Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trên đường về đích

15/08/2019

Càng gần đến ngày về đích, nhịp độ lao động trên công trường đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn càng khẩn trương hơn. Thời gian đang đếm ngược từng ngày trước khi tuyến cao tốc hiện đại được thông xe, dự kiến vào tháng 9-2019.

Không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian từ Hà Nội đến Lạng Sơn, cửa ngõ Đông Bắc của Tổ quốc, tuyến đường này còn mở ra cơ hội để hoàn thiện hạ tầng giao thông cho các tỉnh địa đầu đất nước.

Ứng dụng nhiều công nghệ mới trong thi công

Ải Chi Lăng, Quỷ Môn Quan là những địa danh ở Lạng Sơn đã đi vào lịch sử với biết bao chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách của dân tộc. Nơi đây cũng từng nổi tiếng bởi địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Quốc lộ 1, tuyến đường thiên lý Bắc Nam đóng vai trò là con đường huyết mạch, gách vác khối lượng vận chuyển chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lên Lạng Sơn cũng như khu vực rộng lớn ở biên giới Đông Bắc Tổ quốc. Thế độc đạo của Quốc lộ 1 lên Lạng Sơn sắp được gỡ bỏ khi tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành. Đường cao tốc mới dài hơn 60km, từ điểm đầu kết nối với cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, phương tiện băng qua cầu vượt và đi vào chính tuyến. Với 4 làn xe cơ giới, hai làn dừng khẩn cấp, tuyến đường đi qua núi rừng trùng điệp, khung cảnh hùng vĩ. Không chỉ rút ngắn đáng kể khoảng cách, đường cao tốc còn cho phép phương tiện di chuyển với tốc độ cao, giúp tăng năng lực vận tải, giảm ách tắc giao thông.

Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đang được thi công hoàn thiện, chuẩn bị thông xe.

Một trong những công việc trọng tâm của dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hiện nay là hoàn thành thảm mặt đường. Để đáp ứng tiêu chuẩn của đường cao tốc hiện đại, mặt đường được thảm nhiều lớp, như: Lớp bê tông nhựa, lớp polimer giúp chống hằn lún, trên cùng là lớp tạo nhám để phương tiện bám đường tốt hơn, nhất là khi lưu thông với tốc độ cao. Theo ông Bùi Hải Lý (Công ty tư vấn A2Z), đơn vị tư vấn giám sát của dự án, công tác thảm bê tông nhựa trên tuyến hiện đạt hơn 70%, một số vị trí đã thi công lớp tạo nhám. Nhà thầu hiện bố trí 6 mũi thi công bê tông nhựa và 3 mũi thi công lớp tạo nhám, ngày cao điểm, khối lượng thi công có thể đạt 6.000 tấn. "Để kiểm soát tốt chất lượng, công tác thi công bê tông nhựa trên toàn tuyến do 3 nhà thầu đảm nhiệm, tránh việc chia thành từng đoạn nhỏ, khi khớp nối dễ bị vênh, không liền mạch", ông Bùi Hải Lý chia sẻ. Bên cạnh đó, tại dự án này, chủ đầu tư áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới giúp tiến độ thi công nhanh hơn, chất lượng tốt hơn. Hệ thống máy móc hiện đại, dây chuyển rải bê tông nhựa khổ lớn, lên tới 17m. Mái taluy được gia cố bằng khung bê tông kết hợp các ô địa kỹ thuật và trồng cỏ, vừa giúp ổn định, giữ đất, chống sạt lở vừa tạo cảnh quan môi trường...

Gần đến ngày thông xe nhưng nỗi lo vướng mắc mặt bằng vẫn còn hiện hữu. Hạng mục cầu vượt ở Km93 là một trong những vị trí cuối cùng trên tuyến nhận bàn giao mặt bằng. Phần cầu đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, một phần chính tuyến đang gặp khó khăn khi triển khai thi công do bị người dân cản trở. "Người dân yêu cầu bổ sung cống chui tại vị trí gần cầu vượt, hạng mục này không có trong thiết kế và bất hợp lý", ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho biết. Chính quyền địa phương đã lên kế hoạch bảo vệ thi công, phối hợp cùng nhà thầu để triển khai các hạng mục theo đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ thông xe, hoàn thành dự án.

Nâng cao hiệu quả khai thác của dự án

Theo dự báo, sau khi đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành, một lượng lớn phương tiện sẽ chuyển từ Quốc lộ 1 hiện tại sang lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên, điểm cuối tuyến phía Lạng Sơn vẫn còn cách TP Lạng Sơn 30km, cách Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị 45km. Đi hết đường cao tốc, phương tiện vẫn phải kết nối ra đường quốc lộ để đi đến TP Lạng Sơn hay các tỉnh lân cận. Điều này vô hình trung tạo thành điểm nghẽn, "nút cổ chai" làm giảm hiệu quả khai thác của đường cao tốc. Để giải tỏa ách tắc này, cần thiết phải đầu tư tiếp tuyến cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng nối với cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Dự án Hữu Nghị-Chi Lăng hiện đã hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng chưa thể triển khai thi công do vướng mắc về nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng.

Nhà đầu tư của dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và Hữu Nghị-Chi Lăng là Tập đoàn Đèo Cả hiện đã ứng vốn tự có để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, đã hoàn thành kiểm đếm và giải phóng mặt bằng được 8km. Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, dù chưa có nguồn vốn tín dụng nhưng nhà đầu tư vẫn quyết tâm thực hiện dự án Hữu Nghị-Chi Lăng bởi khi hoàn thành tuyến đường này sẽ phát huy tối đa hiệu quả toàn tuyến cao tốc, tăng lưu lượng, bảo đảm phương án đầu tư. Nhà đầu tư đang tích cực làm việc với các ngân hàng để thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án. Cùng với nỗ lực của nhà đầu tư, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc, tìm kiếm giải pháp hợp lý về nguồn vốn. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn đang xúc tiến thực hiện dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng). Nếu các dự án cao tốc này có thể triển khai theo đúng kế hoạch sẽ giúp hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG/Qdnd
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cao-toc-bac-giang-lang-son-tren-duong-ve-dich-588300