Những kỷ niệm không quên với Thủ tướng Phan Văn Khải

26/07/2018

Tôi được gặp đồng chí Phan Văn Khải lần đầu tiên vào giữa năm 1987 tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, lúc ấy ông là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và là Đại biểu Quốc hội. Thời điểm đó tôi là Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa và cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, tuy gặp và biết ông nhưng không có dịp tiếp cận ông.

Phải đến sau thời điểm chia tỉnh Phú Khánh, tôi được bổ sung vào Tỉnh ủy Phú Yên và từ tháng 11/1989 được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh, đồng thời cũng là Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phan Văn Khải lúc này cũng đã được Trung ương điều ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Do có quan hệ trực tiếp là cấp trên – cấp dưới theo ngành và cũng có dịp gặp gỡ dài ngày trong các kỳ họp Quốc hội, nên tôi có điều kiện gần gũi với ông hơn và hiểu biết về ông. Đó là một đồng chí lớp đàn anh đi trước có tầm nhìn rộng, giải quyết công việc rất quyết đoán, nhưng dễ tiếp thu cái mới, phong cách làm việc rất dân chủ, tấm lòng cởi mở, đôn hậu, chân thành với anh em cấp dưới.

Tôi nhớ trong Quốc hội khóa VIII có 6-7 anh em ở các địa phương đã từng hoặc đang làm công tác trong ngành Kế hoạch, anh em đều quý trọng ông; trong giờ giải lao thường hay tìm ra bóng cây nơi ông đứng hút thuốc để trao đổi, tranh thủ ý kiến ông. Ông như một người anh lớn, hay xưng “tao”, gọi chúng tôi là “tụi mày”, “thằng Lộc, thằng Một…” hết sức thân tình theo phong cách Nam Bộ.

Chúng tôi cũng gọi ông là anh Sáu để phân biệt với đồng chí Võ Văn Kiệt được gọi là chú Sáu (thật ra sau này khi đồng chí Sáu Khải về hưu, tôi có 3-4 lần đến nhà thăm ông, tôi đã gọi ông bà là chú Sáu, thím Sáu), ai cũng biết ông lớn tuổi hơn khá nhiều, nhưng thấy ông quá thân tình nên gọi thế cho dễ khi làm việc. Có mấy lần, anh em các địa phương muốn mời ông đi ăn, ông vui vẻ nhận lời nhưng dặn là “tụi mày nên tổ chức bữa ăn ở nhà mấy đứa cấp vụ, tao sẽ đến chơi. Làm bộ trưởng mà ra quán ăn khó coi quá”. Cứ thế, ông đến với anh em một cách hết sức đơn giản, chân thành.

Tôi nhớ có lần ông hỏi về bộ máy của Ủy ban Kế hoạch tỉnh Phú Yên, tôi có báo cáo với ông là đang có gần 20 người gồm một bộ phận ở Ủy ban Kế hoạch Phú Khánh từ Nha Trang về, có người rút từ các huyện lên, có người từ bộ đội chuyển ngành về… Tuy ít người, nhưng anh chị em rất đoàn kết, đổi mới cách làm việc nên bước đầu hoạt động hiệu quả. Ông khen là tỉnh Phú Yên mạnh dạn sắp xếp bộ máy gọn nhẹ và dám phân công chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch chuyên trách để nâng cao trách nhiệm.

Ông nói trước đây Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hầu như đều do Phó Thủ tướng kiêm chức, cả TP Hồ Chí Minh cũng vậy do Phó Chủ tịch UBND kiêm, lần này Trung ương giao ông làm chủ nhiệm chuyên trách là một sự đổi mới, ông hy vọng các tỉnh cũng nên làm thế. Ông dặn tôi là ra sức đoàn kết anh chị em các nguồn về, phát huy năng lực từng người, tiếp tục đổi mới cách làm của ngành, tăng việc tham mưu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giảm việc quản lý cụ thể, không dẫm chân các ngành khác. Tôi rất cảm động với những lời dặn dò ân cần của ông và đã ra sức làm như thế.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (lúc đó tôi cũng là đại biểu Đại hội VII), khi biết đồng chí Phan Văn Khải được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, tôi và một ít anh em kế hoạch các tỉnh đến phòng ông ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để chúc mừng ông. Tôi thấy lúc đó ông rất trầm ngâm và nói: “Nhiệm vụ càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Tao đang lo là mình phải làm gì để xứng đáng với sự tin tưởng của Đại hội VII…”. Rồi ông cười cười nói với chúng tôi: “Nay coi bộ đi ăn với tụi mày không được rồi. Anh em cảnh vệ chắc là không chịu đâu”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc giới thiệu với Thủ tướng Phan Văn Khải về dự án du lịch phía bắc TP Tuy Hòa (tháng 7/2003) – Ảnh: PV (chụp lại)

