vẫn còn tình trạng chưa được tuân thủ. Bởi vậy, Đèo Cả là nhà đầu tư các dự án, huy động vốn đầu tư từ những nhà đầu tư khác để thực hiện các Dự án đã gặp khó khăn như hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 2, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận …. Dự án thì đã làm xong vận hành nhiều năm nhưng bất cập vẫn chưa giải quyết, tôi là người đứng đầu doanh nghiệp cũng vì thế chưa thực hiện được cam kết với các nhà đầu tư khác. Nói như vậy để thấy nếu hiện tại tôi đứng trong hàng ngũ của Đảng là làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng rồi. Cho dù chưa là Đảng viên nhưng tôi luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, được chứng thực qua những công việc cụ thể khi Tập đoàn Đèo Cả kiên định đầu tư các dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thu phí kéo dài (Tổng mức đầu tư các dự án PPP của Tập đoàn Đèo Cả đến nay gần 200.000 tỷ đồng, với thời gian hoàn vốn trung bình từ 15 - 35 năm). Có những dự án có thể đến thế hệ con cháu chúng tôi mới thu hồi được hết vốn. Có thể nói chúng tôi lăn xả làm việc khó trước, với lý tưởng và niềm tin vững vàng rằng sau đó sẽ được Đảng, Nhà nước nhìn nhận những sản phẩm, những đóng góp của chúng tôi và thấu hiểu để điều chỉnh chính sách, đồng hành giải quyết những vướng mắc và ủng hộ doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhiều lần đề cập đến những điểm nghẽn cần tháo gỡ để tránh lãng phí nguồn lực quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ ra hai điểm nghẽn chính là thể chế và hạ tầng giao thông. Khi bàn về việc này, doanh nghiệp sợ nhất các loại quy định hiện hành đang “hành chính” chúng tôi, lo nhất các lý luận thiếu thực tiễn sẽ dẫn lối đi lòng vòng dẫn đến sai phạm. Qua tham dự nhiều cuộc họp bàn về cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn, tôi chứng kiến các lãnh đạo cấp trên đã chỉ đạo lãnh đạo cấp dưới, lãnh đạo dưới chỉ vào các quy định hiện hành làm căn cứ để giải quyết. Nhưng bản thân các quy định pháp luật hiện hành vốn đã chồng chéo, rối rắm thì giải quyết kiểu gì đây? Kết quả khiến việc đã tắc càng thêm tắc… Có những trường hợp, tình trạng trì trệ diễn ra nhiều năm. Trớ trêu thay, chính những người từng được giao gỡ nghẽn còn chưa hoàn thành nhiệm vụ nay trở thành lãnh đạo kế thừa chính “di sản” đình trệ mà họ góp phần gây ra, thành thử đình trệ vẫn dai dẳng không chuyển biến đáng kể. Thiết nghĩ, công tác lý luận của Đảng cần phải được đi từ thực tiễn để mở lối khơi thông nhằm tạo ra niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho những sáng tạo, đột phá từ các doanh nghiệp mang tinh thần tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước. Nói về sự quan tâm sâu sát của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi vinh dự tham gia vào các chương trình an sinh do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì tại Cao Bằng và Hà Giang. Tôi thấy rõ người đứng đầu Đảng không chỉ quan tâm, mà còn đưa ra những chỉ đạo rất sâu sắc, cụ thể. Khi ông nói về xây trường học, ông không chỉ bàn về lớp học mà còn chú trọng đến sân chơi, cây xanh, nơi lưu trú cho giáo viên đảm bảo cho việc học tốt của các cháu nhưng phải dạy tốt của giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Khi nói về đầu tư bệnh viện, ông nhấn mạnh rằng có cơ sở vật chất tốt thôi chưa đủ, mà còn cần đội ngũ y tế có kỹ năng quản lý, vận hành tốt hệ thống thiết bị để đảm bảo chăm sóc, phục vụ nhân dân tốt hơn. Những lời đó khiến tôi suy ngẫm và tự soi chiếu lại vai trò của mình, là một chủ doanh nghiệp tư nhân cần phải có trách nhiệm tương tự với người lao động làm việc cho mình, với tổ chức đảng đang hiện diện tại Tập đoàn Đèo cả chúng tôi. Trong vận hội mới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, tôi kỳ vọng rằng công tác lý luận của Đảng tiếp tục giữ vững vai trò định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân nỗ lực vươn lên, từng bước trở thành doanh nghiệp dân tộc. Tuy nhiên, trước khi đạt đến tầm vóc đó, doanh nghiệp phải trải qua giai đoạn quá độ là tồn tại và tự thân phát triển. Vì vậy, chúng tôi mong mỏi công tác lý luận của Đảng không chỉ định hướng mà còn đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, để doanh nghiệp tránh rơi vào những vùng tối của chính sách, lạc lối luẩn quẩn giữa “rừng” luật, sau cùng lại là đất nước phải chịu sự lãng phí khi không tận dụng hiệu quả được nguồn lực xã hội để phát triển./. |
Tin bài: Huy Vũ - Ảnh: Cao Hiếu