Nhà báo Nguyễn Đức Hiển:

Nhìn nhận BOT ở nhiều góc độ để tìm được sự đồng thuận

26/10/2018

Hội thảo “BOT - Từ góc nhìn đa chiều” vừa qua do báo Pháp Luật tổ chức đã tạo ra hiệu ứng truyền thông rất lớn. Những ý kiến của đại diện bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhà đầu tư, chuyên gia, khách mời đã góp phần làm cho dư luận có những góc nhìn đầy đủ, chính xác, trung thực hơn về các dự án BOT hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập báo Pháp luật TP. HCM - Trưởng ban tổ chức Hội thảo xung quanh vấn đề này.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển

BOT là cụm từ khá quen thuộc trong xã hội ngày nay, tuy nhiên không phải ai cũng biết BOT là gì, hình thức đầu tư BOT như thế nào. Từ những ý kiến trao đổi của các đại biểu tại hội thảo vừa qua, cần nhìn nhận hình thức đầu tư này như thế nào cho đúng, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Trước hết, phải khẳng định hình thức đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) là một chủ trương đúng đắn và cần thiết của nhà nước đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Thực tế tại Việt Nam, sau hơn 20 năm áp dụng mô hình đầu tư này, chúng ta đã xây dựng được 68 dự án giao thông đường bộ với tổng mức đầu gần 208.000 tỷ đồng. Có nhiều dự án điển hình về đầu tư BOT, khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước cũng như người dân.

Tuy nhiên, tại hội thảo “BOT - Từ góc nhìn đa chiều” một số đại biểu đã không né tránh khi cho rằng, trong quá trình xây dựng, vận hành, BOT cũng xuất hiện nhiều bất cập, gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đánh đồng dư luận, gây hiểu nhầm, ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư BOT chân chính.

Tại hội thảo này, các vấn đề về BOT đã được mổ xẻ, nhìn nhận ở nhiều góc độ để tìm được sự am hiểu, đồng thuận, đồng lòng từ nhà quản lý, nhà đầu tư, cơ quan tín dụng và nhân dân.

Từ những ý kiến, quan điểm của cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhà đầu tư và các chuyên gia, theo ông thì đâu là bất cập lớn nhất trong quá trình đầu tư BOT giao thông thời gian qua?

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Các dự án BOT giao thông được triển khai trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhất là luật về đối tác công tư PPP. Đơn cử, tháng 3 và 4/2015, mới có Nghị định 30 và Nghị định 15 để triển khai các dự án BOT giao thông trong khi chúng ta đã đã triển khai BOT từ năm 1993 và triển khai nhiều từ năm 2008. Do đó, khi triển khai BOT giao thông, Bộ GTVT, nhà đầu tư và các bộ ngành liên quan chưa có kinh nghiệm dẫn tới quá trình nghiên cứu, triển khai chưa giải quyết hết vấn đề.

Hay như, thực hiện Nghị định 108 ưu tiên đầu tư các dự án BOT trên đường hiện hữu, nhưng khi thực hiện, Bộ GTVT cùng các ban ngành chưa khảo sát kỹ nên khi đưa vào khai thác chưa được người dân đồng thuận cao. Ví dụ như dự án BOT Cai Lậy ảnh hưởng đến 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi thực hiện mới chú trọng lấy ý kiến người dân thị xã Cai Lậy, do đó khi đưa vào sử dụng gặp phải không ít phản ứng từ người dân các tỉnh thành khác.

Việc lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã đến dự một cuộc hội thảo về giao thông cho thấy sự cần thiết mở rộng giao thông bằng hình thức đầu tư này tại những địa bàn vùng núi phía Bắc đất nước. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Cao Bằng là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, việc phát triển hạ tầng giao thông là hết sức quan trọng, cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh. Việc lãnh đạo tỉnh dự hội thảo bàn về đầu tư giao thông cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này, cho thấy lãnh đạo tỉnh Cao Bằng rất quan tâm đến phát triển giao thông và cần thiết có đường cao tốc. Tôi tin với những gì lãnh đạo Cao Bằng đang quyết tâm triển khai, địa phương này sẽ sớm có những con đường cao tốc để thông thương, phát triển về mọi mặt.

Ở góc độ truyền thông, theo ông, vai trò của báo chí như thế nào trong việc tuyên truyền đúng về BOT?

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Chỉ riêng tại hội thảo này đã có hơn 50 phóng viên từ các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin, điều đó cho thấy nhu cầu thông tin của người dân đối với lĩnh vực này rất lớn.

Trong thời gian qua báo chí và truyền thông đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu nhiều dự án BOT của nhà nước, góp phần phản ánh những bất cập, bức xúc để cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh quy định, chính sách.

Tuy nhiên, đôi lúc báo chí tập trung phản ánh nhiều đến bất cập, sai sót của các dự án mà ít đề cập đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những công trình BOT thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Để làm tốt nhiệm vụ truyền thông, tôi đồng tình với ý kiến của TS. Trần Bá Dung, Ủy ban thường vụ, trưởng ban nghiệp vụ hội nhà báo Việt Nam là cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan ban hành chính sách với cơ quan truyền thông tại nơi có dự án BOT để nhân dân được biết, coi việc lấy ý kiến của nhân dân trong việc xây dựng, hoạch định dự án BOT là cần thiết. Tiếp nữa, khi ý kiến nhân dân là đúng và cần thiết thì báo chí là kênh khảo sát ý kiến chính thức của người dân, để người dân được phát biểu trong quá trình xây dựng chính sách. Để việc truyền thông đạt hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần cởi mở thông tin với báo chí, tránh việc không công khai thông tin để báo chí phải tìm thông tin qua nguồn tin không chính thức.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

"Đối với những dự án không đạt tiến độ, kém chất lượng thì khâu nào sai, khâu đó chịu trách nhiệm vì trong một công trình có các khâu thiết kế, thi công, giám sát. Về chất lượng tất nhiên trước mắt Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Chúng tôi không đùn đẩy cho ai”.

Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng bộ Giao thông Vân Tải

“Lợi ích của nhà đầu tư phải được ưu tiên số 1, bởi họ là người trực tiếp làm nên dự án; tiếp đến cộng đồng xã hội bao gồm người dân, doanh nghiệp trực tiếp sử dụng tiện ích của dự án; cuối cùng là lợi ích của nhà nước từ trung ương đến địa phương”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc hội

“BOT nếu làm đúng, chọn đúng những dự án cần thiết phải làm thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, người dân sẽ lựa chọn sử dụng. Nếu chọn đúng thì đã thành công rồi, còn trong quá trình thực hiện có sai sót thì cùng nhau chia sẻ, sửa sainhư vậy sẽ giúp chúng ta ngày càng chuyên nghiệp hơn”.

Chuyên gia kinh tế tài chính, TS. Đinh Thế Hiển

Quang Thành