Hợp tác công tư trong BOT cần bình đẳng theo luật

08/11/2019     32

(Nhàđầutư) Tọa đàm 'Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP' diễn ra sáng 8/11/2019 có sự tham dự của lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương và đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn, doanh nghiệp.
anh toa dam ppp

Sáng 8/11, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP” nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và nhà đầu tư thảo luận trao đổi ý kiến về hoàn thiện cơ sở pháp lý và giải pháp nhằm thúc đẩy các dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

_0 atdedit

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn nhấn mạnh: Tạo đột phá về kết cấu hạ tầng (KCHT), trong đó có KCHT GTVT là một trong 3 đột phá chiến lược đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

_0 atbttuan

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong gần một thập kỷ qua, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo nên bước đột phá đó. Phương thức đối tác công tư đã mở ra cơ hội và tạo điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển KCHT.

Riêng lĩnh vực GTVT, đến nay đã thu hút được 220 dự án theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư 387 ngàn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án đã được hoàn thành góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống KCHT giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thu hút vốn và chất lượng các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc hiện thực chủ trương khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP nói chung và đầu tư theo phương thức PPP vào lĩnh vực GTVT nói riêng còn bộc lộ không ít bất cập, hạn chế; kết quả thu hút vốn và chất lượng các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, nhất là nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào KCHT GTVT chưa đáng kể!

Nhiều dự án PPP gặp không ít vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến tình trạng triển khai chậm, kém hiệu quả và xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ công, tạo dư luận tiêu cực về dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đánh giá của cả các chuyên gia và các nhà đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên là do cho đến nay chưa có một khung khổ pháp lý cao nhất và rõ ràng, đầy đủ cho nhà đầu tư theo phương thức PPP.

Hoạt động đầu tư theo phương thức PPP chịu sự điều chỉnh của Nghị định Chính phủ và quy định của các luật khác, mà chưa có một luật riêng về PPP.

Cũng chính vì vậy, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rất lớn vào dự Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến trong vài ngày tới, đồng thời mong muốn được tiếp tục góp ý kiến để dự luật phù hợp với điều kiện và đòi hỏi thực tiễn của nước ta, thực sự tháo gỡ được các vướng mắc, pháp lý diễn ra trong thời gian qua.

Đó cũng chính là lý do Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP” hôm nay.

"Chúng tôi tin tưởng rằng với sự tham dự của Ban soạn thảo Luật, các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, các chuyên gia kinh tế và luật pháp, đặc biệt là các nhà đầu tư đã từng cọ xát, “vật lộn” với thực tiễn các dự án của mình, Tọa đàm hôm nay sẽ thảo luận, làm rõ hơn những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong Dự Luật Đầu tư PPP, góp thêm những thông tin và khuyến nghị để dự luật được hoàn chỉnh với chất lượng cao nhất", ông Tuấn nói.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng sẽ thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các rào cản khác, thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP vào lĩnh vực KCHT GTVT theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vướng mắc một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tuần trước.

Chưa có văn bản cấp luật đủ mạnh, đảm bảo để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn

Phát biểu chào mừng tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết sau nhiều năm triển khai, hình thức đầu tư PPP nói chung và BOT nói riêng đã có sự đóng góp quan trọng, nhất là với quá trình xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông trên cả nước.

_0 atdPPPNguyenNhat

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật. Ảnh Trọng Hiếu

Tổng vốn đầu tư các dự án BOT đến nay vào khoảng 210.000 tỷ đồng, bổ trợ đáng kể cho ngân sách đang rất hạn hẹp.

Dù vậy, việc áp dụng hình thức BOT cũng đã phát sinh nhiều cái chưa được, một phần không nhỏ do khung pháp lý cho hình thức này trước này chỉ qua các nghị định, thông tư, quyết định mà chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh, đảm bảo để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, khi mà các dự án thường kéo dài từ 15-20 năm, là một thời gian rất dài đi kèm với mức độ rủi ro cao.

"Về những bất cập này, trong hai năm 2018-2019, chúng tôi đã tiếp 125 đoàn làm việc, thanh kiểm tra về các dự án PPP và rút được ra rất nhiều bất cập trong các dự án này. Hiện nay, Bộ GTVT đánh giá cao dự luật PPP với sự chủ trì của Bộ KHĐT và sự góp ý của nhiều bộ, ngành khác", ông Nhật nói.

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu: Nhiều điểm đột phá trong luật đầu tư theo phương thức PPP

Giới thiệu tổng quan dự thảo Luật PPP sắp sửa được trình Quốc hội xem xét, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết các quy định hiện nay về lĩnh vực PPP mang tính chất vay mượn từ các văn bản cấp nghị định trở xuống trước đây.

Thực tế triển khai đến hết năm 2018 có 316 dự án PPP với tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là hai lĩnh vực BT và BOT.

Không thể cho rằng nhà đầu tư thấy lĩnh vực này ngon ăn, bởi bản chất doanh nghiệp chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào hấp dẫn. Trong khi nhiều loại hình hợp tác khác như BOO, BTL... chưa có cơ chế khuyến khích nên mức độ rủi ro cao, chưa hấp dẫn là chuyện bình thường.

