Làm trạm dừng nghỉ nhìn từ kinh nghiệm nhà đầu tư lớn nhất Trung Quốc

19/07/2024     1717

Ngày 19/7/2024, tại Trung Quốc, Tập đoàn Đèo Cả đã có chuyến công tác khảo sát thực tế hệ thống trạm dừng nghỉ và phối hợp thực hiện hội thảo Xây dựng trạm dừng nghỉ trên đường bộ cao tốc Việt Nam từ kinh nghiệm Trung Quốc.

Chuỗi chương trình do Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số Ban QLDA, Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT và một số doanh nghiệp khác là Tập đoàn Phương Trang, Công ty Đầu tư và Xây dựng Trung Thành, Công ty Xây dựng thương mại 559.

Trạm dừng nghỉ Trung Quốc phát triển như thế nào?

Giới thiệu với đoàn công tác, ông Thẩm Kiến Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Gia Hưng Khải Thông (chủ đầu tư trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng) cho biết, trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng trên tuyến cao tốc thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, được xây dựng từ năm 1996, với chi phí đầu tư khoảng 180 triệu nhân dân tệ. Trải qua 3 lần cải tạo, nâng cấp, đến nay trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng được biết đến là hiện đại bậc nhất tại Trung Quốc với tổng diện tích khuôn viên lên đến 50ha.

Trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng có tổng diện tích 50ha với thiết kế mang bản sắc địa phương (Ảnh: Việt Trung)

Ngoài việc sở hữu bãi đỗ xe rộng, tiện lợi cho các phương tiện giao thông, với diện tích đại sảnh lên tới 36.000m2, đây còn là nơi giúp hành khách có những trải nghiệm thú vị các gian hàng ẩm thực, bán đồ đặc sản, cửa hàng tiện lợi,… dọc dòng sông nhân tạo rộng 8m, dài 160m. Phía bên ngoài là không gian vãn cảnh thoáng đãng. Đây cũng là một trong những trạm dừng nghỉ đầu tiên của Trung Quốc có gian hàng triển lãm và bán xe ô tô.

Trung tâm trạm dừng nghỉ với nhiều hoạt động kinh doanh, thưởng thức các chương trình văn hoá, thường xuyên thu hút lượng khách ghé thăm và trải nghiệm lớn (Ảnh: Việt Trung)

Để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình vận hành và hiệu quả đầu tư trạm dừng nghỉ, việc kinh doanh dịch vụ tại các gian hàng cũng do nhà đầu tư trạm dừng nghỉ tự thực hiện, không theo hướng cho thuê mặt bằng. Nhờ tiện ích và dịch vụ đa dạng, trạm Hồ Dương Trừng thu hút đông đảo du khách và lái xe, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực.

Đoàn công tác tham quan các khu vực thương mại và triển lãm trưng bày sản phẩm (Ảnh: Việt Trung)

Giới thiệu về doanh nghiệp, ông Thẩm Kiến Cường cho biết, đến nay, Công ty TNHH Đầu tư Gia Hưng Khải Thông đã hoàn thành 8 cặp trạm dừng nghỉ ở 25 tuyến đường cao tốc trải dài trên 40 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Tại các trạm dừng nghỉ đều được áp dụng các công nghệ thông minh vào quản lý, vận hành. Đồng thời, tiến hành thu thập dữ liệu khách hàng để điều chỉnh hình thái kinh doanh và nhu cầu trải nghiệm.

Tất cả nhằm mang đến cho hành khách cảm nhận gần gũi, thân thiện và thoải mái. Đến với trạm dừng nghỉ còn để tham quan, du lịch trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần giải quyết nhu cầu dừng nghỉ của lái xe”, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Gia Hưng Khải Thông nói.

Có thể thấy, điểm chung ở các trạm dừng nghỉ tại Trung Quốc là được quy hoạch tổng thể từ Chính phủ, chính quyền địa phương phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền. Chính sự quy hoạch đồng bộ giữa tuyến đường cao tốc đồng thời với trạm dừng nghỉ đã phát huy vai trò của loại công trình này. Các trạm dừng nghỉ được thiết kế hiện đại với đầy đủ các khu chức năng được quy hoạch hợp lý mang lại trải nghiệm tốt cho du khách.

Hướng đi nào phù hợp cho các trạm dừng nghỉ tại Việt Nam?

Sau chuyến khảo sát thực tế, các bên có buổi hội thảo nhằm thảo luận, trao đổi về các quy định, thực tế đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các trạm dừng nghỉ tại Việt Nam và Trung Quốc, từ đó nghiên cứu đề xuất cải tiến phương án triển khai các trạm dừng nghỉ.

Theo đại diện VARSI, tại Việt Nam, chỉ riêng tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quy hoạch mạng trạm dừng nghỉ đã được phê duyệt năm 2023 gồm 36 trạm. Tính đến nay, 6 trạm đã được vận hành, 3 trạm đang được xây dựng, 27 trạm đang tiếp tục được đầu tư. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý về đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, đầu tư trạm dừng nghỉ nói riêng đã và đang được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam rà soát, tiếp tục hoàn thiện.

Tuy nhiên, đa phần quy mô các trạm dừng nghỉ ở Việt Nam còn nhỏ, chưa đa dạng công năng, chưa được triển khai kịp thời và đồng bộ với tuyến đường. Thậm chí, còn tình trạng trên một số tuyến cao tốc dài hàng trăm km mới chỉ có các trạm dừng nghỉ tạm.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Việt Trung)

Ông Lê Quốc Dũng - Quyền Giám đốc Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) cho biết, việc đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Việt Nam đang được Bộ GTVT rốt ráo chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông bày tỏ ấn tượng với quy mô, cách thức triển khai và hoạt động tại trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng. “Trong xây dựng trạm dừng nghỉ nói chung, Trung Quốc có quy định quy mô? Các trạm dừng nghỉ Công ty Khai thông nâng cấp, cải tạo căn cứ trên cơ sở nào?", ông Dũng đặt vấn đề.

