Khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

28/04/2022     176

Ngày 27-4, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức Lễ khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là tuyến cao tốc dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương) điểm cuối là nút giao An Thái Trung (Tiền Giang).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGỌC PHÚC

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm nay chính là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu đồng bào Vùng ĐBSCL, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm phát triển bền vững khu vực ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trong thời gian tới, Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực cần hành động quyết liệt, tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu, bồi thường – giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các đoạn, tuyến cao tốc kết nối trong khu vực theo quy hoạch.

Đặc biệt là: Khánh thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23km (tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng) và cầu Mỹ Thuận 2 (tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng) trong năm 2023; Phấn đấu để tháng 10 năm nay có thể khởi công đoạn Cần Thơ – Cà Mau dài 109km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2025; Sẽ khởi công đoạn cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng chiều dài 191km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng trên 52.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2025; Đầu tư đoạn An Hữu – Cao Lãnh dài 27km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư đoạn Mỹ An – Cao Lãnh 27 km, dự kiến tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng,… Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng; Đầu tư nâng cấp đoạn Cao Lãnh – Lộ Tẻ 29km, dự kiến tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng; nâng cấp Lộ Té - Rạch Sỏi 51km khoảng 750 tỷ đồng…

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, trong 5 năm tới, sẽ đầu tư hơn 100 ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL, đây là ưu tiên rất lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển ĐBSCL.

“Tôi yêu cầu các địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp … ưu tiên dành nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án; nghiên cứu mô hình, cách làm tại dự án để nhân rộng trong quá trình triển khai các dự án có điều kiện tương tự, góp phần thu hút nguồn lực xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành 3000km đường cao tốc vào năm 2025, 5000km vào năm 2030. Đối với dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả. Bộ GTVT, chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án xây dựng các quy định, hướng dẫn về quản lý vận hành, khai thác công trình, đảm bảo thông suốt, an toàn hiệu quả. Đồng thời, xây dựng bộ máy quản lý vận hành khai thác chuyên nghiệp, hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành, khai thác (thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng, chỉ dẫn giao thông, cứu hộ, cứu nạn…)”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Lễ khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: NGỌC PHÚC

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 7 giờ 30, ngày 30-4, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h. Đây là thời gian để Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc: Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; Máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật; Xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc).

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công vào tháng 11-2009. Sau khoảng 10 năm đình trệ với nhiều lần thay đổi nhà đầu tư, thay đổi tổng mức đầu tư, lùi thời hạn hoàn thành dự án và chỉ đạt 10% khối lượng... Đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau khi tái khởi động, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã huy động hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân… xuyên suốt ngày đêm bám sát việc thi công, nhờ đó, tiến độ được đẩy nhanh.

Toàn tuyến cao tốc dài 51,5km nằm trọn địa phận tỉnh Tiền Giang, trong đó có tới khoảng 45km đi qua vùng đất sình lầy, nền đất yếu… khiến công tác gia tải mất khá nhiều thời gian. Việc gấp rút đưa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào khai thác, vận hành phục vụ người dân là thách thức rất lớn cho chủ đầu tư và nhà thầu khi vừa phải chạy đua tiến độ, vừa giải bài toán về chất lượng. Nhưng với sự nỗ lực của tập thể, sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đến nay, dự án đã hoàn thành được khoảng 98% khối lượng, các hạng mục còn lại chủ yếu là đường gom, trạm thu phí.

Hiện, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang theo dõi thời gian lún của tuyến cao tốc. Trước đó, công ty đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhằm rút ngắn thời gian chờ lún của nền đường như tăng mật độ bấc thấm, giảm khoảng cách cắm bấc thấm từ 2m xuống còn 1,2 - 1,5m…

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng điều tiết giao thông, hỗ trợ xử lý sự cố xảy ra trên cao tốc nếu có. Ảnh: NGỌC PHÚC

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào lưu thông trên tuyến chính, trong khi chờ chỉ đạo của Cục CSGT, lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng điều tiết giao thông, hỗ trợ xử lý sự cố xảy ra trên cao tốc nếu có nhằm hạn chế tối đa ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc lưu thông toàn tuyến. Đặc biệt tại điểm đầu Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối An Thái Trung.

Như vậy, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến đúng theo cam kết với Chính phủ. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hơp cùng UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết các tồn tại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn giao thông, tố chức đánh giá quá trình khai thác để hiệu chỉnh trước khi đi vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

NGỌC PHÚC

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khanh-thanh-cao-toc-trung-luong-my-thuan-809334.html