Vất vả nghề bảo dưỡng hầm Hải Vân

12/07/2023     461

Công trình hầm đường bộ Hải Vân là tuyến giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, để bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt cho các phương tiện lưu thông qua hầm, đội ngũ thực hiện công tác quản lý vận hành và bảo trì phải làm việc bất kể ngày đêm, mưa gió hay bão lũ, túc trực 24/24 giờ.

Cách hầm Hải Vân 100m, tại Trung tâm vận hành, các cán bộ của Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đang theo dõi toàn bộ hình ảnh truyền từ 121 camera cố định, 45 camera PTZ và 8 camera giao thông được lắp đặt dọc hầm và trên đường dẫn nhằm phát hiện sự cố và xử lý kịp thời. Ảnh: H.T.V Cách hầm Hải Vân 100m, tại Trung tâm vận hành, các cán bộ của Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đang theo dõi toàn bộ hình ảnh truyền từ 121 camera cố định, 45 camera PTZ và 8 camera giao thông được lắp đặt dọc hầm và trên đường dẫn nhằm phát hiện sự cố và xử lý kịp thời. Ảnh: H.T.V

Bảo đảm hầm thông thoáng, sạch sẽ

Những ngày cuối tháng 6, dưới cái nắng bỏng rát, tôi vượt quãng đường dài đến Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Hầm Hải Vân (khu vực Suối Lương, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) gặp anh Bùi Thanh Lâu (46 tuổi), Đội trưởng Đội Bảo trì bảo dưỡng thuộc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân. Anh Lâu vừa ghi chép thông số cho ca trực sáng vừa kể: “Tôi học chuyên ngành điện, sau khi ra trường đầu quân về công ty từ năm 2005. Thực ra, công việc này không quá nguy hiểm hay phải dang nắng dầm mưa nhưng chúng tôi phải đối mặt với lượng bụi khá lớn, cái nóng hầm hập trong hầm như thiêu đốt và đi bộ mỗi ngày hơn 12km. Thế nhưng, tình yêu nghề cháy bỏng đã níu tôi ở lại đến tận bây giờ. Chỉ cần một ngày không nhìn thấy hầm hay đồng nghiệp thì tôi lại thấy nhớ”.

Theo anh Lâu, cả đội bảo dưỡng gồm 35 người, công việc bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 phút và 13 giờ 30 đến 17 giờ, ngoài giờ làm việc theo quy định nếu xảy ra sự cố cả đội phải có mặt ngay lập tức. Công việc bảo dưỡng, bảo trì mỗi ngày trong hầm hơn 2 tiếng theo kế hoạch hằng tháng như vệ sinh kết cấu hầm để hầm luôn thông thoáng, sạch sẽ; bảo dưỡng các hệ thống thiết bị thông gió, cấp thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống điện, hệ thống ITS, phòng cháy chữa cháy… Bên cạnh đó, cả đội tham gia công tác tuần tra, kiểm tra các hệ thống thiết bị giúp công tác vận hành hầm luôn an toàn, thông suốt và hiệu quả.

Dẫn tôi đi tham quan một vòng quanh hầm, anh Lâu nói rằng, trước đây, chưa có hầm Hải Vân 2 thì hầm Hải Vân 1 sẽ đóng cửa khoảng 1 tiếng trong ngày từ 3 đến 4 giờ sáng để bảo dưỡng. Sau này, hầm Hải Vân 2 đưa vào sử dụng, đội ảo dưỡng mỗi ngày song hành 1 làn, làn xe còn lại di chuyển bình thường. Để bảo đảm an toàn cho công nhân, công ty sẽ điều động nhân sự giám sát thi công, điều tiết giao thông và điều khiển xe chuyên dụng.

Công việc bảo dưỡng tốn nhiều công sức nhất là vệ sinh 16 quạt phản lực và lau chùi thành hầm. Theo đó, công tác vệ sinh bảo dưỡng quạt phản lực thực hiện vào thời điểm có lưu lượng phương tiện di chuyển thấp từ 2 đến 3 giờ sáng, 1 tháng/lần, 10 nhân viên có chuyên môn sẽ trực tiếp thi công. Công đoạn bảo dưỡng gồm: bảo dưỡng cánh quạt, động cơ quạt, thân quạt, giá treo, kiểm tra tổng quan độ rung lắc, kiểm tra bu-lông, chỉ số điện…

Với kinh nghiệm lâu năm, anh Lâu chỉ cần nghe quạt chạy không “mượt” hoặc vang lên tiếng rè rè thì chắc chắn quạt đang thiếu mỡ hoặc gặp sự cố khác. “Cả 2 hầm có 16 quạt phản lực, mỗi quạt đường kính 1.530mm, nặng 2.350kg, bố trí dọc vòm hầm giúp thông gió trong hầm, cô lập đám cháy khi xảy ra cháy và được coi là lá phổi xanh của hầm. Tuy nhiên, quạt phản lực bám một lượng bụi khổng lồ, vệ sinh xong là chúng tôi ai nấy ướt sũng mồ hôi, khuôn mặt bụi bám đen sì và nhớt đen từ quạt thấm nhầy nhụa cả quần áo. Hay như vệ sinh thành hầm, chúng tôi huy động gần 18 công nhân mỗi tháng thực hiện 1 lần, mất gần 20 ngày cho 2 hầm.

