Hầm Hải Vân - chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất VN:

Kỳ 2 - Người 'chấm hoa hậu' trong hầm tối

23/12/2021

TTO - Từ phải thuê giá rất cao và phụ thuộc hoàn toàn chuyên gia nước ngoài, kỹ sư Việt đã dần hoàn toàn nắm vững kiến thức, tổ chức và thực hiện đào hầm vốn dĩ khó đến mức ngặt nghèo.

Hầm Hải Vân - chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất VN - Kỳ 2: Người chấm hoa hậu trong hầm tối - Ảnh 1.

Cuộc hội ý đầu ngày tại "tổng hành dinh" do kỹ sư Bùi Hồng Đăng (bìa trái) chủ trì - Ảnh: THÁI LỘC

Thử thách khắc nghiệt

Những kỹ sư này chính là các "thỏi vàng" của ngành đào hầm Việt Nam. Chúng tôi đã chứng kiến công việc và trao đổi với những người "xuất sắc nhất" khi đang trực tiếp chỉ huy thi công tại công trường hầm Hải Vân 2.

Trở lại cửa phía nam hầm Hải Vân 2, lúc 14h17 ngày 26-6-2019, "bùm, bùm...", tiếng nổ mìn vọng ra. Chúng tôi chờ làn bụi khói mù mịt tuôn hết ra miệng hầm sau ít phút rồi lên xe tiến vào hầm. Kỹ sư Vũ Sĩ Chiến - "thủ lĩnh" gói đào phía nam này - cho biết gói đào có số hiệu XL.2 dài 3.122m, lúc ấy đang được khoan nổ mấy trăm mét cuối cùng để hợp long với gói XL.1 từ phía bắc.

Ngồi trên xe, chúng tôi gặp lại cảm giác rất lạ lùng như ngày đầu tiến vào hầm để chứng kiến việc nổ mìn ở gói đào phía bắc. Đó là sự thăm thẳm, hun hút, vương chút rờn rợn, có lẽ do ánh sáng phản chiếu của hàng đèn led lên mấy đoạn vòm đã được gắn lớp nhựa chống thấm.

Càng vào sâu, nhất là đoạn cuối chỗ gương hầm, môi trường vô cùng khó chịu với sức nóng, khói bụi, độ ẩm và tiếng ồn quá lớn. Kỹ sư Chiến vừa khua tay, vừa nói mà như hét điều gì đó với người phụ trách đang cầm đèn pin chỉ huy đoạn gương hầm.

Chỉ quan sát, ghi hình mà quần áo đã ướt dầm, mệt lử và khó thở, chúng tôi lên xe trở ra phía miệng hầm. Khi xe chui qua lỗ giữa giàn giáo dài chừng 15m tròn theo vòm hầm, kỹ sư Chiến cho xe dừng lại kiểm tra việc đổ bêtông vỏ hầm. Tôi leo lên giàn giáo để xem mấy công nhân, người thì canh việc hút bêtông, người cầm ống phun vào thành hầm, người thì cầm máy rung để đảm bảo bêtông dẻo len lỏi các ngách đá...

Theo diễn giải của kỹ sư Chiến, vì vỏ hầm không chịu lực, chỉ mang tính "trang trí" nên công trình chỉ phun bêtông lỏng với vật liệu rất nhỏ, còn gọi là bêtông "béo" dày khoảng 30cm, không sắt thép.

Xe tiếp tục dừng lại đoạn đông người dưới hố sâu chạy dài mấy chục mét, đó là điểm 1.844m tính từ cửa nam. Kỹ sư Chiến cho biết đoạn "sự cố" trên do địa chất rất yếu nên được các kỹ sư kiểm tra từng mảng đất đá để có giải pháp xử lý ổn định. Trong lòng núi Hải Vân mấy ngàn mét này, ngoài đục xuyên những khối đá cứng, việc bắt gặp những đoạn địa chất "vò nhàu", đất yếu, có khi gặp cả túi bùn lớn rất thường diễn ra. Có những đoạn kết cấu phức tạp gây khó khăn cho công việc nổ mìn đã đành, việc thi công vỏ hầm cũng rất phức tạp, có nhiều đoạn phải làm vòm ngược để chịu lực xe cộ chạy trên mặt hầm...

Kỹ sư Chiến là một cựu binh, nay 65 tuổi, kinh qua nhiều hầm thủy điện như Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh, Đắk Tít, Đắk Sin... Ông cũng đào nhiều hầm đường bộ xuyên núi như Phú Gia, Phước Tượng, Cù Mông, Đèo Cả... Tuy nhiên, công trình khó và có nhiều thử thách nhất vẫn ở hầm Hải Vân 2 này với điều kiện nổ mìn thi công phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hầm 1 đang vận hành trong khoảng cách quá gần. Tiến độ đặt ra cũng gắt gao trong khi mỗi ngày chỉ được phép nổ mìn 2 lần (từ 3h-4h và 13h13-13h45).

Ông Chiến diễn giải dù thi công cùng lúc rất nhiều phần việc, nhưng công trường luôn đảm bảo gọn gàng, thông thoáng chính nhờ cách tổ chức bài bản, hợp lý của kỹ sư Bùi Hồng Đăng: "Cậu ấy còn trẻ mà rất giỏi, công trình được như thế này nhờ công chính cậu ấy"...

