Sinh ra ở Bình Định, lớn lên ở Phú Yên, Hồ Minh Hoàng được nuôi dưỡng bởi truyền thống của một gia đình cách mạng, dòng dõi họ Hồ Quỳnh Lưu - Nghệ An. Ông nội và bà nội anh là liệt sỹ, bố là chiến sỹ biệt động Thành. Ở Hồ Minh Hoàng là sự hội tụ khí chất, văn hóa của nhiều vùng miền. Đó là ý chí vượt khó, ham học hỏi, cần cù lao động của người xứ Nghệ. Đó là sự khảng khái, tinh thần thượng võ, xả thân của miền đất Bình Định. Đó cũng là sự ngay thẳng, can trường, vị nghĩa, luôn tin ở mình và ở người của những cư dân xứ Nẫu Phú Yên. Từ thuở ấu thơ, tâm hồn của anh đã thấm đẫm suối nguồn yêu thương qua từng lời ru của mẹ:“Ai về Bình Định thăm cha/Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”; “Chợ Sông Cầu một tháng sáu phiên/Anh đi không đặng, gửi lời nguyền thăm em”…

Là tỉnh nằm ở miền Trung Việt Nam, Phú Yên có 3 mặt là núi. Ở nơi đây, đá đã hòa quyện vào dòng chảy văn hóa, thẩm thấu vào từng mạch đất, nguồn nước, tạo nên tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh kiên cường của người dân. Di sản đá, văn hóa đá trở thành niềm tự hào không chỉ của Phú Yên mà của mọi người dân Việt. Nhưng với Hồ Minh Hoàng, anh có một góc nhìn, cách nghĩ khác hơn về đá, về núi. Trong một bài thơ, anh viết: “Nhìn lên non cao mây đen giăng ngang, vách đá khăn tang trắng màu biệt ly/Tuổi thanh xuân ơi lợi danh những gì, còn hơn thiên lý - cung đường từ bi”(*).

Chủ tịch Hồ Minh Hoàng làm việc cùng lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Đá với anh không chỉ máu thịt mà còn là “vành khăn tang trắng màu biệt ly”, và theo suốt trong anh một thời trai trẻ là ước mơ về một “cung đường từ bi”. Để rồi 10 năm sau, một kỳ tích đã được dệt nên bằng tình yêu sâu nặng với quê hương, bằng ý chí, quyết tâm vô bờ bến. Trong giờ phút thiêng liêng, Tổng Giám đốc Hồ Minh Hoàng tay ôm bó hoa, tay nhấn nút khai thông công trình Hầm đường bộ Đèo Cả mà nghẹn ngào hạnh phúc “Hoàn thành công trình hầm đường bộ Đèo Cả, tôi đã trả ân nợ cho quê hương, ông bà, bố mẹ”. Đó cũng chính là nhiệt huyết, tấm lòng của anh trong suốt cuộc đời:“Gửi bao yêu thương cho quê hương, giục lòng vững bước đôi chân lên đường”.(*)

“Khó khăn gian lao nuôi chí anh hào”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong một lần đến thăm công trình Hầm Đèo Cả đã khẳng định: “Đây là công trình lớn và có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội khi lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã chủ động nguồn vốn, nghiên cứu ứng dụng và làm chủ công nghệ thi công đường hầm, đạt các tiêu chí kỹ thuật và chất lượng quốc tế”.

Hầm Đèo Cả được gắn biển công trình tiêu biểu.Hầm Đèo Cả được gắn biển công trình tiêu biểu.

Vậy đâu là nền tảng quan trọng để Hồ Minh Hoàng và Tập đoàn Đèo Cả làm nên kỳ tích? Ngồi trước chàng trai sinh năm 1971 có đôi mắt rất sáng và nụ cười dễ mến, tôi cứ băn khoăn tự hỏi và hình dung về một Hoàng “khùng” của 10 năm về trước, khi anh thập thò gõ cửa từng phòng làm việc của các đơn vị chức năng chỉ để bày tỏ “Thưa anh, em là Hồ Minh Hoàng, em muốn đề xuất về dự án hầm đường bộ Đèo Cả”. Nhìn gương mặt bầu bĩnh, non trẻ, trong dáng vẻ quê quê của anh, mọi người lại nhìn nhau cười về một ý tưởng “điên rồ”.

Nhưng để có thành công thì ước mơ thôi chưa đủ mà cần có một bản lĩnh “thép”, tư duy đột phá, sáng tạo, một chiến lược nâng tầm nghệ thuật. Với Hồ Minh Hoàng, câu nói của thiên tài Isaac Newton: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ” luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Trước hết là trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, xây dựng mô hình quản lý phù hợp. Chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ” được Hồ Minh Hoàng sử dụng triệt để trong sử dụng con người - đòn bẩy quyết định cho sự thành công vang dội của thương hiệu Đèo Cả. Tâm sự cùng tôi, Hoàng chia sẻ: “Tôi cho rằng quan trọng nhất là làm sao lan tỏa được ý tưởng và quyết tâm của mình với mọi người”.

Theo sát bên Hoàng luôn có một Hội đồng cố vấn kiến thức uyên thâm, dày dạn kinh nghiệm đồng hành, là những người thầy, người bạn tri kỷ của anh. Điểm chung ở những con người này là đều dành sự trân trọng và một niềm tin không bao giờ vơi cạn về một Hồ Minh Hoàng đầy sắc sảo, thông minh với nghị lực phi thường trong mọi hoàn cảnh nhưng cũng rất tình nghĩa, thủy chung, nhân văn.