Ngoài việc vệ sinh bằng xe chuyên dụng xịt rửa trên nóc hầm, thì vị trí bên dưới công nhân buộc phải lau tay thủ công bằng xà phòng. Chúng tôi lau từng km trong hầm, hết hầm 1 sẽ di chuyển qua hầm 2 cho đến khi hoàn thành. Công việc đòi hỏi phải cúi xuống vắt khăn, ngước lên lau cho sạch. Mỗi lần như vậy nguyên đội ai nấy cánh tay đều mỏi nhừ, chân thì tê cứng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi làm cho có hay qua loa, cả đội luôn đồng lòng với tiêu chí làm việc hết mình, không ngại vất vả. Chỉ cần nhìn thấy các phương tiện lưu thông qua hầm an toàn là chúng tôi thấy bình an. Đó là niềm vui vô hình, nguồn động lực giúp chúng tôi gắn bó với nghề lâu hơn”, anh Lâu lau vội giọt mồ hôi nói.

Vào nghề tròn 18 năm, thấm hết mọi nhọc nhằn từ sửa chữa hệ thống điện đến bảo trì, bảo dưỡng nhưng anh Phan Thanh Quang (44 tuổi), Đội Phó đội Điện thông gió kiêm trưởng ca điều hành hầm Hải Vân luôn dành tinh thần và 100% năng lượng với nghề. Anh Quang cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Bình, rời quê vào Đà Nẵng lập nghiệp. Bắt đầu công việc mấy chục năm qua tại hầm Hải Vân trong anh có nhiều kỷ niệm.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong đợt Covid-19, lần đầu tiên hầm Hải Vân mở cửa cho người dân ở các tỉnh lưu thông xe máy qua hầm, nhìn những dòng xe máy lần lượt di chuyển về quê nhà khiến toàn đội rất xúc động. “Mỗi ngày cộng gộp niềm vui nhỏ bé như thế khiến tôi cũng như anh em mong muốn góp công sức, trí tuệ để xây dựng hầm Hải Vân ngày một phát triển hơn. Gần 20 năm lặng lẽ với công việc, được bổ nhiệm làm đội phó kiêm trưởng ca, đó là nguồn động lực to lớn để tương lai tôi tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Quang chia sẻ.

Theo anh Quang, đội của anh phụ trách bảo dưỡng hệ thống đèn cho 2 hầm gồm 4.184 bộ đèn LED chiếu sáng có công suất 60W, 80W, 160W và 240W. Mọi thiết bị điện được bảo đảm hoạt động liên tục và an toàn thì hầm mới duy trì ổn định. Vì trong hầm rất dễ xảy ra cháy nổ liên quan đến hệ thống điện nên đội điện thông gió phải kiểm tra ngày lẫn đêm, đề phòng xảy ra sự cố nhất là đang mùa nắng nóng. Qua đó, mọi công việc kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị sẽ giúp trung tâm vận hành kịp thời thay thế hoặc sửa chữa hỏng hóc. “Bảo dưỡng đèn sẽ có xe chuyên dụng được trang bị sẵn nước trên xe, nhân viên sử dụng vòi xịt và dùng khăn thấm xà phòng lau sạch bộ đèn. Vất vả chung của anh em khi vào hầm phải làm việc với khói bụi, nắng nóng cộng thêm tiếng ồn của xe chạy làm cho cơ thể dễ bị mệt và choáng. Thế nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản hay có ý nghĩ bỏ nghề bởi ngoài những khó khăn thì công ty rất quan tâm, động viên và hỗ trợ bù đắp lại những vất vả của nghề”, anh Quang bày tỏ.

Nhân viên Đội bảo trì bảo dưỡng Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân đang vệ sinh quạt phản lực tại hầm Hải Vân 1. Ảnh: H.T.V

Nhân viên Đội bảo trì bảo dưỡng Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân đang vệ sinh quạt phản lực tại hầm Hải Vân 1. Ảnh: H.T.V

Phối hợp nhịp nhàng để vận hành an toàn, thông suốt

Anh Quang cho hay, hầm đường bộ Hải Vân được sắp xếp 2 nhóm làm việc với 3 nội dung chính là hoạt động vận hành theo dõi giám sát và công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố, vệ sinh bảo dưỡng, bảo trì thiết bị theo quy định. Trong đó, bộ phận trực ca 24/24 giờ theo lịch trực 3 ca và 4 kíp, có nhiệm vụ giám sát toàn bộ hoạt động của đường hầm bao gồm: tình trạng giao thông và thiết bị để báo cáo, điều động bộ phận liên quan xử lý kịp thời các sự cố.