Hầm Hải Vân - chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất VN - Kỳ 2: Người chấm hoa hậu trong hầm tối - Ảnh 2.

Kỹ sư Vũ Sĩ Chiến, người chỉ huy gói phía nam hầm Hải Vân 2 - Ảnh: THÁI LỘC

Nghề... "chấm hoa hậu"

Tại "tổng hành dinh" nằm ngay dưới chân cầu Lăng Cô lúc 7h sáng, cuộc hội ý đầu ngày diễn ra một cách chóng vánh dưới sự chủ trì của vị tổng chỉ huy Bùi Hồng Đăng.

Sau báo cáo của đại diện gói XL.1 mũi phía bắc và gói XL.2 mũi phía nam hầm, kỹ sư Đăng bàn nhanh phương án nổ mìn và mấy phần việc khác trong hầm. Anh quay sang: "Vật tư thế nào?". "Báo cáo, cần ốc, buloong, và..., xin cho nhập hàng tại Đà Nẵng, chứ hàng Sài Gòn cũng vậy mà phải chờ". "Ok". "Còn điện, nước?". "Vâng, tất cả đúng tiến độ, đang cần xe nâng!". "Nếu xe nâng chưa kịp điều sang thì anh em có thể dùng máy khoan mà treo dây điện lên. Ok". "Còn hành chính, kế toán?"... "À, các hồ sơ chuẩn bị công tác hoàn công làm nhanh đi, nếu không thì không kịp đâu"...

Sau chừng 20 phút hội ý nhanh, mọi người tỏa đi công trường, kỹ sư Đăng tiếp tục lướt điện thoại. Anh kiểm tra từng group chat, từ nhóm lãnh đạo, quản lý và các nhóm khoan - nổ mìn, đổ bêtông, địa chất - trắc đạc, vật tư, điện, nước, nhân sự, xe, bếp... Phần nhiều công việc được anh chỉ đạo sau tương tác trực tiếp. Những điểm nóng, điểm khó thì anh có mặt kịp thời để quyết nhanh giải pháp.

Kỹ sư Đăng nay 41 tuổi, từng "học nghề" đào hầm các chuyên gia Nhật Bản tại thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng). Sau đó, anh tham gia đào hầm đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cù Mông, Đèo Cả. Người tổng quản lý công trình đào Hải Vân 2 này được nhiều chuyên gia khen ngợi ở sự chắc nghề, chín chắn, nhanh nhạy, quyết liệt, từ cách quản lý, tổ chức công trường, đặc biệt là những lần quyết táo bạo. Có trường hợp, phần lớn kỹ sư chọn bước đào 2m, song kỹ sư Đăng quyết 3m, thậm chí dài hơn. Nhiều lần đạt kết quả an toàn như thế góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc và nâng uy tín trong nghề.

Kỹ sư Đăng nói tếu nghề đào hầm chẳng khác công việc "chấm thi hoa hậu", giải pháp đào như thế nào thường phụ thuộc vào quyết định của vị chỉ huy công trường là chính. "Trong chấm hoa hậu, chỉ có vài chỉ tiêu là có thể định lượng được, còn lại đều bằng mắt (định tính - PV) hết. Làm hầm cũng vậy, ông nào chấm kiểu gì cũng không cãi được nhau" - kỹ sư Đăng cười.

Trước một gương đào, có vị kỹ sư bảo tính chất nguy hiểm, nhưng vị khác khẳng định "không vấn đề gì" là chuyện thường. Bởi lẽ không ai biết đích xác kết cấu đất đá đằng sau mặt gương ấy thế nào, cho nên tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm và quá trình học hỏi để đánh giá và quyết định giải pháp, độ dài bước đào.

Anh nói mình thật may mắn khi được "truyền ngón, truyền nghề" bởi một người Nhật đáng kính, đó là kỹ sư Sato, rất nổi tiếng trong giới đào hầm, từng tham gia đào hầm Hải Vân 1. Tham gia vài công trình với vị kỹ sư người Nhật rất giỏi này, anh may mắn được thường xuyên chuyện trò, trao đổi, dần dần hóa thân thiết. Thế là trong nhiều phần việc quan trọng, làm gì anh cũng được kỹ sư Sato dẫn theo và hướng dẫn, truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu.

"Thực ra người Nhật cũng giấu (nghề) chứ không dễ đâu; tại công trường làm hầm Đèo Cả, khi họp bàn về công nghệ thì người Nhật họp với nhau. Mình may mắn được bác ấy quý truyền nghề cho hết" - kỹ sư Bùi Hồng Đăng chia sẻ.

"Kỹ sư Bùi Hồng Đăng còn trẻ nhưng đã rất trưởng thành trong nghề, anh không những có khả năng làm chủ công nghệ đào mà đã có rất nhiều những sáng tạo trong tổ chức. Có những đề xuất và quyết định bước đào dài hơn của anh, nhiều người cho là liều lĩnh, nhưng không phải đâu. Chỉ có những người đam mê như anh, vừa làm chủ được công nghệ, các vấn đề kỹ thuật và có kinh nghiệm nhất định mới quyết làm như vậy, tạo nên những giá trị ghê gớm" - PGS.TS Trần Chủng, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).

THÁI LỘC

Nguồn: tuoitre.vn