Dự luật gồm 11 chương và 112 Điều. Một trong những nội dung quan trọng nhất là đảm bảo đồng bộ với các luật khác, song vẫn phải mang tính đặc thù, tránh việc xung đột trong áp dụng các luật liên quan.

Khác với Nghị định 63 không hạn chế lĩnh vực đầu tư, Luật PPP sẽ khu biệt, tránh đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực vào 7 lĩnh vực thiết yếu, và yêu cầu vốn lớn.

Khâu thẩm định cũng sẽ được siết chặt nhằm hạn chế thực trạng thẩm định sơ sài, mang tính thủ tục, không đúng bản chất như trước đây. Về loại hợp đồng, phân ra làm 3 nhóm: Thứ nhất: thu phí trực tiếp từ người sử dụng; thứ hai là nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư; thứ ba là dùng các tài sản công đổi công trình.

Một trong những hình thức được quan tâm là loại hình thứ ba, hay được biết đến là BT. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn duy trì mô hình BT như Trung Quốc hay Đức. Mỗi một nước có một cơ chế riêng nhưng mô hình là tương đồng với nhau.

Về hình thức này, quan điểm của Chính phủ thiên về hai phương án, Gộp cả dự án BT và đối ứng lại đấu một lần, hoặc doanh nghiệp làm dự án BT và ứng vốn giải phóng mặt bằng cho dự án đối ứng, sau này đấu giá dự án đối ứng nếu doanh nghiệp đó trúng thì trừ đi số tiền đã ứng ra.

Về các dự án BOT, Luật PPP quy định nếu dự án thu phí trực tiếp từ người dân thì không áp dụng nâng cấp, cải tạo đối với đường giao thông.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Quản lý Cục Đấu thầu cũng cho biết: Dưới chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, trong thời gian hơn một năm vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan chủ trì soạn thảo) đã khẩn trương tổ chức đánh giá, tổng kết, tổ chức nhiều sự kiện dưới nhiều phương thức nhằm tham vấn đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư, đối tác phát triển, tổ chức tín dụng, tư vấn để kịp thời hoàn thiện dự án Luật PPP bảo đảm yêu cầu chất lượng và tiến độ.

_0 atdtruongcdt

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ KHĐT, Thư ký Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh Trọng Hiếu

Dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này (tháng 11/2019) được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa các quy định tốt đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách, định hướng mới, cụ thể:

Về lĩnh vực đầu tư: Từ thực tiễn triển khai PPP tại nước ta, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo PPP trên thực tế hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc đã triển khai ổn theo các phương thức đầu tư khác (xã hội hóa, đầu tư tư nhân).

Tuy nhiên, để bảo đảm linh hoạt trong thực tiễn điều hành, Chính phủ đề nghị có quy định mở đối với trường hợp phát sinh về lĩnh vực cần thiết trong thực tiễn, Bộ, ngành, địa phương được đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung mới nhưng bảo đảm phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công).

Về quy mô đầu tư dự án PPP: Dự án PPP có hợp đồng dài hạn, phức tạp nên chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao; do đó, các dự án PPP quy mô nhỏ sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính hay nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm tới các dự án có quy mô đủ lớn.

Do vậy, dự thảo Luật cần quy định quy mô tối thiểu cho các dự án PPP nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng quan trọng, hạn chế đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực (cho các dự án quy mô nhỏ như hiện nay). Các dự án có quy mô nhỏ có thể lựa chọn các phương thức khác với thủ tục đơn giản hơn (như xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư tư nhân...) theo đó vẫn bảo đảm được cơ hội thu hút vốn đầu tư tư nhân cho các dự án quy mô nhỏ ở địa phương. Từ phân tích nêu trên, Dự thảo Luật PPP được Quốc hội xem xét theo hướng quy định quy mô tối thiểu của các dự án PPP từ 200 tỷ đồng, Chính phủ sẽ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực.

Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư: Quy định cho dự án PPP cần được thống nhất với thẩm quyền của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư hiện hành (cũng như định hướng Luật Đầu tư sửa đổi). Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP bao gồm 3 cấp: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không bao gồm cấp Hội đồng nhân dân (như Luật Đầu tư công) vì trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị dự án PPP, các nội dung về sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên, giá/phí dịch vụ… đã được trình Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua phù hợp, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Về Hội đồng thẩm định dự án PPP: Khác với dự án đầu tư công, dự án PPP thường phức tạp, nhiều rủi ro và phải cam kết dài hạn với nhà đầu tư. Do đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc và hạn chế trong thực tiễn thẩm định dự án PPP trong thời gian qua, Dự thảo Luật đề xuất cơ chế Hội đồng thẩm định các dự án PPP. Tùy theo quy mô, tính chất, yêu cầu dự án, Hội đồng thẩm định có các cấp khác nhau như các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì phải được xem xét bởi Hội đồng thẩm định nhà nước; đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án PPP.

_0 tdanhmh

Khác với dự án đầu tư công, dự án PPP thường phức tạp, nhiều rủi ro và phải cam kết dài hạn với nhà đầu tư. Ảnh minh họa.

