“Nợ hơn 2 tỉ tiền điện là chuyện nhỏ. Món nợ cơ chế của Bộ mới là chuyện lớn”

31/10/2018

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Đèo Cả, Công ty mẹ của đơn vị vận hành hầm đường bộ Hải Vân đã khẳng định như vậy trước câu hỏi của nhiều phóng viên tới gặp ông sau khi có thông tin hầm đường bộ hiện đại này có nguy cơ đóng cửa vì nợ tiền điện.

Tín hiệu mừng để tháo gỡ điểm nghẽn

Theo ông Hoàng, Đèo Cả chỉ mới nợ điện lực hơn 2 tỉ tiền điện chưa lâu, nhưng Bộ Giao thông thì đã "nợ cơ chế" đối với công ty ông hàng năm trời mà chưa trả.

Khi ban hành thông tư 35/2016, Bộ đã quên mất việc đề cập mức phí cho hạng mục hầm đường bộ.

Chính vì vậy, dù hầm đường bộ Đèo Cả có tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều, nhưng lại chỉ được thu mức phí bằng mức của đường bộ thông thường (nghĩa là thấp hơn nhiều mức giá đã được phê duyệt và giá đã ký kết với nhà đầu tư tại Hợp đồng dự án).

Nếu thông tư 35 không được sửa đổi, thì các hầm đường bộ khác mà Đèo Cả quản lý, cũng có số phận tương tự: Vỡ phương án tài chính vì nguồn thu không đủ hoàn vốn theo hợp đồng dự án.

Trong khi Bộ chưa giải được nguồn thu bù đắp, thì Đèo Cả vẫn phải chi nhiều tỉ đồng cho lương nhân viên, điện, nước, máy móc, vật tư nâng cấp và vận hành hầm.

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết:"Anh em ở đơn vị vận hành rất bức xúc nên kêu cứu như vậy. Nhưng tôi hiểu rằng điện lực sẽ không thể cắt điện một công trình trọng điểm quốc gia như thế, vì hậu quả là quá lớn đối với giao thông huyết mạch.

Với tư cách Chủ tịch tập đoàn, tôi sẽ điều phối để đơn vị vận hành hầm trả nợ ngay hơn 2 tỉ đồng cho điện lực Liên Chiểu (Đà Nẵng) trong vài ngày tới.

Nhưng tôi nhắc lại, hơn 2 tỉ đồng đó chỉ là chuyện rất nhỏ so với vướng mắc mà chúng tôi đang gặp phải từ việc chậm chễ giải quyết ách tắc của Bộ Giao thông.

Đáng mừng là ngay đầu giờ sáng hôm nay, tôi đã có một buổi làm việc với thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ để tháo gỡ nhanh chóng điểm nghẽn không đáng có này. Tôi hy vọng trong vài tuần nữa sẽ có kết quả".

Theo ông Hoàng, số tiền nợ điện lực 2 tỉ đồng, không thấm vào đâu so với số tiền mà Đèo Cả đã bỏ ra để nâng cấp và vận hành hầm.

Hiện nay chi phí vận hành hầm Hải Vân 1 hết khoảng gần 100 tỉ đồng/ năm, tương đương với nguồn kinh phí là 2.660 tỉ đồng trên tổng số 28 năm (nếu tính thêm cả hệ số trượt giá thì sẽ là 5.548 tỉ đồng).

Thực tế, đến thời điểm này, Đèo Cả đã chi tới 1,200 tỉ đồng cho dự án này. Theo phương án tài chính và hợp đồng BOT được chính Bộ Giao thông duyệt và ký kết với Đèo Cả, thì cty được lập 1 trạm thu phí Nam Hải Vân để thu lại vốn đầu tư.

Tuy nhiên Bộ đã quyết định bỏ trạm này và yêu cầu Đèo Cả thu phí chung với trạm Bắc Hải Vân (trạm này thu phí cho dự án Phước Tượng – Phú Gia).

Như vậy là nguồn thu phí của Đèo Cả trong dự án này đã giảm 1 nửa, vì hai dự án khác nhau đáng phải có hai trạm thu phí, thì bây giờ phải chia sẻ nguồn thu từ 1 trạm thu phí.

