Gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho Cao Bằng

16/11/2018

Tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được xác định là trục động lực để tỉnh Cao Bằng đột phá phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) trên tuyến biên giới. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp, kế hoạch triển khai nhanh dự án để đưa vào khai thác là hết sức cần thiết.

Cao Bằng "khát" đường cao tốc

Nằm cách Thủ đô Hà Nội gần 300km, tỉnh Cao Bằng có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất (hơn 332km), đầy tiềm năng phát triển KT-XH với nhiều danh lam thắng cảnh (thác Bản Giốc, Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng, động Ngườm Ngao...), nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng (Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo...), hệ thống cửa khẩu dày đặc (Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Cửa khẩu quốc gia Trà Lĩnh...), có tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng. Tuy nhiên, bao năm qua, vùng đất cội nguồn cách mạng vẫn chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi nghèo và khó khăn bậc nhất cả nước. Lợi thế của Cao Bằng chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư, bởi điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

Do đường quanh co, hiểm trở nên Quốc lộ 4A nối hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thường xảy ra tai nạn giao thông.

Để tạo động lực cho phát triển kinh tế tỉnh Cao Bằng, vấn đề cần thiết đặt ra là cần phải có một tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn, từ đó cũng sẽ kết nối được các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn rồi về Hà Nội. Theo đó, tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh dài 144km, quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 47.520 tỷ đồng (tương đương 2,16 tỷ USD) đã được đưa vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Địa hình Cao Bằng chia cắt phức tạp bởi nhiều dãy núi cao, xen kẽ là sông suối, thung lũng hẹp, độ dốc lớn. Từ Hà Nội để lên Cao Bằng, không có lựa chọn nào khác ngoài đường bộ với hai ngả là: Tuyến Quốc lộ 3 (Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng) và theo Quốc lộ 1A từ Hà Nội lên Lạng Sơn rồi theo Quốc lộ 4A sang Cao Bằng, với thời gian di chuyển bằng ô tô khoảng 6-7 giờ. Cả hai tuyến đường này đều đi qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở, núi cao, suối sâu, nguy hiểm luôn rình rập.

Với nhu cầu bức thiết để phát triển KT-XH, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng quyết tâm đề xuất, tìm phương án để sớm xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Tuy nhiên, số vốn dự tính lên tới 47.520 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng sử dụng ngân sách. Do đó, phương án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã được tính đến. Nhưng suốt thời gian dài tỉnh kêu gọi mà không nhà đầu tư nào thiết tha với dự án này. Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đã có một số nhà đầu tư, trong đó có hai nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, nhưng không thực sự muốn đầu tư dự án. Họ chỉ mong muốn tìm giải pháp đốc thúc Chính phủ Việt Nam vay vốn nước ngoài thực hiện dự án để họ được làm nhà thầu thi công. “Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đầu tư cao tốc Trà Lĩnh-Đồng Đăng bằng hình thức PPP là giải pháp tối ưu, vấn đề quan trọng là phải tìm được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực mạnh để triển khai đầu tư”, ông Hoàng Xuân Ánh nhìn nhận.

Phương án khả thi: Giảm một nửa tổng vốn đầu tư

Sau một thời gian bế tắc, vừa qua, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã mời Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp số 1 Việt Nam về làm hầm đèo hiện nay) đến khảo sát, nghiên cứu, lập phương án đầu tư đối với dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Thật bất ngờ, sau khi tính toán, điều chỉnh hướng tuyến tối ưu nhất (cơ bản bám theo hướng tuyến đã theo quy hoạch), đã rút ngắn được gần 30km tuyến cao tốc nói trên so với phương án cũ; tổng mức đầu tư cũng giảm tới gần một nửa, chỉ còn hơn 20.938 tỷ đồng. Theo đó, dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam.

Theo tính toán của Tập đoàn Đèo Cả, vốn nhà đầu tư và vốn vay tín dụng là hơn 13.892 tỷ đồng (chiếm khoảng 64%); vốn ngân sách là 7.546 tỷ đồng (khoảng 33,66%). Dự án dự tính sẽ hoàn vốn trong 25 năm với thời gian triển khai xây dựng trong giai đoạn 2019-2022.

Vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã đề xuất với Chính phủ để được làm cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh theo phương án nói trên. UBND tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập, thẩm định dự án; đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án theo hình thức PPP có sự tham gia của phần vốn Nhà nước (tỷ lệ tương đương dự án đường cao tốc Bắc-Nam). UBND tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tham gia đánh giá, thẩm định việc tài trợ vốn cho dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh để có cơ sở xác định nguồn vốn tín dụng tham gia đầu tư.

Như vậy, cơ hội để Cao Bằng có tuyến đường cao tốc mở lối phát triển đã rất khả thi. Không những thế, tuyến đường cao tốc này sẽ kết nối, hình thành trục phát triển cho các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc. Các bộ, cơ quan liên quan nên sớm vào cuộc, tính toán, báo cáo Chính phủ để ước mơ của chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng sớm trở thành hiện thực.

Theo QUANG PHƯƠNG
http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-nut-that-ha-tang-giao-thong-cho-cao-bang-554585