Về trình tự thực hiện dự án PPP: Quy trình chung thực hiện dự án PPP theo quy định hiện hành đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, cụ thể bao gồm các khâu: (i) Chuẩn bị đầu tư; (ii) Lựa chọn nhà đầu tư; (iii) Thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng; (iv) Triển khai thực hiện dự án. Đối với giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung một chương về nội dung này (Chương III) và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu 2013. Tại dự thảo Luật lần này, các trường hợp chỉ định nhà đầu tư được thu hẹp so với quy định hiện hành.

Ngoài ra, Dự thảo Luật thiết kế quy trình đặc thù cho: (i) Dự án ứng dụng công nghệ cao (ví dụ các dự án BOT điện, xử lý rác thải công nghệ cao, dự án có phương án kinh doanh mới theo xu hướng 4.0...), tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi quyết định chủ trương đầu tư; sau đó nhà đầu tư trúng thầu sẽ tổ chức lập FS và thực hiện hợp đồng; (ii) Dự án BT chỉ được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán.

Về các loại hợp đồng PPP: Dự thảo Luật cơ bản kế thừa Nghị định 63/2018/NĐ-CP với 7 loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: (i) thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; (ii) nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; (iii) đổi nguồn lực công lấy công trình – BT. Để bảo đảm quyền lựa chọn của người dân, người sử dụng, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, dự thảo Luật (khoản 6 Điều 40) quy định: Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng. Riêng đối với loại hợp đồng BT, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai loại hợp đồng này với các quy định chặt chẽ, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng 03 cách thức sau: (i) Bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; (ii) Bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác và (iii) Bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công.

Về cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP: Khi dự án PPP sử dụng hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn tư nhân, một số ý kiến cho rằng cần phân tách rõ phần “vốn công” và phần “vốn tư” để thuận lợi cho công tác quản lý, hậu kiểm (tránh tâm lý e ngại của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài). Do đó, Dự thảo Luật quy định 02 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, cụ thể: (i) Tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; (ii) Giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng.

Về hoạt động của doanh nghiệp dự án: Dự thảo quy định các nội dung đặc thù của doanh nghiệp dự án PPP, bảo đảm đồng bộ với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau: (i) Doanh nghiệp dự án PPP được thành lập cho mục đích duy nhất là thực hiện dự án PPP theo hợp đồng được ký kết; (ii) Doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng; (iii) Doanh nghiệp dự án PPP không được phát hành cổ phiếu đại chúng.

_0 atdminhhoaduanppp

Nhà nước cần có các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân. Ảnh Lê Tiên

Về quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP: Đối với phần vốn đầu tư công được sử dụng trong dự án PPP: (i) Trường hợp được tách thành một dự án thành phần, thì sẽ được thực hiện thủ tục quyết toán theo quy định của pháp luật về đầu tư công; (ii) Trường hợp được giải ngân theo hạng mục/gói thầu cụ thể quy định tại hợp đồng PPP, thì giá trị hạng mục/gói thầu đã giải ngân cho doanh nghiệp dự án được kiểm toán định kỳ, sau đó tổng hợp làm giá trị quyết toán.

Bên cạnh đó, đối với vốn của nhà đầu tư, chi phí đầu tư được quyết toán là chi phí xây dựng công trình được xác định tại hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư và các chi phí về lãi vay, dự phòng (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình, hệ thống hạ tầng trước thời hạn hoặc tiết kiệm được chi phí đầu tư được xác định tại hợp đồng, thì không phải điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ.

Về các cơ chế bảo đảm của Chính phủ: Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường. Nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế: (1) Cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ; (2) Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Các cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt quan trọng (do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư), trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành cấp trung ương chứ không áp dụng tràn lan cho mọi dự án PPP. Riêng đối với cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm một số nước cung như thực tiễn triển khai một số dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua để đề xuất mức đảm bảo cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam (sau khi trừ số chi tiêu hợp lý) như trong dự thảo Luật.

Đối cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tại dự thảo Luật, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét cơ chế chia sẻ rủi ro: (i) Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; (ii) Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Phải làm rõ được cơ chế bảo lãnh cho nhà đầu tư

_0 atdnguyenmai

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại. Ảnh Trọng Hiếu

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: "Nếu chúng ta đang làm việc quan trọng thì cần phải huy động vốn rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn cứ ngại không dám mở ra cơ chế có thể huy động được".

Ông cho biết thêm: Chúng ta mất 5 năm trong việc đề ra cơ chế nước sạch, năng lượng nhưng cho đến năm 2017 mới có quyết định về giá điện mặt trời. Chúng ta cần vốn, nhưng nếu không có đột phá về cơ chế thì không thể và việc mở ra một cơ chế cho nhà đầu tư còn rất lúng túng.

Cơ chế bảo đảm quan trọng nhất là nhà đầu tư được Bộ GTVT và địa phương bảo đảm lộ trình thu phí. Xung đột giữa NĐT và người dân địa phương sẽ gây lỗ cho nhà đầu tư. Mong rằng cơ chế đảm bảo này sẽ rõ ràng hơn, cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trong luật đầu tư PPP chúng ta cần làm rõ cơ chế bảo lãnh, nhà nước phải cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch.

Trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thể nói cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nội dung quan trọng nhất. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Khâu quan trọng nhất tôi cho rằng đấy là khâu tổ chức thực hiện, bởi dù có tốt đến mấy nhưng khâu tổ chức của chúng ta không hiệu quả thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình đấu thầu thực hiện dự án, không sòng phẳng trong quan hệ công tư.

Cùng với đó mô hình tài chính của dự án PPP là bài toán khó nhất bởi rủi ro đầu tư dài hạn, tính nhạy cảm về chính trị và xã hội của kết cấu hạ tầng. Ra quyết định đầu tư là khâu đầu tiên quan trọng nhất bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

Tình trạng lãng phí bắt nguồn từ cơ quan ra quyết định đầu tư không dựa trên cơ sở khoa học theo phương pháp hệ thống và toàn diện. Dự thảo cũng cần lưu ý bố trí đủ nguồn lực cho từng dự án trên cơ sở lợi nhuận khả thi để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.

“Không nên khởi công dự án khi chưa đảm bảo nguồn lực mà cần phải quy định chặt chẽ cho vấn đề này”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước tham gia quá trình đấu thầu cần công khai minh bạch thông tin, nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, năng lực thẩm định lựa chọn nhà thầu, theo dõi giám sát thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện.

Có cơ chế hữu hiệu để tổ chức xã hội, chuyên gia kinh tế, luật pháp, cộng đồng dân cư tham gia dự án PPP. Ngoài ra, lựa chọn nhà thầu có năng lực là tiêu chí hàng đầu.

“Tiêu chuẩn hàng đầu là đã từng làm dự án PPP hiệu quả, kiên quyết không chọn những nhà thầu từng vi phạm nguyên tắc”, Giáo sư Nguyễn Mại nói.

Đừng để các nhà đầu tư 'cô đơn' và phải theo cơ chế 'xin-cho'

_0 atdTranChung

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho biết, tháng 8/2019, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chủ trì và phối hợp cùng đại diện của Bộ GTVT, Sở GTVT tại các địa phương tổ chức chương trình khảo sát 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trải dọc đất nước từ Cần Thơ tới Quảng Ninh trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP.

Thông qua khảo sát, Hiệp hội nhận thấy có nhiều cản trở, vướng mắc với các nhà đầu tư PPP từ thể chế tới cơ chế phối hợp của địa phương có dự án PPP đi qua.

Vướng mắc đầu tiên được nhà đầu tư nhắc đến là thể chế. Đây là băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư PPP, cụ thể là nguyên tắc quản lý chi phí, quản lý vốn.

Trước đây quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công. Hiện nay, đã có những quy định quản lý khác, nhưng dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công về giá định mức, như vậy là rất khó.

Ví dụ doanh nghiệp làm dự án đường miền trung giá thành sẽ cao hơn do địa hình đá cứng hơn so với các địa phương khác. Tới lúc chi phí đội lên, doanh nghiệp lại phải trình xin bổ sung, tăng chi phí.

Vì vậy, Dự thảo luật mới cần rành mạch hơn trong quản lý vốn, nên chia tách vốn đầu tư công và tư để quản lý. Thứ 2 là vướng về quản lý dự án đầu tư.

Hiện nay các dự án PPP bị tham chiếu bởi nhiều luật khác nhau. Dù Dự thảo luật PPP có nói trong trường hợp nhiều luật cùng quy định về một vấn đề liên quan tới PPP sẽ ưu tiên áp dụng theo Luật PPP thì cũng không khả thi.

Bởi các luật liên quan như Luật Xây dựng có nhiều quy định liên quan tới dự án PPP, còn tiền kiểm hậu kiểm, nên gần như các dự án không thể vượt quy định của Luật Xây dựng. Tiếp theo là cản trở về vốn với các dự án PPP.

Hiện nay cơ cấu vốn của các dự án PPP thông thương là 20% vốn chủ sở hữu, 80% còn lại là vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng tuyên bố đã cạn trần cho vay. Như vậy, vốn đầu tư PPP ở đâu ra?

Ngoài vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng thì huy động vốn ở đâu? Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu. Tuy nhiên, phương án này rất khó thực hiện khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn non trẻ. Vì thế cần có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp PPP, như vậy mới khả thi.

Tiếp theo là vướng mắc về hoạt động đấu thầu. Trước đây Luật Đấu thầu chỉ có quy định về đấu thầu các dự án nhà nước. Nhưng nay với PPP là đấu thầu chủ đầu tư, vì vậy nên cân nhắc lại nên lựa chọn nhà đầu tư như thế nào.

Có những quy định gây vướng mắc như lựa chọn nhà đầu tư đã có kinh nghiệm đầu tư. Như vậy thì rất khó và chúng ta cũng sẽ không có hầm đường bộ Đèo Cả như hiện nay.

Cản trở cuối cùng với các nhà đầu tư đến từ chính quyền địa phương. Với hình thức PPP, doanh nghiệp với nhà nước đáng ra phải bình đẳng với nhau trong đầu tư và quản lý.

