Dấu ấn Đèo Cả trên những công trình giao thông trọng điểm

06/04/2020

Nhiều hầm đường bộ có quy mô lớn ở Việt Nam như: Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2,… được đầu tư, xây dựng.

Keyword đầu tiên có dấu

Hầm đường bộ Đèo Cả do DCIC làm nhà đầu tư

Hôm nay (5/4), Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (DCIC) - thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả (DCG) kỷ niệm 10 năm thành lập. Trải qua một thập kỷ hình thành và phát triển, DCIC ghi đậm dấu ấn trên nhiều công trình giao thông trọng điểm với vai trò là nhà đầu tư, nhất là tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả với nhiều hợp phần thi công xây dựng các tuyến hầm xuyên núi như: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân 2.

Chinh phục loạt hầm xuyên núi, giải cứu cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Đèo Cả không chỉ thành danh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng giao thông trong nước mà còn được biết đến ở nhiều nước trên thế giới, bởi, đây là doanh nghiệp tiên phong và tạo ra nhiều kỳ tích trong việc xây dựng hệ thống hầm đường bộ có quy mô lớn ở Việt Nam như: Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2,…

Hầm đường bộ Đèo Cả hiện nay không chỉ là niềm tự hào của những người thuộc “mái nhà” Đèo Cả, của người dân Phú Yên, mà còn là niềm tự hào chung của người Việt Nam từ điểm nhìn công nghệ, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Khi nói về những ngày đầu nhận dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án đó chính là niềm tin. Khi mô hình đầu tư còn quá mới, Đèo Cả tuổi đời lúc ấy còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm để thuyết phục khả năng dẫn dắt và chứng minh có thể làm ra các công trình tầm vóc như hầm đường bộ Đèo Cả”.

Ban đầu, rất nhiều sự hoài nghi, thậm chí nhiều người trong cuộc đến nay vẫn chia sẻ, khi đó họ nêu ý kiến đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án nhưng theo kiểu: “Ôi dào, cứ đồng ý chủ trương thôi, chứ biết chắc chẳng thể nào làm nổi!”. Chẳng hiểu DCIC đã làm thế nào để vượt qua được những nghi ngại ấy, nhưng có điều chắc chắn, Đèo Cả đã có những lý lẽ và con số rất cụ thể đầy sức thuyết phục chứng minh tính khả thi của dự án để có được sự chấp thuận của Bộ GTVT về chủ trương để triển khai dự án, rồi thuyết phục được một ngân hàng trong nước đánh giá cấp tín dụng cho dự án.

Đến tháng 9/2017, dự án hầm đường bộ Đèo Cả do DCIC thực hiện đã cán đích sớm hơn tiến độ 4 tháng. Trong ngày khánh thành thông xe hầm Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ: “Làm hầm Đèo Cả như một món nợ mà tôi tự nhận với quê hương Phú Yên của mình”.

Ông Hoàng tâm niệm rằng, sự thành công dựa trên giá trị cống hiến cho con người, cho quê hương, đất nước. Câu nói của Albert Einstein mà từ lâu ông tâm đắc hay dùng để chia sẻ với các cộng sự của mình: “Đừng cố gắng trở thành người thành công mà hãy cố gắng trở thành người có giá trị”.

Cũng trong năm 2017, Bộ GTVT đã giao cho DCIC tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hầm đường bộ Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2. Đây là các hạng mục thuộc dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. Trong đó, hầm đường bộ Cù Mông (TMĐT: 4.000 tỷ đồng) được đầu tư từ nguồn vốn tiết giảm của hầm đường bộ Đèo Cả đã khánh thành, thông xe từ đầu năm 2019.

Keyword đầu tiên có dấu
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành, đưa vào khai thác trong đầu năm 2020

Tháng 3/2017, Đèo Cả tiếp tục ghi dấu thành công bằng việc nhận “giải cứu” dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thoát khỏi sự bế tắc, đình trệ nhiều năm do nhà đầu tư cũ không đủ năng lực. Sau khi tiếp nhận dự án, Đèo Cả đã cơ cấu lại tổ chức, chỉ đạo các nhà thầu tăng tốc thi công và nhanh chóng hoàn thành hợp phần nâng cấp 105km QL1 chỉ sau 8 tháng. Riêng, hợp phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km cũng về đích vượt tiến độ vào đầu năm 2020.

Cùng với việc “giải cứu” cao tốc Bắc Gang - Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã chọn Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) thi công tiếp đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, đoạn tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự lớn nhất sắp tới là khơi thông chính sách

Chỉ trong vòng 10 năm, DCIC cùng các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia đầu tư xây dựng nhiều loại dự án hạ tầng giao thông như hầm đường bộ, cầu, đường cao tốc quan trọng của đất nước. Điều này đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, với phương châm hành động: “Thay đổi để tồn tại, đoàn kết để phát triển, hạnh phúc thuộc về những người đúng hẹn”, đồng thời chọn con người làm hạt nhân, nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Với quyết tâm đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đã liên kết với các trường đại học uy tín trong nước và nước ngoài nhằm giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao. Với các trọng tâm “quản trị rủi ro” hoạch định chính sách tài chính dự phòng, huy động nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tạo kênh lưu chuyển vốn, huy động nguồn nhân lực trí thức, cập nhật kiến thức đào tạo kỹ năng lãnh đạo thông qua các chương trình đào tạo chiến lược tại các trường đại học hàng đầu.

Thành công từ các dự án của DCIC cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc kiến thiết, phát triển đất nước. Nếu được kích thích bằng một hệ thống luật định rõ ràng, một môi trường đầu tư minh bạch và công bằng giữa các bên tham gia, thì thành phần kinh tế tư nhân sẽ có những đóng góp lớn hơn cho sự phát triển đi lên và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trả lời Báo Giao thông về những dự án trong thời gian tới mà doanh nghiệp này sẽ tham gia đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT nói: “Dự án lớn nhất sắp tới Đèo Cả phải thực hiện là khơi thông chính sách. Thông qua việc hội nhập PPP quốc tế để cải thiện môi trường đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT ở Việt Nam, giảm dần các bất cập, rủi ro… tạo ra sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư”.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/dau-an-deo-ca-tren-nhung-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-d459788.html