Đèo Cả “hiến kế” giải pháp tổ chức triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

26/09/2022

Tại cuộc báo cáo HĐQT và các đối tác trong chuyến thực tế hầm Thung Thi, từ những khó khăn phải giải quyết khi thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả đã nêu những giải pháp để tổ chức triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có hiệu quả.

Theo đó, để hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đúng tiến độ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhận diện và có giải pháp khắc phục những khó khăn gồm: Hồ sơ vật liệu, bãi thải tại hồ sơ mời thầu sai khác nhiều so với thực tế về vị trí, trữ lượng, điều kiện khai thác; nguồn cung vật liệu khan hiếm; biến động giá vật liệu rất lớn những chưa có cơ chế xử lý hiệu quả; năng lực nhiều thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định yếu; nhiều cơ quan liên quan cùng đồng thời giám sát trùng lặp…

Ngoài ra, khi cấp quyết định đầu tư công trình phải xác lập các tiêu chí đánh giá, điều kiện tiên quyết để lựa chọn nhà thầu đáp ứng về năng lực (kinh nghiệm thực tế, thiết bị, tài chính…) và loại bỏ các đơn vị nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực nhưng được gửi gắm.

Trên công trường hầm Thung Thi.

Phân chia các gói thầu phù hợp với năng lực, thế mạnh của các nhà thầu theo các lĩnh vực, tránh việc dàn đều, thực hiện phân chia manh mún nhằm tạo điều kiện để nhà thầu, nhà đầu tư lớn trong nước mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, công suất lớn để nâng cao trình độ, năng lực.

Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm cụ thể giữa các đơn vị liên quan (tránh trường hợp các bên đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến nhà thầu chậm, hoặc không có phương án xử lý); xác lập cơ chế thưởng phạt rõ ràng áp dụng cho các bên liên quan. Chủ trì, kịp thời giải đáp các thông tin phản ánh chưa đúng, công khai minh bạch.

Để triển khai có hiệu quả các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ông Hồ Đình Chung - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nêu kinh nghiệm: Nên tập trung nguồn lực, ưu tiên chi phí để cho công tác tổ chức điều hành sản xuất tại hiện trường, chuẩn bị nguồn tài chính để đảm bảo dòng tiền phục vụ sản xuất trong mọi điều kiện như dự phòng vật liệu như sắt thép, xi măng, nhựa đường… Ban hành các quy chế, quy định kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, có sự giám sát của các bên đảm bảo kiểm soát chi phí được đưa đúng đủ vào công trình. Thành lập tổ kiểm soát chất lượng, tiến độ để thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả khắc phục kịp thời tránh sai sót.

T.M

Nguồn: https://tapchixaydung.vn/deo-ca-hien-ke-giai-phap-to-chuc-trien-khai-cao-toc-bac-nam-giai-doan-2-20201224000013515.html