Năm 2022 sẽ có thêm đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

21/11/2018

Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được xác định không chỉ là động lực giúp Cao Bằng đột phá phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng.

Ông Hồ Minh Hoàng kiểm tra tiến độ Dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 Ảnh: PHÓ BÁ CƯỜNG

Ông Hồ Minh Hoàng kiểm tra tiến độ Dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 Ảnh: PHÓ BÁ CƯỜNG

Do đó, quyết tâm thúc đẩy triển khai sớm dự án này đang được lãnh đạo tỉnh Cao Bằng thể hiện bằng những bước đi cụ thể.

Điểm nghẽn và cơ hội

Ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

“Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, tôi cam kết các chính sách hỗ trợ cho dự án sẽ được đảm bảo thực hiện đúng quy định. Nhà đầu tư không phải lo rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách. Bây giờ, tôi làm Bí thư cũng phải kế thừa những cái của người tiền nhiệm. Cái gì xác định là điểm nghẽn phải tháo gỡ ngay thì Cao Bằng mới phát triển được. Tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là khát vọng bao đời nay của nhân dân tỉnh Cao Bằng, để hiện thực hóa dự án này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đang vào cuộc quyết liệt để công trình triển khai sớm nhất"

Cao Bằng có Hang Pác Bó nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước, có khu rừng Trần Hưng Đạo nơi chứng kiến sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những địa danh lịch sử đó không chỉ của riêng Cao Bằng mà là niềm tự hào chung của cả nước.

Ngoài ra, Cao Bằng còn có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh. Vừa qua, Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu.

Lợi thế phát triển kinh tế lớn như vậy nhưng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở khiến kinh tế gặp nhiều khó khăn, đến nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân chính được Đảng bộ tỉnh xác định là cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Cao Bằng không có hệ thống giao thông đường sắt và đường hàng không, vận tải đường thủy hạn chế, hệ thống đường bộ chỉ có 2 tuyến kết nối với các địa phương khác với quy mô nhỏ, chất lượng kém. Đó là nút thắt cản trở giao thương, mặc dù Cao Bằng có đường biên giới kéo dài (333km).

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng) có chiều dài 144km với tổng mức đầu tư khoảng 47.000 tỉ đồng và đầu tư sau năm 2030. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đến rồi lại đi.

Ông Lại Xuân Môn, Bí Thư tỉnh Ủy Cao Bằng chia sẻ, xây dựng hạ tầng giao thông là việc cấp thiết luôn được lãnh đạo Đảng, Chính phủ quan tâm. "Nhiều khóa lãnh đạo mong muốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mà chưa thực hiện được. Nay, chúng ta có điều kiện thì phải tranh thủ chớp lấy", ông Môn nói.

Và thời cơ đã đến khi hiện nay, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị đang thực hiện những đoạn tuyến cuối cùng và sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2020. Trong đó, đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng đã được UBND tỉnh Lạng Sơn và các nhà đầu tư tối ưu thiết kế và bổ sung

17,5 km kết nối tới các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam. Như vậy tuyến cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng nếu được triển khai sẽ tối ưu được hướng tuyến.

Tại cuộc họp báo "Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018" ở Hà Nội, ông Lê Hải Hòa, Chánh văn phòng UBND tỉnh này thông tin thêm: "Tỉnh Cao Bằng bám sát Trung ương khẩn trương huy động nguồn vốn để triển khai dự án trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi cùng đơn vị tư vấn đã tối ưu hóa, tính toán lại, trình Thủ tướng rút ngắn tuyến còn 115 km với 6 hầm xuyên núi và nhiều cầu cạn, giảm 30km so với ban đầu, tổng mức đầu tư còn 20.939 tỉ đồng giảm 55% so với phương án ban đầu. Dự kiến giai đoạn 1 từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - TP. Cao Bằng dài 80km triển khai trong giai đoạn 2019-2022 với tổng đầu tư 10.000 tỉ đồng và vốn nhà nước thêm 2.000 tỉ đồng".

Quyết tâm của lãnh đạo Cao Bằng

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Tổng Giám đốc đơn vị Tư vấn

“Để làm tuyến đường này phải nghiên cứu phương án đầu tư theo hình thức PPP, với tổ hợp nguồn vốn gồm: vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư, vốn vay tín dụng, vốn hỗ trợ của Nhà nước và địa phương cho dự án. Phương án cụ thể sẽ được tính toán cân đối sau khi có cơ sở về các nguồn vốn tham gia đầu tư, bảo đảm bù đắp thiếu hụt lưu lượng, vốn Ngân sách nhà nước tham gia trong cơ cấu vốn đầu tư, đồng thời tháo gỡ các rào cản đầu tư hiện nay từ các bất cập cơ chế chính sách để dự án có thể bắt đầu từ năm 2020-2025”

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch năm 2019 tại kỳ họp Quốc hội lần này, ông Lại Xuân Môn chính thức đề xuất xây dựng hạ tầng giao thông tạo đột phá phát triển kinh tế tỉnh nhà và tạo điều kiện đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) tới cửa khẩu Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).

Trước kỳ họp Quốc hội này chưa lâu, ông Môn và đoàn công tác tỉnh Cao Bằng đã vào TP. Hồ Chí Minh dự cuộc hội thảo "BOT - Từ góc nhìn đa chiều". Tại hội thảo, tiếp xúc với một nhà đầu tư quan tâm đến dự án, nhưng còn băn khoăn việc thực hiện dự án trong nhiều năm sẽ gặp rào cản nhiệm kỳ, bí thư Cao Bằng khẳng định: "Tôi cam kết, Cao Bằng không có "tư duy nhiệm kỳ". Chúng tôi xác định phát hiện "điểm nghẽn" là phải tháo ngay để làm sao, trong tương lai gần, hoàn thành con đường cao tốc tạo đà cho Cao Bằng phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội".

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ thêm, mới đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhất trí chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; nhất trí chấp thuận cho Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức BOT.

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng – Tổng Giám đốc đơn vị tư vấn, kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong khoảng 10 năm đầu khai thác (2023 – 2032) đạt khoảng 5.000 – 10.000 xe/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 so với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tại cùng thời điểm.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc làm động lực thúc đẩy phát triển kinh - xã hội là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang lại lợi ích lâu dài cho địa phương. Tập đoàn Đèo Cả được kỳ vọng rất lớn để biến giấc mơ mở tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng thành hiện thực.

Theo NGUYỄN QUANG THÀNH
https://tuoitre.vn/nam-2022-se-co-them-duong-cao-toc-dong-dang-tra-linh-20181119142408106.htm