Tuy nhiên, hiện nay các chủ đầu tư dự án vẫn phải phàn nàn rằng không được đối xử bình đẳng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Đáng ra cơ quan quản lý cần có cơ chế cùng phối hợp nhưng doanh nghiệp vẫn phải đi theo cơ chế xin cho, nhà đầu tư phải xin phép chính quyền làm cái này có được không trong dự án PPP?

Cùng với đó chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hơn với các dự án BOT. Đặc biệt với những trường hợp cố tình gây rối tại các trạm thu phí. Nếu không làm được như vậy nhà đầu tư BOT sẽ rất “cô đơn”.

Doanh nghiệp BOT muốn huy động vốn qua thị trường trái phiếu

_0 atdCanVanLuc

Tiến sĩ Cấn Văn Lực. Ảnh Trọng Hiếu

Bình luận tại cuộc tọa đàm, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng bản chất của PPP là chia sẻ lợi ích công và tư, là chia sẻ rủi ro và là tối ưu hoá lợi ích. Về cơ cấu nguồn vốn, thông thường dự án hạ tầng giao thông sẽ gồm 4 nguồn vốn.

Đầu tiên là vốn tự của chủ sở hữu từ 15-20%; thứ 2 là từ tổ chức tín dụng thông thường chiếm từ 40-50%. Trong đó vai trò quan trọng là Ngân hàng Phát triển với nguồn vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng Phát triển của Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa đáp ứng được vốn cho doanh nghiệp. Trong khi đó các NHTM hiện tại chủ yếu huy động vốn vay ngắn hạn, nếu cho vay dài hạn sẽ đẫn tới rủi ro kỳ hạn, tiềm ẩn nợ xấu.

Thứ 3 là từ thị trường vốn, cụ thể là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình theo thời gian dự án. Nguồn vốn này chiếm khoảng 20% dự án. Cuối cùng là vốn từ các quỹ.

Cái khó nhất hiện nay là cấu trúc tài chính phức tạp. Thông thường quốc tế sẽ có tư vấn để tối ưu hoá nguồn vốn. Chúng ta không thể làm theo hình thức các dự án nhỏ mà không có tư vấn đề tối ưu hoá nguồn vốn.

Theo Dự thảo Luật PPP hiện tại, vai trò vốn nhà nước để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thi công xây dựng. Quy mô và phân loại dự án đang đề xuất ở mức tối thiểu 200 tỷ đồng. Theo tôi như vậy là hơi thấp.

Theo thông lệ quốc tế mức này rơi vào khoảng từ 50-100 triệu USD (tương đương 1.000 – 2.000 tỷ đồng). Việc quy định mức tối thiểu quả thấp vô hình chung sẽ kéo dài thời gian đầu tư dự án. Vì vậy, nên cân nhắc quy định một mức chung theo dải từ mấy trăm triệu hoặc mấy trăm tỷ đến mấy trăm tỷ.

Với quy định coi phát hành trái phiếu là nguồn vốn thứ cấp trong Dự thảo, theo tôi là không phù hợp và cần thiết. Việc huy động vốn theo hình thức nào nên là phương án của doanh nghiệp, quản trọng là tối ưu hoá lợi ích.

Hiện nay việc huy động vốn ngân hàng thương mại đang rất khó. NHNN cũng có quy định vay dự án chuyên biệt, với loại hình doanh nghiệp BOT là xong dự án sẽ giải tán. Với loại hình này rủi ro sẽ lớn hơn doanh nghiệp thông thường với trọng số rủi ro lên tới 160% trong khi doanh nghiệp thường chỉ là 100%, vì vậy việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu là rất quan trọng với doanh nghiệp BOT.

Trong quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro tại Dự thảo Luật cũng cần làm rõ thế nào là dự án PPP quan trọng (đối tượng sẽ được nhận ưu đãi)? Quan trọng là về quy mô hay an ninh?

Về quy định bảo đảm cân đối ngoại tệ cần hết sức cân nhắc. Với quy định 30% của doanh thu, trừ đi chi phí trong nước cần làm rõ 30% hỗ trợ cân đối ngoại tệ ấy lấy ở đâu?

Hiện nay cả Thống đốc và Chính phủ đều chưa đồng tình lấy nguồn dự trữ ngoại hối. Bởi dự trữ ngoại hối là dùng cho những trường hợp nguy cấp quốc gia, còn PPP chỉ mang tính chất đầu tư.

Cùng với đó, theo thông lệ cũng rất ít nước hỗ trợ cân đối ngoại tệ. Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Tôi được biết các nhà đầu tư hiện nay cũng đều yêu cầu chia sẻ rủi ro về doanh thu.

Tuy nhiên, trong Dự thảo luật cũng nên quy định cụ thể trường hợp nào được chia sẻ rủi ro, vì có những nguyên nhân đến từ chủ quan như tham nhũng, quản lý yếu kém dẫn tới thất thu.

Cũng cần có quy định yêu cầu địa phương cần có cơ chế chính sách quản lý rủi ro, phương án quản lý rủi ro. Về nguồn vốn nào dùng xử lý rủi ro, theo tôi nên có một quỹ, quỹ hỗ trợ phát triển PPP.

