Phó Chủ tịch Đèo Cả:

Chúng tôi đang tái cấu trúc toàn diện

07/11/2019

(Nhàđầutư) Đại diện Đèo Cả Group khẳng định mục tiêu của quá trình tái cấu trúc là một tập đoàn hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Việc giao cho Hamadeco, một doanh nghiệp niêm yết chứng khoán làm đầu mối quản lý một loạt các dự án lớn cho thấy Đèo Cả luôn hướng tới một mô hình quản trị minh bạch, công khai.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2019, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Hamadeco, mã chứng khoán: HHV) đã đầu tư vào 05 doanh nghiệp: CTCP Đầu tư Đèo Cả giá trị 1.117 tỷ đồng, CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với giá trị 788 tỷ đồng, CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT giá trị 272 tỷ đồng, CTCP BOT Đèo Cả Khánh Hoà giá trị 122 tỷ đồng, CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị với giá trị 94 tỷ đồng.

Sau khi đầu tư, tổng tài sản của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả tăng mạnh từ 360,4 tỷ đồng đầu năm lên 2.799 tỷ đồng cuối quý III/2019, nợ phải trả là 2.700 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 1/11/2019, cổ đông CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã thông qua phương án hoán đổi nợ thành cổ phần cho 5 đối tác đã chuyển nhượng, là CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T (111,78 triệu cổ phần), CTCP Đầu tư Hạ tầng miền Bắc (88,23 triệu cổ phần), CTCP Tập đoàn Hải Thạch (12,2 triệu cổ phần), CTCP BOT Hưng Phát (16,4 triệu cổ phần) và CTCP Đầu tư thương mại Quốc tế Hà Thành (10,83 triệu cổ phần).

Dự kiến sau khi hoàn thành hoán đổi công nợ, vốn góp cổ phần của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả sẽ tăng từ 79 tỷ đồng lên 2.473 tỷ đồng, dẫn tới không ít xôn xao trong giới tài chính.

tran-van-the-deo-ca-nhadautu.vn

Phó Chủ tịch Đèo Cả Group ông Trần Văn Thế

Nhà đầu tư đã có buổi trao đổi với Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách tài chính của Tập đoàn Đèo Cả - ông Trần Văn Thế để có thêm thông tin khách quan.

Đèo Cả Group đang tái cấu trúc toàn diện

Việc hoán đổi cổ phần để tăng vốn gấp nhiều chục lần với biên độ hàng nghìn tỷ đồng khiến xuất hiện ý kiến CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả tăng vốn ảo và Đèo Cả Group đang thông qua doanh nghiệp này để tiến hành "niêm yết cửa sau"?

Ông Trần Văn Thế: Chúng tôi đang triển khai tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn Đèo Cả, trong đó sắp xếp, cơ cấu lại các hoạt động của tập đoàn theo 2 hướng chính: hoạt động đầu tư tài chính vào các dự án hạ tầng giao thông và hoạt động sản xuất kinh doanh (thi công, tư vấn, quản lý vận hành…) Trong đó các hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao giao thông được hợp nhất vào CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.

Đích đến của quá trình tái cấu trúc là một Đèo Cả Group hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Việc giao cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, một doanh nghiệp niêm yết chứng khoán làm đầu mối quản lý một loạt các dự án lớn cho thấy chúng tôi luôn hướng tới một mô hình quản trị minh bạch, công khai.

Bản chất của hoạt động đầu tư trên của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là tái cơ cấu sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả. Các công ty được hoán đổi nợ thành cổ phần tại CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả cũng không phải là doanh nghiệp "ma", hay tăng vốn ảo, mà là các nhà đầu tư dự án hạ tầng giao thông uy tín đã hoạt động nhiều năm nay.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Đèo Cả là chủ đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng; CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là chủ đầu tư Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có vốn gần 12.200 tỷ đồng; CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT là chủ đầu tư dự án Hầm xuyên đèo Phú Gia; CTCP BOT Đèo Cả Khánh Hoà phụ trách Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1373+525 đến Km1392 và Km1405 đến Km1425 tỉnh Khánh Hòa; trong khi CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị là chủ đầu tư dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị có vốn hơn 8.700 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp dự án đầu tư hạ tầng giao thông chúng tôi chịu sự quản lý chặt chẽ về vốn chủ sở hữu thông qua việc kiểm tra, giám sát từ nhiều cơ quan, trong đó có ngân hàng cấp tín dụng, Kiểm toán Nhà nước nên việc tăng vốn ảo là không thể. Do vậy, tôi cho rằng thông tin CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả vốn ảo hay niêm yết cửa sau, nếu có, là không hiểu bản chất vấn đề và hoàn toàn sai lệch với thực trạng hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả.

cao-toc-bac-giang-lang-son

Đèo Cả Group tiếp nhận dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ CTCP Đầu tư UDIC vào năm 2017 và đã nhanh chóng triển khai, thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9/2019

Không đầu tư cao tốc Bắc - Nam bằng mọi giá

Sau gần một thập kỷ hoạt động, Đèo Cả hiện là nhà đầu tư BOT lớn nhất cả nước. Đèo Cả có ý định đầu tư vào loạt dự án cao tốc Bắc Nam?