Đây chưa phải là khó khăn duy nhất. Việc Bộ đề xuất Chính phủ bỏ không thu phí ở trạm La Sơn – Túy Loan (nằm trên đường song song với Hải Vân 1 và Phước Tượng – Phú Gia), có thể dẫn đến việc nhiều xe cộ chuyển sang lưu thông bên tuyến đường không thu phí, khiến nguồn thu để hoàn vốn cho dự án hầm Hải Vân 1 tiếp tục giảm sút.

"Những gánh nặng mà Bộ Giao thông đơn phương tạo ra như trên, đã đè sụm đôi vai doanh nghiệp. Việc này đã kéo dài hàng năm và chưa được giải quyết một cách trách nhiệm.

Nếu Bộ không tháo gỡ nhanh chóng, thì việc gián đoạn vận hành hầm Hải Vân 1 trong 1-2 tháng tới là nguy cơ có thể xảy ra. Không chỉ có thế, niềm tin của những nhà đầu tư đàng hoàng vào sự kiến tạo, cam kết của Bộ, cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng" – ông Hoàng nói.

"Chúng tôi luôn chọn cách nói thẳng"

Trước câu hỏi của phóng viên: Thay vì chọn giải pháp "kín tiếng" để đối thoại song phương với Bộ Giao thông (như cách mà nhiều doanh nghiệp vẫn phải làm), Đèo Cả lại phát đi thông điệp "thẳng đến mức gai góc" về trách nhiệm của Bộ trên phương tiện thông tin đại chúng, ông có sợ Bộ coi là đối đầu?, ông Hồ Minh Hoàng nói: "Chúng tôi không đối đầu với Bộ.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Đèo Cả

Khi Bộ đơn phương phát biểu thay đổi những điều khoản đã ký trong hợp đồng như bỏ trạm La Sơn – Túy Loan; khi Bộ quyết định bỏ trạm Nam Hải Vân, dù biết là bị thiệt hại lớn, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận lùi một bước, để người dân có lợi hơn và để Bộ giảm áp lực dư luận.

Như vậy chúng tôi cũng đã chia sẻ gánh nặng với Bộ. Nhưng tiếc là kiến nghị sửa thông tư 35 và một số kiến nghị khác của chúng tôi, chưa được giải quyết hiệu quả. Lãnh đạo Bộ có thể đã chỉ đạo, nhưng các cục, vụ ở dưới mà thiếu trách nhiệm, là đình trệ ngay.

Ví dụ khi tôi làm việc với Vụ Tài chính, thì vụ này phải xin ý kiến thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vì thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo Bộ. Nhưng thứ trưởng Đông lại bắt hỏi Bộ Tài Chính. Cứ lòng vòng kiểu ma trận như thế, không biết khi nào mới xong.

Chính vì vậy, chúng tôi luôn chọn cách nói thẳng và minh bạch hóa sự việc, để cho những vị thiếu trách nhiệm cũng phải xem lại. Tôi nghĩ ban đầu có thể ai đó khó chịu với sự thẳng thắn này, nhưng rồi họ sẽ thấy là bình thường. Đã là thắt, nghẽn thì phải tháo gỡ, không tháo gỡ mới là bất thường.".

Theo ông Hoàng, việc bày tỏ ý kiến thẳng thắn như vậy với cơ quan quản lý, là chuyện hết sức bình thường ở những quốc gia phát triển: "Việt Nam cũng nên tạo ra những tiền lệ minh bạch như vậy để thúc đẩy tính hiệu lực của bộ máy.

Thông tư 35 thuộc thẩm quyền của Bộ mà bộ còn chậm giải quyết thế, thì việc tháo gỡ những khó khăn lớn hơn sẽ ra sao?

Nhà nước luôn khuyến khích doanh nghiệp nói thẳng, làm thật, vì cái chung, nên việc gì còn vướng mắc khó giải quyết, chúng tôi cũng sẽ mạnh dạn kiến nghị lên Thủ tướng, Quốc hội, lãnh đạo Đảng để tháo gỡ. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo sẽ luôn muốn tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đàng hoàng phát triển".

theo Nhịp sống kinh tế/Soha
http://soha.vn/no-hon-2-ti-tien-dien-la-chuyen-nho-mon-no-co-che-cua-bo-moi-la-chuyen-lon-20181031153832858.htm