Dấu mốc ấn tượng ở hầm Cù Mông

25/12/2018

Đèo Cù Mông là cung đường đèo cuối cùng thuộc dải đất miền Trung chưa có công trình hầm đường bộ thay thế. Việc xây dựng hầm đường bộ đèo Cù Mông sẽ tạo sự liên kết vùng và phát triển kinh tế Duyên hải Nam Trung Bộ.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả thăm hỏi, động viên công nhân ở công trường dự án hầm Cù Mông - Ảnh: Phó Bá Cường

Đồng thời, có hầm đường bộ sẽ cởi bỏ "nút thắt" cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 1, giảm thiểu tai nạn giao thông trên cung đường đèo hiểm trở bậc nhất cả nước và mở cánh cửa giao thương mọi miền.

Sau hơn 3 năm thi công, hạng mục dự án hầm đèo Cù Mông do Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành với những cột mốc ấn tượng của một công trình của công nghệ Việt, trí tuệ Việt… Tuyến hầm này sẽ rút ngắn quãng đường thay vì đi đường vòng hơn 9km so với hiện nay.

Dự án đã cán đích trước 3 tháng.

Vận hành thử Trung tâm quản lý, giám sát phương tiện qua hầm - Ảnh: H.Hùng

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm chi phí và thời gian trong vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông… Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung hạng mục hầm đèo Cù Mông vào dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư.

Dự án hầm đường bộ đèo Cù Mông được khởi công vào tháng 9-2015, với tổng chiều dài tuyến 6,62km (trong đó phần hầm dài 2,6km; phần đường dài 4,02km), vận tốc thiết kế 80km/giờ, được đầu tư theo hình thức BOT. Công trình hầm Cù Mông có tổng mức đầu tư là 3.921 tỉ đồng, công trình được thực hiện từ nguồn vốn phần tiết giảm của dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Đến nay, công trình hầm đường bộ Cù Mông cơ bản đã hoàn thành, và dự kiến đến ngày 21-1-2019 làm lễ thông hầm đưa vào sử dụng, so với kế hoạch thì dự án đã về đích trước 3 tháng.

Tại dự án này, hầu hết lực lượng tham gia triển khai tại dự án từ tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án, ban quản lý dự án của chủ đầu tư, đến nhà thầu thi công đều là người Việt Nam. Họ đã hoàn toàn làm chủ được những máy móc trang thiết bị, công nghệ hiện đại và hoàn thành công việc vượt kế hoạch, tiến độ.

Thông 2 ống hầm dài 5,2km chỉ sau 21 tháng

Chỉ với lực lượng và thiết bị bằng 1/4 các nhà thầu chuyên nghiệp khác khi mở hầm như hai ống hầm mới chỉ có 1 máy khoan, 1 máy phun, 1 máy xúc lật, 1 máy đào... Nhưng trong thời gian 3 tháng (từ tháng 5-2016 đến hết tháng 7-2016 đối với hầm phía tây và từ tháng 6-2018 đến hết tháng 7-2016 đối với hầm phía đông), đã đào và gia cố cửa bắc hầm Cù Mông được 100m.

Bắt đầu từ ngày 1-12-2016, cùng với thời điểm mở hầm Hải Vân ngày 9-12-2018, bằng việc sử dụng búa khoan xoay lắp vào cần máy đào, đơn vị thi công đã mở cửa hầm phía nam thành công vào mùa mưa

Trong thời gian 21 tháng, đơn vị thi công đã thực hiện thông cả 2 ống hầm với chiều dài tổng cộng là 5,2km. Với độ chênh lệch khi hợp long 2 hầm thi công đối đầu gần như tuyệt đối (chỉ có chênh nhau khoảng 1cm).

Về thi công đổ bê tông vỏ hầm, đạt trung bình 1 block/1 ngày (30 block/1 tháng), đối với các nhà thầu chuyên nghiệp khác thì khoảng 1,5 block/1 ngày (20 block/1 tháng).

Dự án hầm đường bộ đèo Cù Mông là một diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xuất hiện trên dải đất miền Trung luôn oằn mình trong nắng gió và bão lũ. Một triển vọng mới về liên kết kinh tế giữa các tỉnh đang được mở ra, hứa hẹn biến tiềm năng thành hiện thực, đẩy lùi nghèo khó. Tên các đường hầm: Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân… sẽ đi vào lịch sử ngợi ca về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam thời đổi mới, hội nhập.

Theo NGỌC HIỂN
https://tuoitre.vn/dau-moc-an-tuong-o-ham-cu-mong-20181224165133909.htm