Tôi cũng nhớ khoảng giữa năm 2004, tôi có dịp tháp tùng ông (lúc đó là Thủ tướng) đi thăm chính thức Hàn Quốc. Trong đoàn ngoài một số bộ trưởng, thứ trưởng còn có lãnh đạo một số tỉnh, như anh Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), anh Thảo (Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, sau này là Chủ tịch UBND TP Hà Nội), anh Tiến (Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh), tôi lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Phiên làm việc chính thức giữa 2 Chính phủ (phía Hàn Quốc do Tổng thống Rô Mu Hiên đứng đầu) có nội dung bàn xây dựng đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. Trong tiệc chiêu đãi đoàn Chính phủ Việt Nam, có sự tham dự của đông đảo giới chức Chính phủ và giới truyền thông quốc tế, Tổng thống Rô Mu Hiên đọc diễn văn có nội dung xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam về việc quân đội Hàn Quốc trước đây có tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đã gây nhiều tổn thất cho đất nước và nhân dân Việt Nam và mong muốn được hợp tác góp phần hàn gắn vết thương này.

Trong chuyến đi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành thời gian để thăm và làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Posco, Huyndai, Samsung, LG, SK… Đến đâu ông cũng tỉ mỉ hỏi về kinh nghiệm phát triển, về quản lý, về công nghệ và nhất là về khả năng hợp tác đầu tư với Việt Nam.

Tôi còn nhớ là khi đến thăm tập đoàn thép Posco – tập đoàn thép có sản lượng thép thứ 3 trên thế giới, sau đi thăm cảng biển của tập đoàn có hàng núi quặng sắt từ nhiều nơi trên thế giới chuyển về, ông ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Hàn Quốc người ta không có quặng sắt nhiều, mà người ta có cách xây dựng tập đoàn sắt thép lớn như thế, đáng cho chúng ta suy nghĩ…”.

Khi đến thăm Tập đoàn Huyndai, đoàn Việt Nam được xem một đoạn phim ngắn giới thiệu quá trình 40 năm phát triển của tập đoàn này và mục tiêu của họ là trở thành tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới. Họ đưa mục tiêu này thành việc học tập bắt buộc cho toàn thể cán bộ và người lao động trong tập đoàn.

Lúc ra ngoài, Thủ tướng nói với chúng tôi: “Cần học tập cách giáo dục lòng tin và ý chí để vươn lên hàng đầu thế giới của người Hàn Quốc. Chúng ta làm việc này rất tốt trong chiến tranh để giành độc lập dân tộc, cần có cách phát huy tốt trong xây dựng đất nước”. Khi ông nói, tôi thấy sự trăn trở, đăm chiêu trong mắt ông. Và giờ đây nhìn lại, những công trình đầu tư lớn của Samsung, Huyndai ở Việt Nam đang kết trái từ những mầm ươm kêu gọi đầu tư thời ấy của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Riêng đối với tỉnh Phú Yên, đồng chí Phan Văn Khải đến thăm và làm việc nhiều lần với nhiều cương vị khác nhau: là Ủy viên Bộ Chính trị về chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh, là Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi nghỉ hưu, ông cũng đến thăm Phú Yên 2 lần dù sức khỏe của ông không được tốt lắm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp hình kỷ niệm với đồng chí Phan Văn Khải tại nhà riêng (năm 2003) – Ảnh: PV (chụp lại)

Chính Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 7/2003 sau khi nghe Bí thư (lúc đó là đồng chí Nguyễn Thành Quang) và tôi lúc đó là Chủ tịch trình bày các ý tưởng dự án khu đô thị Nam Tuy Hòa, cầu Hùng Vương, khu du lịch ven biển TP Tuy Hòa (kể cả vấn đề sân golf ven biển và casino tại Hòn Chùa), ông đã có kết luận chỉ đạo rất cụ thể. Ông có nói rõ là ngoài vấn đề casino thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị xem xét cho phép, các vấn đề khác ông ủng hộ và có kết luận bằng văn bản để thuận tiện cho tỉnh làm việc với các bộ ngành khi triển khai thực hiện cụ thể. Sau 15 năm nhìn lại, giờ thì một số việc đã làm được nhưng một số việc vẫn chưa làm được, nhất là nhiều nội dung thuộc khu du lịch ven biển TP Tuy Hòa.

