Chủ tịch Đèo Cả kể chuyện tiên phong mở hầm xuyên núi

01/05/2020

Từ tổng mức đầu tư khái toán ban đầu 1 tỷ USD đến khi thực hiện xong dự án hầm Đèo Cả, tổng mức được tiết giảm xuống còn khoảng 600 triệu USD.

Keyword đầu tiên có dấu

Ông Hồ Minh Hoàng

Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư các dự án hầm đường bộ xuyên núi tại Việt Nam. Đến nay, Đèo Cả là nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất cả nước khi nắm trong tay nhiều dự án giao thông trọng điểm: Hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Cổ Mã, hầm Hải Vân 2, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Giao thông trao đổi với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Niềm tin là khó khăn lớn nhất

Sau hơn chục năm dấn thân vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Đèo Cả đã và đang đầu tư nhiều dự án quan trọng. Nếu để lựa chọn, đâu là công trình ông thấy tâm đắc nhất?

Với tôi, dự án nào của Tập đoàn Đèo Cả cũng đều quan trọng và có ý nghĩa lớn lao, nên để lựa chọn dự án nào tâm đắc nhất, e rằng hơi khó. Tuy nhiên, dự án hầm Đèo Cả là nơi tôi và các cộng sự bắt đầu dấn thân. Giờ đây, thương hiệu của Đèo Cả đã có mặt tại các công trình trải dọc khắp đất nước, bao giờ cũng vậy, sự khởi đầu luôn đáng nhớ hơn cả.

Tại dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, chúng tôi đã cùng nhau tạo ra sản phẩm “made in Việt Nam” khi nhanh chóng tiếp nhận công nghệ khoan hầm hiện đại của thế giới. Đó cũng là bước chuyển mình để chúng tôi điều chỉnh mô hình quản trị từ hợp tác xã ngày xưa, nay là Tập đoàn Đèo Cả.

Nhiều lãnh đạo của Tập đoàn Đèo Cả thế hệ 7x, 8x… qua dự án này đã được rèn dũa, trau dồi với sự dìu dắt của đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm, nay đã trưởng thành và có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tập đoàn.

Như ông nói, hầm Đèo Cả là công trình tạo nên danh tiếng của Tập đoàn Đèo Cả. Tuy nhiên, ngay thời điểm ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư dự án này với tổng mức đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD bằng hình thức PPP, sử dụng nhà đầu tư trong nước là một ý tưởng viển vông, thậm chí một số người còn nói là điên rồ. Ông có thể chia sẻ vì sao Đèo Cả lại lựa chọn dự án này để đầu tư?

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có vài thành công nho nhỏ trong công việc tại nơi tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, nhưng nỗi đau khi phải chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc trên Đèo Cả làm cho tôi thêm động lực để hiện thực ý tưởng làm hầm xuyên Đèo Cả.

Thông qua việc nghiên cứu cách triển khai các dự án BOT, PPP trên thế giới đã thành công, khi tổ chức thực hiện đảm bảo giải pháp công nghệ, tài chính. Nhưng quan trọng nhất là phải làm sao chứng minh được điều này cho cơ quan Nhà nước hiểu được, từ hiểu mới tin tưởng, từ tin tưởng mới giao trách nhiệm thực hiện.

Chúng tôi đã học tập công nghệ khoan hầm NATM của nước ngoài, đã làm chủ được nó. Chúng tôi đã thực hiện việc huy động vốn, tạo niềm tin là các cổ đông, ngân hàng để kiểm soát chất lượng, an toàn và tối ưu tổng vốn đầu tư bằng các giải pháp kỹ thuật.

Từ tổng mức đầu tư khái toán ban đầu 1 tỷ USD, đến khi thực hiện xong dự án hầm Đèo Cả, tổng mức được tiết giảm xuống còn khoảng 600 triệu USD.

Từ chỗ bị cho là điên rồ, chúng tôi với cách làm khác biệt đã thực hiện thành công dự án, bồi đắp niềm tin cho chính chúng tôi, cho cơ quan Nhà nước, cho người dân để triển khai những dự án khó khác.