Ông Trần Văn Thế: Đèo Cả nhận thức rõ giá trị to lớn của các dự án cao tốc Bắc - Nam mà Chính phủ đang triển khai đấu thầu. Chúng tôi không từ chối trách nhiệm tham gia các dự án này, coi đây là cơ hội quý báu để tiếp tục lớn lên. Tuy nhiên sau khi tham vấn các chuyên gia, cố vấn, Đèo Cả nhận định ở thời điểm hiện tại không nhất thiết phải tham gia đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, bởi hai nhóm lý do:

Thứ nhất, cơ chế liên quan đến việc thực hiện các dự án BOT giao thông chứa đựng nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, như lãi vay trong hồ sơ mời thấu rất thấp (7,6 %/năm) so với lãi suất các ngân hàng thương mại hiện nay (khoảng 11,5%/năm) dẫn tới chắc chắn tín dụng không thể thu xếp được, các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn bị vô hiệu, thường vi phạm gây bất lợi cho nhà đầu tư, hiện chưa tháo gỡ được.

Thứ hai, Tập đoàn Đèo Cả phải tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các dự án giao thông đang thực hiện như Trung Lương – Mỹ Thuận; Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, và hầm đường bộ Hải Vân 2.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả xác định rằng, khi xét thấy khả năng vốn tự có của mình đảm bảo, sự chia sẻ của người dân về việc thu phí, ngân hàng thống nhất đồng hành, đặc biệt cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo tuân thủ các cam kết trong hợp đồng đã ký, Đèo Cả sẽ tham gia dự thầu.

1.600 tỷ "cứu" Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Một số vướng mắc tại hai dự án trọng điểm của Đèo Cả là Chi Lăng - Hữu Nghị và Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giải quyết đến đâu?

Ông Trần Văn Thế: Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dài khoảng 43km là đoạn cuối trong tuyến đường nối Hà Nội tới Hữu Nghị. Dự án đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, nhưng vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn vốn từ các bên. Với tiến độ hiện nay, chúng tôi lo ngại tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị không thể hoàn thành vào năm 2020 và ảnh hưởng đến cơ sở thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối Lạng Sơn với Cao Bằng.

Nói rõ hơn, cơ cấu nguồn vốn tham gia dự án là 1.740 tỷ đồng từ nhà đầu tư, vốn nhà nước 3.160 tỷ đồng và vốn tín dụng 3.400 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chúng tôi đã lo đủ, UBND tỉnh Lạng Sơn hứa bố trí vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV cam kết tài trợ 2.000 tỷ đồng và đứng ra thu xếp 1.400 tỷ đồng tín dụng còn lại, tuy nhiên với điều kiện là dự án phải nhận được 2.160 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đây đang là điểm nghẽn rất lớn.

Tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tiến độ thu xếp vốn của các bên cũng đang rất chậm chạp, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp đẩy nhanh dự án. Quy mô vốn khoảng 12.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 2.186 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tăng từ 2.500 lên 3.400 tỷ đồng, phần còn lại được 4 ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank và VPBank tài trợ.

Hiện nay, tổ thẩm định do 4 ngân hàng này lập ra đã hoàn tất công việc và chuyển về từng ngân hàng thẩm định riêng. Tuy nhiên tương tự như dự án Chi Lăng - Hữu Nghị, các ngân hàng chỉ giải ngân trong trường hợp vốn ngân sách đã được thu xếp. Việc thiếu vốn nghiêm trọng đang khiến chúng tôi rất khó khăn. Dự án vừa qua thậm chí phải dừng hoạt động vì nhà thầu lẫn chủ đầu tư đều cạn tiền. Nếu không có tiến triển tích cực, khó lòng đảm bảo hoàn thành dự án vào ngày 30/4/2021 như chỉ đạo của Thủ tướng.

Xin cảm ơn ông!

https://nhadautu.vn/gap-go-thu-tupho-chu-tich-deo-ca-chung-toi-dang-tai-cau-truc-toan-dien-d29784.html