Ông Lê Quốc Dũng cho biết trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Việt Nam đang được Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai (Ảnh: Việt Trung)

Từ kinh nghiệm đầu tư hàng loạt trạm dừng nghỉ có quy mô lớn nhất trên các tuyến cao tốc ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân, ông Thẩm Kiến Cường chia sẻ: "Quy mô trạm dừng nghỉ trên cao tốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc tính của từng khu vực, lưu lượng xe, danh lam thắng cảnh hay các khu du lịch xung quanh các trạm dừng nghỉ dự kiến xây dựng. Với lưu lượng phương tiện trên các tuyến cao tốc ở Việt Nam, nếu xây dựng các trạm dừng nghỉ với khoảng cách 15 - 20 km sẽ dẫn tới mật độ quá dày, trong khi diện tích tối thiểu 2,5 ha và tối đa 5 ha là quá hạn chế. Tôi cho rằng, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu lại theo hướng tăng khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ trên cao tốc dài hơn và tăng diện tích lên lớn hơn".

Liên quan quy hoạch các trạm dừng nghỉ, sau 30 năm đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, hiện Trung Quốc có khoảng 186.000km đã được đưa vào khai thác. Trước đây, Trung Quốc có quy định về vị trí và quy mô của các trạm dừng nghỉ nhưng quy mô rất nhỏ. Tuy nhiên, sau này Bộ GTVT Trung Quốc nhận thấy một số quy định bất cập nên đã thay đổi theo hướng tuyến cao tốc nào lưu lượng lớn thì phải xây dựng những trạm dừng nghỉ quy mô lớn.

Theo quy định trước đây về diện tích, trạm dừng nghỉ một bên tối đa là 8.000 m2, khá giống với quy định hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định này ở Trung Quốc đã thay đổi. Quy mô, diện tích của từng trạm dừng nghỉ sẽ căn cứ vào đặc tính của từng khu vực, lưu lượng xe, danh lam thắng cảnh hay các khu du lịch xung quanh các trạm dừng nghỉ.

Trả lời các câu hỏi của đại diện các đơn vị thuộc Bộ GTVT Việt Nam về việc nâng cấp, cải tạo các trạm dừng nghỉ, ông Thẩm Kiến Cường đánh giá đây là việc phức tạp, có hai căn cứ quan trọng cần quan tâm đó là mật độ dân cư sống ở xung quanh và lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc.

Việc quy hoạch trạm dừng nghỉ cũng cần lưu ý hai vấn đề lớn để có hoạch định cụ thể. Thứ nhất, là cửa ngõ để vào một thành phố, địa phương. Thứ hai, là mảnh ghép quan trọng trong ngành du lịch”, đại diện chủ đầu tư trạm Hồ Dương Trừng nói và cho rằng, việc sớm bổ sung các trạm dừng nghỉ còn thiếu trên các tuyến cao tốc Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn về quy mô, chức năng, tổ chức vận hành là cần thiết.

Với lưu lượng phương tiện trên các tuyến cao tốc Việt Nam hiện tại, diện tích quy hoạch các trạm dừng nghỉ cần được nghiên cứu mở rộng hơn thay vì chỉ dừng lại ở con số tối đa là 5ha”, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Gia Hưng Khải Thông nhấn mạnh.

Ông Thẩm Kiến Cường chia sẻ kinh nghiệm triển khai các trạm dừng nghỉ tại Trung Quốc (Ảnh: Việt Trung)

Xác định trạm dừng nghỉ là công trình an toàn đường bộ phải triển khai đồng thời với đường cao tốc để vận hành đồng bộ, ông Lê Quỳnh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị quy định chi tiết về các nguyên tắc lập đồ án quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ, định hướng chuyên biệt hoá trạm dừng nghỉ; thiết kế trạm dừng nghỉ theo nguyên lý môi trường hài hoà, bền vững, sáng tạo và linh hoạt, hướng tới trạm dừng nghỉ thông minh được vận hành bằng công nghệ thông tin.

Về mặt quản lý Nhà nước, cần có phương án xử lý các trạm dừng nghỉ hiện có sao cho phù hợp với quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ, tạo quỹ đất dự phòng cho việc mở rộng trạm dừng nghỉ trong tương lai. Bên cạnh đó, cần củng cố cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm dừng nghỉ và cơ chế kiểm soát chất lượng dịch vụ của trạm dừng nghỉ.

Ông Lê Quỳnh Mai kiến nghị trạm dừng nghỉ thiết kế theo nguyên lý môi trường hài hoà, bền vững, sáng tạo và linh hoạt, hướng tới được vận hành bằng công nghệ thông tin (Ảnh: Việt Trung)

Đại diện VARSI khẳng định cần chọn được các nhà đầu tư có năng lực, có tầm nhìn, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng giao thông nhằm nối kết với các doanh nghiệp vận tải, logistics, bất động sản, du lịch… để đảm bảo lợi ích cho xã hội và các doanh nghiệp tham gia có lợi nhuận phù hợp.

Các ý kiến trong hội thảo đồng thuận các trạm dừng nghỉ cần phải đóng vai trò là điểm nhấn cảnh quan và kết nối văn hoá, thu hút người dân lựa chọn tuyến đường, tăng doanh thu, lưu lương đóng góp một phần vào phương án hoàn vốn cho các dự án do tư nhân tham gia đầu tư, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Gia Như – Ảnh: Việt Trung