Tôi đã được chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa của anh trên một số diễn đàn, được lắng nghe anh đọc thơ, hát các ca khúc trữ tình trong những đêm dạ hội. Đằng sau sự quyết liệt, mạnh mẽ là một Hồ Minh Hoàng trong trẻo nhưng cô đơn pha lẫn nỗi xót xa, cay đắng. Anh đã vượt lên chính mình, tự nhắc nhủ mình “Khó khăn gian lao, miền Trung quê đất nuôi chí anh hào” (*) để làm “Trái tim Đan Kô” dẫn đường đến với thành công.

 Đường dẫn vào hầm Đèo Cả.Đường dẫn vào hầm Đèo Cả.

“Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”

Đó là câu slogan của Tập Đoàn Đèo Cả. “Nghĩ khác biệt” là phương châm xuyên suốt từ khi anh còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã Hải Thạch với biểu tượng một đôi bàn chân trái. “Nghĩ khác biệt” chính là nguyên nhân quan trọng quyết định sự thành công của thương hiệu Tập đoàn Đèo Cả hôm nay với biểu tượng cuốn sách, chiếc lược và hình dung rộng hơn là một mái nhà bao phủ, chở che.

Có một câu chuyện thú vị về Hồ Minh Hoàng mà nếu không được chứng kiến, chắc chắn sẽ rất ít người tin. Tại những cuộc họp chiến lược mang tính quyết định của Tập đoàn, hay những buổi “trà dư, hậu tửu”, thỉnh thoảng xuất hiện hình ảnh của một người khoác áo chùng thâm và một người trong bộ áo nâu sồng. Đó là cha Giuse Nguyễn Mạnh Khoa và thầy Thích Tĩnh Tuệ. Họ đến với Hồ Minh Hoàng như những người bạn tâm giao, sẻ chia tinh thần của kinh Phật với đời sống Phúc âm của Thiên chúa. Điều đặc biệt hiếm có là bên Hồ Minh Hoàng, cả thầy và cha dù là những bậc tu hành khác nhau về giáo lý tôn giáo nhưng đều vui vẻ bắt tay nhau, vui vẻ khoác tay nhau đàm đạo mọi câu chuyện về nhân sinh, về nhân tình thế thái. Sức hấp dẫn kỳ lạ của Hồ Minh Hoàng đã tạo nên sự khác biệt. Ở cha Khoa, anh học được sự “tĩnh tâm”, ở thầy Tuệ anh nhìn thấy sự “tịnh tâm”, để từ đó tìm ra nguyên tắc “Định tâm – Định hướng – Định lượng” cho riêng mình, cho doanh nghiệp mình. Đấy chính là tầm nhìn, sự am tường sâu sát của doanh nhân Hồ Minh Hoàng khi xử lý công việc, để mang đến những thành công.

Chủ tịch Hồ Minh Hoàng và các cộng sự. Chủ tịch Hồ Minh Hoàng và các cộng sự.

Nhìn lại chặng đường 10 năm, từ một mô hình hợp tác xã xây dựng, phát triển thành Tập đoàn Đèo Cả lớn mạnh hôm nay với những thành công như là huyền thoại, in đậm hình ảnh của người dẫn đường Hồ Minh Hoàng. Xác định thay đổi để tồn tại và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục tái cấu trúc hướng tới “3 nhất”. Đó là, “Nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất; Tổng thầu mạnh nhất và Nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nhất”. Đặc biệt, Hồ Minh Hoàng tiếp tục hoạch định chiến lược, chính sách dài hạn bằng việc đầu tư ra nước ngoài, thành lập Công ty Đèo Cả California (USA) nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào các dự án tại Việt Nam thông qua Tập đoàn Đèo Cả - một bước phát triển mới trở thành công ty đa quốc gia.

 Chủ tịch Hồ Minh Hoàng phát biểu về định hướng phát triển của Tập đoàn trong cuộc họp tái cấu trúc.

Chủ tịch Hồ Minh Hoàng phát biểu về định hướng phát triển của Tập đoàn trong cuộc họp tái cấu trúc.

Vĩ thanh

Như một cơ duyên, tôi gặp anh trong chuyến thiện nguyện “Tri ân các nhà báo liệt sỹ”. Lòng trắc ẩn của trái tim nhân hậu, sẻ chia là sợi dây gắn kết để anh đồng hành cùng những hoạt động nhân văn đầy ý nghĩa của Hội Nhà báo Việt Nam. Anh trở thành nhà bảo trợ cho hoạt động của Câu lạc bộ Nhà báo nữ. Và mới đây, sau chuyến hành hương về nguồn, anh đã quyết định đầu tư con đường trị giá hơn 3 tỷ đồng vào Khu Di tích tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi cách đây 68 năm Hội Nhà báo Việt Nam ra đời.

Đã có rất nhiều bài báo viết về anh, còn rất nhiều câu chuyện để nói về anh. Với tôi, mỗi khi nghĩ về anh tôi lại nhớ đến câu châm ngôn “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim”. Vâng, Hồ Minh Hoàng đã sống và cống hiến bằng trọn vẹn trái tim tha thiết của mình!

Hà Nội, tháng 10/2018

(*) Trích trong bài thơ “Huyền thoại một cung đường” của tác giả Hồ Minh Hoàng.

Theo Hà Hồng Dương
http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/kho-khan-gian-lao-nuoi-chi-anh-hao-47391