Là người tiên phong bao giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn, vậy khi thực hiện dự án hầm Đèo Cả, khó khăn lớn nhất là gì, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất đó là niềm tin. Bởi, mô hình đầu tư bằng hình thức PPP lúc đó quá mới, Đèo Cả tuổi đời còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm để chứng minh khả năng dẫn dắt, để làm ra các công trình tương tự.

Ngay khi đặt vấn đề làm hầm Đèo Cả, rất nhiều người hoài nghi, thậm chí nhiều người trong cuộc đến nay vẫn chia sẻ với tôi, khi đó họ nêu ý kiến đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án nhưng chỉ theo kiểu: “Ôi dào, cứ đồng ý chủ trương thôi chứ biết chắc chẳng thể nào làm nổi!”.

Sau đó, Đèo Cả với những lý lẽ và con số cụ thể đầy sức thuyết phục, chứng minh tính khả thi của dự án để có được sự chấp thuận của Bộ GTVT về chủ trương để triển khai dự án, rồi thuyết phục được một ngân hàng trong nước đánh giá cấp tín dụng cho dự án.

Không có tư duy khác biệt sẽ không dám làm

Keyword đầu tiên có dấu
Hầm đường bộ Đèo Cả

Sau thành công từ các dự án hầm trên QL1, những năm gần đây, Đèo Cả tiếp tục tham gia vào hai dự án cao tốc quy mô lớn là Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận. Cả hai dự án này trước đây đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, các nhà đầu tư cũ đều sa lầy. Vì sao Đèo Cả không chọn những dự án cao tốc mới để làm mà lại chọn việc khó là giải cứu hai dự án cao tốc trên, thưa ông?

Ngoài đầu tư hầm xuyên núi, chúng tôi muốn thử thách chính mình ở các dự án hạ tầng giao thông khác, muốn tìm lối đi cho doanh nghiệp tư nhân thay vì tìm lối thoát - một thực trạng đáng buồn hiện nay. Chúng tôi xác định các công trình dễ đầu tư sẽ rất khó để tiếp cận bởi các mối quan hệ đan xen, xu hướng chưa xem trọng doanh nghiệp tư nhân.

Tôi biết rất nhiều đơn vị Anh hùng của Nhà nước có rất nhiều Huân chương, bằng khen từ các cấp… mà có lẽ chúng tôi chưa từng có, nhưng chúng tôi có được niềm vui khác, ý nghĩa hơn khi nhận được sự khen ngợi từ người dân và các cấp lãnh đạo bằng việc tạo ra giá trị thật cho xã hội thông qua các sản phẩm của mình.

Phần thưởng mà Đèo Cả đang theo đuổi là sự công nhận của xã hội với “Khát vọng Việt Nam” bằng việc chinh phục những con đèo nguy hiểm, các cung đường ùn tắc, khơi thông chính sách bất cập để mang lại hạnh phúc cho con người và đất nước Việt Nam.

Slogan của Đèo Cả là: “Nghĩ khác biệt; Tạo cách biệt”. Ông có thể chia sẻ vì sao lại chọn khẩu hiệu này cho doanh nghiệp?

Với bối cảnh rất khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nếu không có tư duy khác biệt sẽ không dám làm, nếu không tạo ra sự cách biệt thì không cạnh tranh được. Tài sản lớn nhất của chúng tôi đó là “giá trị thật”, đột phá cách biệt của Đèo Cả là “gia tăng giá trị thật”.

Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao của đất nước còn rất lớn, nhất là hệ thống đường cao tốc. Ông có thể bật mí về các dự án trong thời gian tới của Tập đoàn Đèo Cả?

Dự án lớn nhất sắp tới Đèo Cả phải thực hiện là khơi thông chính sách. Thông qua việc hội nhập PPP quốc tế, tôi hy vọng môi trường đầu tư BOT ở Việt Nam giảm dần các bất cập, tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, để nơi đó các nhà đầu tư, người dân đều hài lòng khi hướng tới các dịch vụ tiện ích phù hợp với công sức và đồng tiền phí do mình bỏ ra.

Cảm ơn ông!

Đình Quang (Thực hiện)

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tien-phong-mo-ham-xuyen-nui-d463265.html