Bộ phận trực cứu hộ cứu nạn và chữa cháy được bố trí 2 đầu của hầm với các phương tiện chuyên dụng như xe chữa cháy, xe cứu hộ, cứu thương. Bộ phận an ninh kiểm soát các loại phương tiện không cho phép qua hầm theo quy định. “Tất cả bộ phận của mỗi ca trực phải phối hợp một cách nhịp nhàng, chặt chẽ, chuyên nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài công tác bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông qua tuyến đường hầm Hải Vân, bộ phận vận hành còn tham gia hỗ trợ các đơn vị, nhà máy đóng trên địa bàn xử lý sự cố cháy nổ khi có yêu cầu điều động.

Chúng tôi còn kiểm tra tình trạng lớp phủ mặt cầu, thoát nước, các khe co dãn có bị nứt vỡ, dập nát, gờ chắn bánh xe, lan can và các thiết bị khác như biển báo, cột đèn chiếu sáng, tường phòng vệ ở hai đầu cầu… kết quả là cơ sở điều chỉnh kế hoạch cuối năm. Quy trình bảo dưỡng thường xuyên phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Trong đó, lưu ý một số điểm như khi vá ổ gà, xử lý cao su, sình lún, quét đường, sơn kẻ đường... trên mặt đường bộ và xén tỉa cây, cỏ trên dải phân cách phải bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông. Khi làm việc trên taluy cao, công nhân phải mang dây an toàn và dưới chân taluy phải lưu ý khả năng đất sụt lở hoặc đất, đá rơi tự do từ trên taluy xuống. Vì thế, đôi khi sơ ý anh em bị trầy tay, chân là chuyện bình thường”, anh Quang cười mô tả.

Trò chuyện với anh Quang và anh Lâu vừa dứt thì tôi cũng rời hầm, đúng như anh Quang và anh Lâu nói, cái nóng trong hầm thật sự không dễ chịu, khiến tôi không quen đôi khi bị ngộp và bức bối. Tôi nghĩ rằng, tất cả công nhân viên ở đây đã cống hiến thầm lặng cho nghề, cho đời mà khó có ai hình dung họ phải đối mặt khó khăn ra sao. Nghe anh Quang, anh Lâu nói liên hồi về công việc với ánh mắt nhiệt thành và lòng tâm huyết tràn trề, tôi mường tượng dường như nắng gió của hầm đã hòa quyện vào hai anh tình yêu nghề lớn lao. Dù cực nhọc đến đâu thì hai anh và đồng nghiệp vẫn cần mẫn, đặt tinh thần trách nhiệm lên trên hết.

Ông Võ Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc hầm Hải Vân, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho hay, hiện nay, hầm Hải Vân được Tập đoàn Đèo Cả đầu tư mở rộng và nâng cấp các hệ thống thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất như hệ thống phân phối nguồn, hệ thống camera giám sát, VMS, hệ thống báo cháy cùng với các phương tiện thiết bị hiện đại như: xe chữa cháy 2 đầu, xe cứu hộ lớn, xe cứu thương để công việc giám sát, quản lý vận hành được liên tục và an toàn.

Đồng thời, những năm qua đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành đã đưa nhiều sáng kiến, cải tiến, thay đổi một số phương thức vận hành để nâng cao tuổi thọ thiết bị, kết cấu hạ tầng, tiết kiệm các chi phí sửa chữa và giảm thiểu sử dụng sức người như: chế tạo xe rửa thành hầm, tự nâng cấp phần mềm quản lý phương tiện, thiết bị, tối ưu hóa trong việc kết nối sơ đồ lưới điện bảo đảm việc cấp điện an toàn và liên tục.

“Mỗi ngày hầm 1 và hầm 2 có hơn 11.000/lượt phương tiện di chuyển. Vì vậy, để hầm hoạt động ổn định thì đằng sau đó là cả một hệ thống đồ sộ đang làm việc từng giây phút. Điều kiện đặc thù như hầm Hải Vân khi vừa bảo đảm phương tiện lưu thông, nhân viên vừa phải thực hiện các hạng mục công việc vệ sinh, bảo dưỡng theo đúng tần suất quy định. Dẫu công việc có đôi phần khó khăn nhưng minh chứng rõ nhất cho sự phấn đấu của họ là hầm được vận hành trơn tru, sạch sẽ, sẵn sàng phục vụ các phương tiện tham gia giao thông qua hầm được an toàn tuyệt đối”. Ông Võ Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc hầm Hải Vân, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả

HUỲNH TƯỜNG VY

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202307/nhoc-nhan-nghe-bao-duong-ham-hai-van-3948563