Hầm Đèo Cả - xóa điểm đen tai nạn giao thông

06/09/2018

Hơn 10 tháng sau khi đưa vào vận hành, khai thác, dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã khẳng định giá trị hết sức to lớn trong việc giúp xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn giáp ranh Phú Yên- Khánh Hòa. Việc khai thác hầm Đèo Cả cũng tạo ra “cú hích” phát triển kinh tế, xã hội cho toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả đã góp phần xóa điểm đen TNGT

Kết nối giao thông…

Trên chiếc xe ô tô khách 9 chỗchạy bon bon trong đường hầm Đèo Cả, tài xế Nguyễn Văn Phúc lái xe khách Cúc Tùng đi tuyến Tuy Hòa - Nha Trang hồ hởi chia sẻ, chỉ 10 phút chạy xe trong đường hầm là đã qua khỏi núi. “Hồi trước, khi dự án mới khởi công, bọn tôi vẫn cứ nghi ngờ và nói với nhau, vài chục năm chưa chắc đã xong. Vậy mà, giờ đã có con đường rộng lớn, an toàn đi xuyên núi. Mỗi lần qua đèo, chiếc xe chúng tôi cứ chạy vun vút”, anh Phúc hồ hởi.

Còn anh Nguyễn Văn Liêm, lái xe khách giường nằm chạy tuyến Tuy Hòa – TP.HCM tâm sự, từ ngày có hầm Đèo Cả, mỗi khi qua đèo, anh thấy nhẹ nhõm chứ không căng thẳng như ngày trước. Khi chưa có hầm, mỗi lần qua đèo, cánh tài xế phải tập trung tối đa. Địa hình cao, liên tục cua gấp và khuất tầm nhìn nên phải luôn cẩn thận với xe chạy ngược chiều bởi qua cua mà xe ngược chiều phóng lên, lấn tuyến là “dính ngay”.

Theo ông Trần Trọng Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Xuân Nam (địa bàn có đường Đèo Cả), tuyến quốc lộ huyết mạch 1A qua Đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có chiều dài khoảng 13 km nhưng có đến 98 vòng cua, trong đó có 10 vòng cua gấp là những “điểm đen” về tai nạn giao thông. Trên cung đường ngoằn ngoèo, quanh co uốn lượn giữa một bên biển vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi đá khổng lồ dựng đứng hiểm trở, mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt phương tiện ì ạch “bò” qua. Mỗi năm trên Đèo Cả xảy ra cả chục vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, từ khi có đường hầm đến nay, địa phương chưa ghi nhận trường hợp va chạm, tai nạn giao thông nào. Tình hình xe lưu thông trên quốc lộ 1A qua Phú Yên - Khánh Hòa luôn thông suốt. Các tài xế cũng bớt đi nỗi ám ảnh tắc đường, kẹt xe, tai nạn giao thông. Đặc biệt trong đợt mưa bão năm vừa qua, tình trạng tê liệt giao thông trên Đèo Cả không còn nữa.

Và phát triển kinh tế, xã hội

Theo ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, suốt thời gian dài các thế hệ lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn khao khát tìm ra giải pháp để khai thông thế bế tắc, phá thế cô lập của tỉnh nhà. “Chúng tôi xác định, để phát triển kinh tế cần thiết phải có một cú hích đủ mạnh. Trong đó, hướng Bắc và Nam phải được liên thông, kết nối kinh tế vùng qua hai hầm đường bộ Đèo Cả và Cù Mông”, ông Việt nói.

Ông Việt khẳng định, việc đầu tư hai tuyến hầm Đèo Cả và đèo Cù Mông đã giúp Phú Yên kết nối giao thương, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Thời gian qua đèo được rút ngắn từ 45 phút xuống còn hơn 10 phút, đã giải quyết triệt để và xóa bỏ những điểm nguy hiểm ùn tắc giao thông. Hơn thế, công trình hầm Đèo Cả còn giúp nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông giữa miền Trung và khu vực phía Nam, đặc biệt giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tạo đà phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch khu vực duyên hải miền Trung, đảm bảo an ninh quốc phòng miền Trung - Tây Nguyên. Giao thông thuận tiện đã giúp cho Phú Yên mở rộng cánh cửa du lịch. Lượng du khách đến với Phú Yên đã tăng đáng kể. Trong năm 2017, lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng mạnh, với khoảng 1.404.000 lượt khách, đạt 117% so với kế hoạch, tăng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế có 35.500 lượt.

Theo XUÂN HƯỚNG
http://baovanhoa.vn/X%C3%A3-h%E1%BB%99i/ham-deo-ca-xoa-diem-den-tai-nan-giao-thong