TPO - UBND tỉnh Tiền Giang vừa thống nhất phương án lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 theo đề xuất của Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, từ ngày 25/1 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu 2021) đến ngày 10/2 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022), xe ô tô được lưu thông hai chiều trên tuyến chính cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với tốc độ tối đa là 80km/giờ.
Trong quá trình lưu thông, các phương tiện chỉ được chạy trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn từ nút giao Thân Cửu Nghĩa tại Km49+620 (đầu tuyến) đến nút giao An Thái Trung tại Km101+126 (cuối tuyến) nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 30.
Lái xe chỉ được dừng, đỗ xe ngoài phạm vi đường cao tốc; trong trường hợp buộc phải dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định thì lái xe phải đưa xe ra làn ngoài cùng hoặc dừng tại điểm dừng khẩn cấp. Không được tự ý dừng xe trên làn đường dừng xe khẩn cấp, gầm cầu vượt để nghỉ ngơi…
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho xe ô tô lưu thông từ 23 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Dần.
Các loại phương tiện không được lưu thông bao gồm: xe quá khổ quá tải, xe container từ 20 feet trở lên, xe đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc, xe chở vật liệu dễ cháy nổ (xăng dầu, gas, nhựa đường…), xe mô tô, xe thô sơ, xe gắn máy, người đi bộ…
Trong thời gian tổ chức lưu thông, lực lượng của Trung tâm điều hành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phối hợp Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương, công an xã, y tế, cứu hộ, cứu hỏa… túc trực trên tuyến để điều tiết giao thông, xử lý sự cố… khi có xảy ra.
Trước đó, ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án có chiều dài hơn 51km, đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay.
Đây là tuyến cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực ĐBSCL với TPHCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành...
Sau gần 3 năm tái khởi động (từ tháng 3/2019), dự án cán mốc thông xe kỹ thuật, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước Tết và sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật, đồng thời đo lường khắc phục các rủi ro về nền đất yếu thường gặp tại khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật dự án. Ảnh: Cảnh Kỳ
Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng của ĐBSCL. Với ý chí và quyết tâm cao, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương, của địa phương và sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công…, chúng ta đã thực hiện được lời hứa trước nhân dân ĐBSCL là đã sớm đưa công trình vào sử dụng để góp phần thuận lợi phát triển khu vực trong thời gian tới”.
Chủ tịch nước yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện để khánh thành dự án đúng quy định. Sau đó tiếp tục quản lý tốt công trình; khắc phục những điểm bất cập về chất lượng nếu có và đặc biệt là quyết toán, kiểm toán công trình theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn giao thông ngay từ thời điểm thông xe; tạo điều kiện tốt nhất có thể để người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ để toàn tuyến được thông suốt…
Cảnh Kỳ
Nguồn: tienphong.vn