Nhà đầu tư:

Quyết tâm thực hiện nhưng không vay vốn tín dụng bằng mọi giá (P2)

15/08/2019

Nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhưng sẽ không đi vay vốn ngân hàng bằng mọi giá.

Tại cuộc họp ngày 7/8/2019, nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhưng sẽ không đi vay vốn ngân hàng bằng mọi giá khi chưa khẳng định được sự đồng hành đảm bảo của Tỉnh Tiền Giang và còn rất nhiều rủi ro chưa được làm rõ từ các yêu cầu Ngân hàng cho vay; Các cam kết không thuyết phục, điều kiện giải ngân quá khó khăn,sẽ là huệ lụy cho mà Nhà đầu tư phảilãnh đủ khi và gánh chịu trong thời gian tới.

Để đảm bảo phương án tài chính cho dự án, tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nhiều cam kết rất tích cực như: Đối với đề nghị của ngân hàng về việc bảo lãnh doanh thu hoặc có giải pháp hỗ trợ trong trường hợp doanh thu thực tế của dự án khi đi vào vận hành chưa đạt kết quả theo phương án tài chính phê duyệt thì UBND tỉnh Tiền Giang sẽ có báo cáo và xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang thi công.Ảnh:NLĐ

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đều cam kết với đề nghị không thay đổi quy hoạch giao thông hiện tại làm thay đổi phân lưu theo tính toán tại phương án tài chính đã ký kết của Ngân hàng tín dụng, trừ trường hợp có chủ trương khác của Quốc hội, Chính phủ.

Căn cứ quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/08/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang về phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ tiến hành thương thảo và hoàn thành việc ký kết Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh dự án trước ngày 15/08/2019. Đồng thời lấy ý kiến của các ngân hàng tài trợ vốn thống nhất trước khi ký kết để đảm bảo đủ điều kiện giải ngân vốn tín dụng sau này.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đề xuất sẽ thành lập tổ công tác gồm đại diện tỉnh Tiền Giang, ngân hàng tài trợ vốn và nhà đầu tư để thống nhất việc thẩm định phê duyệt và thương thảo ký kết phụ lục hợp đồng tín dụng làm cơ sở để UBND Tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ xác định khả năng, trách nhiệm của các bên tham gia dự án. Thống nhất hoàn thành việc ký kết trước ngày 31/08/2019.Thời gian thông tuyến và hoàn thành dự án đã được ấn định cụ thể, nhưng thời gian cho vay vốn tín dụng thì vẫn còn là những lời bàn chung chung, chưa có gì cụ thể.

“Từ các vấn đề nêu trên, các ngân hàng cấp tín dụng cần có động thái, ý kiến cụ thể khi thẩm định cho vay và xác định các điều kiện cam kết cho vay phù hợp để Nhà đầu tư cùng thống nhất với CQNNCTQ là tỉnh Tiền Giang thực hiện. Hiện nay đã thực hiện điều chỉnh TMĐT, phương án tài chính, đặc biệt là lộ trình tăng phí 15%/3 năm sẽ diễn ra trong thời gian tới sau khi hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.Nếu ngân hàng xét thấy vẫn còn các rủi ro cần có phản hồi cụ thể, khi xét thấy vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét. Hoặc trường hợp quá khó không thực hiện được việc vay vốn, sẽ tìm nguồn vốn khác đàm phán lại thời gian để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia này” – đại diện nhà đầu tư nêu quan điểm.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Với thực trạng BOT hiện nay, qua các cuộc thanh kiểm tra đã diễn ra, các tranh chấp khi người dân phản đối việc điều chỉnh tăng phí tại các Trạm thu phí trên tuyến QL1A theo phương án tài chính đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư đã ký kết HĐ dự án nhưng gần như không có sự can thiệp của địa phương, nơi trước đó đã từng trải thảm đỏ, tích cực giải phóng mặt bằng và thúc đẩy dự án hoàn thành. Để đảm bảo tiến độ, nhà đầu tư cần tích cực, chuyên nghiệp khi làm việc với các bên liên quan, không vội vàng đánh đổi các nguyên tắc cam kết, các quy định pháp luật đã ràng buộc cảnh báo thời gian qua, các bất cập tranh chấp chưa rõ cần báo cáo với Chính phủ trước khi làm”.

Ông Mai Mạnh Hồng – TGĐ Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận nêu : "Việc xây dựng kế hoạch, tiến độ cần phải có cơ sở và dựa trên cam kết của các bên liên quan đến Dự án,các giải pháp tháo gỡ phải rõ ràng, minh bạch và bền vững. Chúng tôi đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo với Chính phủ, Quốc hội và Mặt Trân Tổ quốc Việt Nam về các diễn biến tích cực hiện nay kèm theo các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian tới khi đã đưa công trình vào vận hành khai thác tuyệt đối không để xảy ra ách tắc. Nhà đầu tư cũng muốn chuyển thông tin đến người dân, các Hiệp Hội có lợi ích liên quan được rõ hơn về thực trạng khó khăn của các Dự án BOT hiện nay cần được chia sẻ nếu muốn Dự án hoàn thành đảm bảo thời gian".

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính Phủ khẳng định là một cam kết chính trị đối với 20 triệu đồng bào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông đóng vai trò huyết mạch, đòn bẩy cho sự cất cánh về kinh tế - xã hội của cả một khu vực rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

Hiện nay, dự án đã được vực dậy với không khí nhộn nhịp sau hơn một thập kỷ ì ạch. Rất nhiều những vướn mắc đã lần lượt được Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang và các Bộ ngành nhanh chóng tháo gỡ để thực hiện đúng lời hứa với đồng bào ĐBSCL.

Với việc nguồn vốn NSNN 2.186 tỷ đồng hỗ trợ dự án sẽ được giải ngân trong năm 2019,cộng với nguồn lực, quyết tâm của nhà đầu tư và tinh thần trách nhiệm cao của UBND tỉnh Tiền Giang thì mốc thông tuyến năm 2020 là có cơ sở, nhưng để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ năm 2021 thì còn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng cho dự án của ngân hàng.

Thế nên,động thái cụ thể của tỉnh Tiền Giang, câu trả lời dứt khoát từ phía ngân hàng TMCP tài trợ vốn cho dự án là điều cần sớm làm rõ để tránh đưa dự án vào thế bị động, gây ảnh hưởng tiến độ thi công, giải tỏa các cam kết thiếu trách nhiệm trước đây, cần xác định thời gian hoàn thành dự án không còn nhiều.

Tuấn Nguyễn/Vnmedia
http://vnmedia.vn/kinh-te/201908/du-an-cao-toc-trung-luong-my-thuan-nha-dau-tu-quyet-tam-thuc-hien-nhung-khong-vay-von-tin-dung-bang-moi-gia-p2-638353/