Quỹ này của nhà nước và có quy định rõ mức hỗ trợ, có thể chạy từ khoảng 20-40% tổng kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Dự thảo cũng nên có một chương mục để quy định về nguồn vốn để thực hiện PPP.

Thay đổi hợp đồng BOT, ai đảm bảo cho quyền lợi doanh nghiệp?

_0 atdKhang

Ông Nguyễn Văn Khang, Phó TGĐ CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO. Ảnh Trọng Hiếu

Ông Nguyễn Văn Khang, Phó TGĐ CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO bày tỏ những khó khăn của doanh nghiệp BOT hiện nay. Cụ thể, sau 20 năm triển khai, song tới năm 2017 mới bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số người chặn xe, phản đối trạm BOT, thì những người này có đại diện cho người dân toàn quốc hay không.

"Từ khi vướng mắc, xung đột xảy ra, chúng ta cứ đổ cho chưa có Luật. Nhưng Luật chưa có thì có phải do lỗi của người dân hay doanh nghiệp hay không?", ông Khang bức xúc nói.

Khi chưa có Luật, thì rõ ràng phải thực hiện theo văn bản pháp luật cao nhất đang có hiệu lực là nghị định. Vậy vừa qua, một loạt dự án giảm phí, miễn phí, chưa cho thu, không cho thu, ảnh hưởng đến hợp đồng nhà đầu tư đã ký với chính phủ, đẩy nhiều doanh nghiệp vào bờ vực phá sản, thì ai chịu trách nhiệm?

Doanh nghiệp chúng tôi coi Bộ Giao thông Vận tải là đại diện của Chính phủ. Hợp đồng giữa hai bên đã ký, chúng tôi muốn các điều khoản phải được tôn trọng, nếu hợp đồng bị điều chỉnh thì nhà nước phải có cách thức giải quyết đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở đâu?

_0 atdThe DeoCa

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh Trọng Hiếu

Ông Trần Văn Thế cho rằng, vẫn còn một vài điểm bất cập trong dự luật PPP. Thứ nhất, quyền tiếp nhận dự án của ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nếu quy định theo dự luật là rất hà khắc cho các nhà đầu tư. Dự luật nên quy định rõ, ở mức nghiêm trọng tới đâu thì tổ chức tín dụng tiếp nhận lại dự án và phải quy định rõ trách nhiệm các bên tiếp nhận lại dự án.

Hai là, nên làm rõ về điều khoản chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo PPP, bởi điều này mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Chứng khoán. Thực tế, Tập đoàn Đèo Cả việc phải xử lý những nhà đầu tư yếu kém đồng hành cùng khi họ không có năng lực là rất khó, và việc này cũng mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp (cho phép nhà đầu tư hay cổ đồng chuyển nhượng vốn góp vào bất kỳ thời điểm nào).

“Ba là, vốn hỗ trợ công trình hệ thống cơ sở hạ tầng, tôi đề nghị cơ quan soạn soạn thảo dự luật tách hẳn ra thành một dự án khác, không nên để chung vào luật PPP nữa”, ông Trần Văn Thế nói.

Ông Thế cho biết, Tập đoàn Đèo Cả cũng đồng tình với việc DN được phép phát hành trái phiếu ngay trong giai đoạn xây dựng để huy động nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thực tế các bên của hợp đồng BOT đều từ chối ký hợp đồng thế chấp. Do đó, việc ký kết văn bản thế chấp thỏa thuận thành lập của các bên hợp đồng BOT là rất khó thực hiện.

Hợp tác công tư trong BOT cần bình đẳng theo luật

_0 atdHue

Tiến sĩ Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp). Ảnh Trọng Hiếu

Đồng quan điểm với đại diện Cường Thuận IDICO, TS. Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh cần bình đẳng trong mối quan hệ dân sự giữa nhà đầu tư với Chính phủ mà đại diện là Bộ GTVT.

Theo ông Huệ, theo hợp đồng đã ký, doanh nghiệp đặt trạm thu phí ở đấy, tại sao một vài người đến đó gây rối, đếm xe.

"Thế hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp với Bộ GTVT có hiệu lực không. Ai bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư lúc này", ông Huệ bức xúc nói.

Các sự việc vừa rồi cho thấy tính tuỳ tiện, chung chung trong thực hiện hợp đồng BOT, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng. Luật dân sự ghi rõ cơ quan nhà nước khi tham gia các hợp đồng dân sự thì phải bình đằng, chứ không phải cơ quan quản lý doanh nghiệp.

Một ví dụ đơn giản, theo quy định hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng khi nhà đầu tư không tuân thủ chỉ 1 điều khoản. Ngược lại, cơ quan nhà nước phải vi phạm nghiêm trọng thì nhà đầu tư mới có quyền chấm dứt hợp đồng được.

Nhiều khoản vay của dự án BOT có nguy cơ chuyển thành nợ xấu

_0 atdVan Anh

Bà Vân Anh, người đại diện cho Ngân hàng Nhà nước. Ảnh Trọng Hiếu

Bà Vân Anh, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua vốn cho các BOT đa số là tư ngân hàng, nhưng nhiều dự án ngân hàng tài trợ doanh thu không đạt như dự kiến, do lộ trình tăng phí không được thực hiện, cùng với đó là yêu cầu giảm phí, mất an ninh một loại dự án.

