Hầm Hải Vân, Đèo Cả không chỉ là chuyện kinh doanh

29/10/2018     58

Hầm Hải Vân, Đèo Cả có nguy cơ phải ngừng hoạt động vì mất cân đối tài chính. Một công trình lớn như Hải Vân mà nợ 2 tỉ đồng tiền điện không trả được thì quả thật là lớn chuyện rồi.

Hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh K.H
Hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh K.H

Ngoài nợ tiền điện, Cty CP Đầu tư Đèo Cả còn nợ luôn chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân 1.

Theo lãnh đạo Cty CP Đầu tư Đèo Cả, do buộc phải tuân thủ quy định tại Thông tư 35/2016 nên từ khi hầm Đèo Cả tiến hành thu phí từ 3.9.2017 đến nay, mức phí nhà đầu tư thu thấp hơn rất nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt, làm thâm hụt lớn nguồn thu và gây thiệt hại cho dự án. Nhà đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc nhưng suốt thời gian dài chưa được giải quyết.

Hầm Hải Vân cũng trong tình trạng tương tự, giai đoạn 1 đã hoàn thành hơn 1 năm với giá trị trên 1.200 tỉ đồng. Nhà đầu tư cũng đã ứng hơn 315 tỉ đồng cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ năm 2016 đến nay. Giai đoạn 2 đã đào được 60% chiều dài hầm, đảm bảo tiến độ. Theo phương án được Bộ GTVT phê duyệt, trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ được thu phí từ ngày 1.1.2017, nhưng do vướng mắc với trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia (trạm Bắc Hải Vân) đặt tại cửa Bắc hầm Hải Vân, cách vị trí trạm Nam Hải Vân khoảng 12km, dẫn tới không thể thu phí tại trạm Nam Hải Vân.

Không thu phí được thì không có kinh phí để quản lý, vận hành, đến mức bị Điện lực Liên Chiểu phát văn bản đòi nợ.

Bộ GTVT loay hoay mãi không giải quyết được những vướng mắc này, khiến cho doanh nghiệp ngày càng khốn đốn, có nguy cơ phải “đóng cửa” hầm vì không có tiền nuôi bộ máy, trả lương cho người lao động.

Hầm Hải Vân, Đèo Cả là hai công trình hầm đường bộ dài nhất Việt Nam, nó không đơn giản chỉ là chuyện kinh doanh, lời lỗ của các nhà đầu tư, mà mục đích là giải quyết hai nút giao thông quan trọng trên tuyến đường bộ Việt Nam.

Quan trọng vì nó rút ngắn thời gian lưu thông, và đặc biệt là giảm tối đa tai nạn giao thông so với trước đây khi các loại phương tiện giao thông đi qua hai ngọn đèo nguy hiểm này. Cho nên, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải bảo đảm hai hầm vận hành liên tục và
an toàn.

Muốn được như vậy, trước hết Bộ GTVT phải thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư đã được nêu trong hợp đồng.

Bộ GTVT phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nói là làm, giữ chữ tín, nếu không thì chẳng ai dám đứng ra làm ăn với Nhà nước.

Theo LÊ THANH PHONG
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ham-hai-van-deo-ca-khong-chi-la-chuyen-kinh-doanh-638491.ldo