Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn:

Mũi thi công phía Nam hầm số 3, ống hầm phải đạt mốc 1.000md

12/10/2024     791

Ngày 11/10/2024, mũi thi công phía Nam hầm số 3 (trên địa bàn TX. Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) ống hầm phải đã đào cán mốc 1.000md. Đây không chỉ là một bước tiến vững chắc trong hành trình chinh phục mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm của toàn thể đội ngũ lao động tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Hầm số 3 là hầm dài nhất trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và cũng là hầm lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, được tổ chức thi công từ hai hướng (mũi thi công phía Bắc nằm trên địa phận tỉnh Quảng Ngãi, mũi thi công phía Nam nằm trên địa phận tỉnh Bình Định). Đến nay đã đào được gần 3.800m trên tổng chiều dài 6.400m (đạt hơn 58% khối lượng). Trong đó, nhánh phải phía Nam hầm số 3 là nhánh đầu tiên cán mốc 1.000 mét, đánh dấu mốc quan trọng cho mục tiêu 30/4/2025 sẽ thông hầm số 3, tiến tới hoàn thành dự án vào 31/12/2025.

Thi công hầm

Mũi thi công phía Nam hầm số 3 hiện có khoảng 322 nhân sự và 146 máy móc thiết bị. Với đặc thù công việc làm hầm xuyên núi, các kỹ sư, công nhân phải làm việc trong điều kiện có phần khắc nghiệt hơn khi nhiệt độ trong hầm sâu thường cao hơn bên ngoài hàng chục độ C.

Bên cạnh đó, làm hầm là công việc có yêu cầu kỹ thuật cao và các quy định về an toàn phải được kiểm soát nghiêm ngặt để không xảy ra bất kỳ sai sót nào trong quá trình thi công. Anh Lê Thiên Thọ - Kỹ thuật hiện trường hầm số 3 cho biết, để hoàn thành 1.000m đường hầm, chúng tôi làm việc liên tục trên công trường để điều phối máy móc và nhân sự.

“Dù công việc vất vả nhưng bù lạị ở đây chúng tôi được Ban điều hành và các lãnh đạo rất quan tâm, các chế độ phúc lợi của công ty dành cho anh em trên công trường luôn tốt, nên mọi người luôn yên tâm, cảm thấy hài lòng và động viên nhau nỗ lực làm việc hết mình để hoàn thành mục tiêu công việc được giao”, anh Thọ chia sẻ.

Thi công hầm

Cũng theo anh Thọ, công tăng ca hoặc làm việc thêm giờ luôn được thanh toán đầy đủ, công ty không bao giờ nợ lương. “Tôi biết bây giờ để có một việc làm liên tục, thu nhập ổn định là rất khó, nên khi được Tập đoàn tạo công ăn việc làm chúng tôi rất vui. Nếu tập đoàn có công trình mới và điều kiện sức khỏe vẫn còn cho phép, tôi luôn sẵn sàng tham gia”, anh Thọ bày tỏ.

Còn với anh Vũ Văn Phương - Tổ trưởng tổ khoan hầm số 3, anh đã có 16 năm kinh nghiệm làm việc về khoan, đào hầm thủy điện. Tuy nhiên, với anh điều khác biệt lớn nhất là khi tham gia làm hầm đường bộ xuyên núi, hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại của Đèo Cả giúp cho công việc vất vả này trở nên “dễ thở” hơn.

Khu liên cơ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Anh Phương chia sẻ, khi đi thi công ở các hầm thủy điện đã quen với cảnh sinh hoạt trong các căn nhà tranh tre, nứa lá, thiếu thốn đủ đường. Nhưng từ khi đầu quân cho Đèo Cả ở các dự án hầm Thung Thi, hầm bao biển Hạ Long, đến nay là hầm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dù ở công trường nào, Tập đoàn cũng đầu tư xây dựng những khu ăn nghỉ cho người lao động rất khang trang, sạch đẹp, có điều hoà, nước nóng, bếp ăn tập thể, khu thể thao… nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động.

Anh Hoàng Ngọc Dũng – Công nhân thi công hầm số 3 cho biết, nhiệt độ trong hầm thường cao hơn nhiệt độ bên ngoài khá nhiều, dù đã có hệ thống thông gió, nhưng nếu người không quen thì chắc chỉ “trụ” được 15 phút.

“Với tất cả những đãi ngộ đó, trong tương lai nếu công ty có công trình, anh em công nhân sẵn sàng tham gia, cống hiến, hoàn thành trách nhiệm của một người công nhân Đèo Cả. Không chỉ là 1.000 mét hầm này mà còn nhiều hơn thế nữa!”, anh Dũng hồ hởi nói.

Tin bài: TT - Ảnh: Thế Sơn