Điều này dẫn tới nguy cơ nhiều khoản vay của dự án BOT có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Cho đến thời điểm hiện tại ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến.

NHNN đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, các địa phương và Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn không xử lý được dứt điểm.

Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT hiện tại để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Nếu không làm được nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới.

Không nên làm luật theo kiểu 'ban ơn' cho nhà đầu tư

_0 atdSiDung

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh Trọng Hiếu

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh rằng, những dịch vụ công gắn với quyền con người và quyền tự do đi lại, khuôn khổ khái niệm này rất quan trọng để thấy hợp tác công tư là trách nhiệm của nhà nước.

“Đáng ra là nhà nước phải cung cấp nguồn lực nhưng nếu không có thì phải hợp tác để tạo dựng, tức là trách nhiệm cao nhất vẫn là nhà nước, chúng ta đang làm luật theo cách ban ơn cho nhà đầu tư điều này là không nên”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, tôi thấy rằng, BOT bị phản đối vì nhiều nguyên nhân trong đó có việc Nhà nước và nhà đầu tư đang tìm cách hưởng lợi từ người dân bằng việc đưa thêm chi phí vào.

Nhà nước phải bảo đảm công lý, đây chính là nguyên nhân BOT trở nên tệ trong mắt công chúng.

“Không thể có chuyện tôi không đi đường thì tôi không phải trả. Còn những con đường không thể thu phí được thì Nhà nước phải có chính sách để nhà đầu tư có lãi ở đấy và có rất nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ nhà đầu tư trong vấn đề này, không thể nói là không có được”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhà đầu tư nước ngoài được quyền chuyển đổi từ nội tệ sang ngoại tệ

_0 atdCaoVietSinh

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế cho Bộ trưởng KH&ĐT. Ảnh Trọng Hiếu

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Bộ trưởng KH&ĐT lý giải lý do vì sao nhà đầu tư nước ngoài không vào được Việt Nam để đầu tư. "Không phải vì họ không có đủ tiền, mà do Việt Nam vẫn chưa có cơ chế chuyển đổi đồng tiền cho các nhà đầu tư", ông Sinh nói.

Theo ông Sinh, nhiều luật chỉ mới đưa ra một thời gian ngắn đã phải sửa đổi rất nhiều lần, do đó cần phải có biện pháp để một luật có thời gian “sống” dài hơn, ít nhất tồn tại trên 5 năm.

Tiếp là, việc xử lý những vướng mắc vừa qua, nên phân thành hai loại là tích cực và tiêu cực, cái nào cần xử lý và không cần xử lý.

Đa phần các luật tại Việt nam đều do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, điều kiện thực tiễn thay đổi liên tục, nếu giữ quy định cứng sẽ rất khó thực hiện, do đó cần phải có những điều luật quy định chi tiết và linh hoạt hơn.

Ngoài ra, ông Sinh cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn nhận thức chưa đúng về đầu tư. Thực chất, hợp tác công tư có hai khía cạnh, một là nguồn lực và hai là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

“Luật quy định hạn mức quy mô thấp nhất là 200 tỷ, tôi cho rằng việc này sẽ gây ra thắc mắc. Đối với lĩnh vực y tế, giáo dục thì chỉ cần 100 tỷ là đủ, cho nên việc soạn thảo luật cần phải viết sao cho mềm dẻo”, ông Sinh nhận định.

Ông Cao Viết Sinh cũng cho hay, việc công khai minh bạch dự án là chính đáng, tuy nhiên hiện mới chỉ công khai trong đầu tư, chứ chưa công khai trong việc vận hành. Luật cũng cần phải quy định vai trò của ngân hàng phát triển để làm rõ nguồn vốn.

Ngoài ra, cần phải có ban quản lý theo dõi quá trình vận hành của dự án, đứng ra chịu trách nhiệm từ quá trình đầu tư đến quá trình vận hành.

Hợp tác khác với 'ban ơn' cho doanh nghiệp

_0 atdTranDinhThien

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh Trọng Hiếu

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng một bộ phận cơ quan công quyền hiện nay coi hợp tác với doanh nghiệp làm BOT là ban ơn cho họ. "Rõ ràng điều này là rất không nên", ông Thiên nhấn mạnh.

Kể cả trong dự thảo luật PPP có bàn về cơ chế chia sẻ rủi ro, trong đó Chính phủ bù không quá 50% phần hụt thu và hưởng không ít hơn 50% phần vượt. Thì tư tưởng này hoá ra lại theo kiểu lỗ thì chịu ít mà lời thì ăn nhiều. Lợi ích của nhà nước trong các dự án PPP là lợi ích xã hội, lợi ích lâu dài chứ không phải lợi ích tính bằng tiền.

Một khó khăn hiện nay là giá phí. Các doanh nghiệp luôn muốn vòng đời dự án ngắn để nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên sẽ đẩy giá phí cao lên, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp vận tải.