Tôi nhớ vào tháng 11/2004, tôi có vào Nha Trang để đón Thủ tướng ra khánh thành cầu Đà Rằng mới và tuyến tránh TP Tuy Hòa của quốc lộ 1A. Để thuận tiện trả lời những việc mà ông có thể hỏi đối với địa phương, tôi chuyển qua ngồi xe ông. Cung đường quốc lộ 1A Nha Trang – Tuy Hòa lúc đó tuy có cải thiện, nhưng nhiều đoạn còn rất xấu, nhất là đoạn từ nam đèo Cổ Mã đến Hảo Sơn, tôi có báo cáo với Thủ tướng về những nguy hiểm ở cung đường này và năm nào cũng có những tai nạn chết người, mong ông quan tâm chỉ đạo nghiên cứu triển khai tuyến hầm đường bộ. Ông trầm ngâm rất lâu và có nói với tôi: Bây giờ ông mới hiểu rõ hơn vì sao Phú Yên khó phát triển như vậy và vì sao trong khi Nha Trang lâu nay du lịch rất mạnh mà Phú Yên lại không làm được.

Ông nói nếu giao thông tốt thì Phú Yên sẽ phát triển mạnh, tiếc rằng đất nước còn nghèo chưa đầu tư mạnh vào giao thông được. Ông cũng nói với tôi là nên nghiên cứu cách nào phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tìm nguồn đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả để Phú Yên có thể phát triển được. Điều khổ tâm của Thủ tướng đến nay đã làm được rồi, tháng 8/2017 hầm đường bộ Đèo Cả đi vào hoạt động mở rộng cánh cửa phía nam của Phú Yên, nhưng tiếc là ông lúc đó đã nằm trên giường bệnh không về được Phú Yên để đi qua tuyến hầm đường bộ hiện đại này.

Hôm qua lúc đi viếng ông, trước linh cữu ông tại Hội trường Thống Nhất, tôi có thầm khấn: “Chú Sáu Khải ơi! Đường bộ về Phú Yên đã thông hầm Đèo Cả rồi, chú cứ yên tâm ra đi”.

Cũng đợt ông về thăm Phú Yên lần đó, tôi có đưa ông lên đỉnh núi Chóp Chài để ngắm cảnh quan TP Tuy Hòa. May là tháng 11 năm đó trời rất tốt. Thủ tướng có vẻ sững sờ trước cảnh núi lớn, núi nhỏ, sông dài, sông ngắn, rừng, đồng bằng, biển của Tuy Hòa.

Ông căn dặn tôi: “Tuy Hòa là một thành phố đặc biệt, có cảnh quan xinh đẹp, đủ núi sông đồng rừng biển, là tài sản quý mà thiên nhiên ban tặng và tổ tiên gìn giữ để lại. Cần được quy hoạch kỹ và bình tĩnh mà làm thành một đô thị đẹp, nếu không con cháu sẽ chê trách chúng ta… Về quy hoạch đô thị thì trong nước ta chưa có kinh nghiệm, có thể thuê các công ty tư vấn phát triển đô thị ở các nước có kinh nghiệm như Singapore, Anh, Pháp về làm”.

Sau khi ông nghỉ hưu, tôi có mấy lần đến nhà ở quê Tân Thông Hội, Củ Chi thăm ông. Thời điểm gả chồng cho cháu nội gái, ông cũng gửi thiệp mời tôi (hình như ở Phú Yên cũng chỉ có tôi được mời) và tôi cũng vào dự. Lúc nào gặp, ông cũng hồn hậu, ân cần, thăm hỏi về Phú Yên. Sức khỏe ông cũng giảm dần, nhất là sau khi vợ ông mất đầu năm 2011, vậy mà ông cũng tranh thủ ra thăm được Phú Yên lần cuối vào năm 2016 để thấy tận mắt và cổ vũ sự nỗ lực đi lên của tỉnh.

Xin gửi nén tâm nhang thành kính vĩnh biệt ông – anh Sáu – chú Sáu – Thủ tướng Phan Văn Khải!

ĐÀO TẤN LỘC

Ủy viên BCH Trung ương khóa X, XI

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XIV, XV

http://www.baophuyen.com.vn/76/197371/nhung-ky-niem-khong-quen-voi-thu-tuong-phan-van-khai.html