Do vậy, tôi đưa ra phương án vẫn kéo dài thời gian dự án, nhà đầu tư thu phí trong một thời gian, ví dụ là 10 năm, còn nhà nước phụ trách phần còn lại. Áp dụng mô hình này sẽ là giải pháp cho không ít các dự án BOT hiện nay.

Cần làm rõ bản chất của PPP

_0 atd Phuc

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh Trọng Hiếu

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng công tác truyền thông về dự thảo luật này rất quan trọng.

"Khi tôi tham gia làm dự thảo luật này thì tôi thấy khó bởi vấn đề cốt lõi nằm ở tư duy, tư tưởng, tình cảm của người dân và Đại biểu Quốc hội về luật này. Di chứng BOT làm cho người dân và ĐBQH phải suy nghĩ. Do vậy, làm luật thì phải tạo dựng trên nền tảng niềm tin, vì cứ vẽ ra luật thì chắc gì đã thực thi được”, ông Phúc nói.

Ông cũng thông tin rằng khi người dân đang phản ứng với cách làm BOT, thì vấn đề quan trọng ở đây là phải làm sao để cho dân, Quốc hội hiểu rõ.

"Do vậy, tôi cho rằng vấn đề công tác truyền thông rất quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc đăng 1 bài báo là xong được. Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nhà đầu tư còn có cách hiểu khác nhau về bản chất của quan hệ đối tác công tư, do vậy cần phải làm rõ và thống nhất vấn đề còn tồn tại này”, ông Phúc nói.

Doanh nghiệp cần được ưu tiên trong việc huy động vốn

_0 atd KienQH

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, PPP sinh ra từ việc nguồn lực tài chính quốc gia không đáp ứng được mong mỏi của nhà nước vì vậy phải chia sẻ, trong điều kiện xã hội, nhà đầu tư trong nước và quốc tế vẫn có khả năng huy động vốn tốt hơn nhà nước.

Khi so sánh lợi của huy động vốn trong xã hội với việc nhà nước đứng ra bảo lãnh vốn vay cho thấy xu hướng huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác có hiệu quả hơn thì nhà nước sẽ đứng ra nhượng quyền. Lúc này nhà nước có 2 vai, vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà quản lý.

Trả lời tranh luận về ưu đãi ngoại tệ, quyền ngoại tệ, ông Kiên cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bình đẳng, được quyền mua ngoại tệ như doanh nghiệp trong nước.

"Các doanh nghiệp được quyền ưu tiên, khi các cơ quan quản lý nhà nước, kinh doanh tiền tệ không đáp ứng được, cần sự can thiệp của nhà nước thì họ được ưu tiên. Các doanh nghiệp dự án cũng được quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ", ông Kiên nói và cho biết thêm điều này sẽ được quy định tại phần nói về huy động vốn tại luật Doanh nghiệp.

Đích cuối cùng của luật đầu tư PPP là gì?

_0 atd Vinh

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Ảnh Trọng Hiếu

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh rằng cần xác định rõ “đích” cuối cùng của luật PPP.

Theo ông Vịnh, nếu không thống nhất được mục đích của luật thì những quy định cũng không giải quyết được vấn đề.

Đối với việc hợp tác công tư thì phải có bên thứ 3 là dân cư xã hội, do đó dự luật phải giải quyết được mối quan hệ giữa 3 chủ thể là nhà nước - nhà đầu tư - cộng đồng. Từ đó, đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường, nếu thiếu sót trong quá trình đầu tư và vận hành thì cách thức can thiệp và quản lý như thế nào?

Xét về mặt kinh tế phải áp dụng quyền lợi ngang bằng nhau, nếu xảy ra rủi ro phải dựa trên nguyên tắc nào?

“Dịch vụ công phải đảm bảo tính liên tục, không được phép dừng khi phát hiện vô lý, nếu chứng minh được nhà nước hay nhà đầu tư sai thì bên đó phải đền bù vì đây là mối quan hệ kinh tế”, ông Vịnh nói.

Theo ông Vịnh, đích đến là làm sao để thu hút được đầu tư, do đó cần phải có quy định rõ về cách thức tính khoản bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh lợi nhuận.

Bên cạnh đó, dự luật cũng không nên hạn chế về quy mô nguồn vốn, nếu đưa ra quy định cứng thì hình thức đầu tư PPP sẽ không thể thực hiện được.

***

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính Phủ, Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT và đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp.

Tọa đàm được chia làm 2 phần: Phần 1 sẽ có 3 tham luận: "Thực trạng và giải pháp thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP" của GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DNĐTNN; "Những nội dung chính của dự Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)" của ông Nguyễn Đăng Trương – Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ KHĐT, Thư ký Ban soạn thảo - Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; "Giải pháp tháo gỡ rào cản cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTVT theo phương thức PPP" của PGS.TSKH Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Phần thứ 2 sẽ là phiên thảo luận mở, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận trao đổi ý kiến về hoàn thiện cơ sở pháp lý và giải pháp nhằm thúc đẩy các dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

https://nhadautu.vn/hop-tac-cong-tu-trong-bot-can-binh-dang-theo-luat-d29820.html