Nước lũ rút đi, tình người ở lại

16/09/2024     2316

Những hậu quả từ trận bão lịch sử vẫn còn đó, người Đèo Cả vẫn ngày đêm sát cánh cùng nhiều địa phương chịu ảnh hưởng từ bão lũ. Mong mỏi lớn nhất là làm sao để bà con sớm ổn định lại cuộc sống.

Các lực lượng dọn dẹp bùn cặn, vệ sinh nền đường, thu gom rác, vận chuyện đồ đạc giúp người dân

Nồi cháo vịt

Đợt mưa lũ bất thường vừa qua khiến nhiều bậc cao niên sinh sống tại thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) liên tưởng tới trận lũ lịch sử diễn ra vào năm 1986.

Chưa hết bàng hoàng sau khi “chạy lụt” trở về, bà Hoàng Thị Chao (Đại Đồng, Tràng Định) cho biết vào tối 8/9, nước ngập đến sát mái ngôi nhà cấp 4 của gia đình. “Mặc dù đã chuẩn bị từ trước song tôi không nghĩ nước lũ lại dâng cao và nhanh như vậy”, bà Chao nhớ lại.

Ngập lụt diện rộng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhiều nơi bị cô lập

Được biết, Tràng Định là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ gây mưa lớn kéo dài, nước sông Kỳ Cùng dâng cao dẫn đến ngập úng một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo số liệu thống kê, toàn huyện Tràng Định có 2.376 hộ dân có nhà bị ngập lụt, trong đó thị trấn Thất Khê có 906 hộ.

Thị trấn Thất Khê cũng là nơi đặt văn phòng hiện trường – Ban Quản lý Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Theo ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ngay tối 8/9, nước lũ dâng cao bất thường khiến nhiều hộ dân xung quanh văn phòng sơ tán không kịp.

Hôm đó mưa to tuy không có giông lớn, nhưng nước lên rất nhanh. Anh em trong văn phòng chuẩn bị sẵn tinh thần ăn cơm sáng xong liền nhanh chóng ra hỗ trợ bà con khuân vác đồ đạc”, ông Hưng cho biết.

Thấm mệt sau ngày dài đối phó với lũ lớn, trở về bếp ăn văn phòng là nồi cháo vịt nóng hổi thật lớn được các “chị nuôi” (anh em dự án vẫn gọi các chị nhân viên cấp dưỡng bằng cái tên thân mật như vậy) chuẩn bị cho anh em “nạp năng lượng” lại sức. Nồi cháo vịt lúc chiều tà nhanh chóng được mang đi san sẻ cùng bà con các hộ dân xung quanh.

Có cặp vợ chồng chạy lũ cả ngày đói lả, vẫn quyết chỉ nhận một bát cháo nhỏ hai ngừoi ăn chung, để dành phần cho những người khác nữa. Có bà cụ khuân đồ cả ngày, dáng đi xiêu vẹo rã rời, húp miếng cháo ấm nóng run rẩy bưng trên tay, thần sắc dần trở lại.

Đêm Thất Khê dần buông, phủ lấy dáng vẻ tan hoang nơi mưa bão vẫn đang không ngừng trút xuống, nồi cháo vịt ấm nóng như sợi dây vô hình thêm kết chặt tình đồng bào giữa bà con và anh em dự án.

Từ biển nước đến “biển” rác

Ngày 11/9, biển nước tại các địa bàn lũ lớn tại tỉnh Lạng Sơn rút đi, để lộ ra “biển” rác. Rác thải từ thượng nguồn đổ xuống, rác từ các nhà dân tràn ra gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Rác thải ùn ứ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Tập đoàn Đèo Cả điều động lực lượng dọn dẹp rác thải tại thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) nhằm khắc phục hậu quả sau lũ.

Nắm được tình hình, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đề nghị phối hợp với UBND huyện Tràng Định và huyện Nguyên Bình khẩn trương huy động nhân sự, máy móc thiết bị, hợp quân cùng lực lượng bộ đội biên phòng Pò Mã để hỗ trợ người dân địa phương. Hàng chục nhân sự cùng các thiết bị, vật dụng chuyên dụng liên tục được điều động di chuyển từ công trường dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh nhanh chóng có mặt ứng cứu.

Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng Pò Mã hỗ trợ người dân huyện Tràng Định dọn dẹp sau mưa lũ.

Lực lượng được chia thành từng đội, phối hợp cùng chính quyền địa phương và lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, di chuyển đồ đạc, dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt tập trung tại các khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng nhất.

Đặt chân đến nơi, chúng tôi thực sự bàng hoàng trước cảnh tượng hoang tàn của những ngôi nhà bị ngập lụt, đồ đạc hư hỏng, lẫn lộn với rác. Người dân mệt mỏi, lo lắng, kiệt sức vì nhiều đêm lo chống bão, không ngủ được. Anh em chia nhau mỗi người một tay, ứng cứu thật nhanh để trước tiến bà con có chỗ nghỉ ngơi an toàn”, anh Nguyễn Đức Huỳnh - Chuyên viên Ban Quản lý dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, chia sẻ.

Với chị Dương Thị Dậu, “chị nuôi” của văn phòng Ban Quản lý dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, sự hiện diện và chung tay giúp đỡ của Tập đoàn mang lại giá trị tinh thần vô cùng ý nghĩa với cá nhân chị và bà con địa phương.

Không chỉ có cái tên giống với một nhân vật trong tiểu thuyết “Tắt đèn”, cuộc đời chị Dậu cũng lắm nỗi truân chuyên. Rời xa nơi chôn rau cắt rốn Thái Nguyên để vào Nam lập nghiệp, chị Dậu gặp chồng rồi theo anh về quê nhà Tràng Định mưu sinh bằng nghề sửa xe máy. Hai năm trước, chồng chị Dậu không may qua đời vì ung thư. Chị giờ là chỗ dựa cho hai con. Lăn lộn đủ mọi nghề, cũng chỉ mong hai con được ăn học đầy đủ. Còn xa hơn, thì chưa tính…

Sau trận lũ lịch sử, "chị nuôi" Dương Thị Dậu cảm thấy gắn kết hơn với các thành viên của Ban Quản lý dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Chị Dậu mới đầu quân cho văn phòng Ban Quản lý tại Tràng Định không lâu. Sáng 8/9, khi mưa bắt đầu nặng hạt, cũng là lúc căn nhà cấp 4 của mẹ con chị Dậu nhanh chóng chìm trong biển nước.

Các con được gửi đi sơ tán trước đó, còn mình chị ở lại căn nhà nhỏ chống lũ. Tối đó, nước dâng cao đến hơn 3m khiến chị phải đục lỗ mái tôn rồi trui ra ngoài. Người phụ nữ 43 tuổi đỏ mắt giữa đêm ngóng chờ một ánh đèn pin, hay một vệt sáng từ áo phản quang để biết lực lượng cứu hộ đang tới giải cứu mình. “Cũng may anh em tới kịp. Tôi được tá túc nhờ ở văn phòng dự án”, chị Dậu kể.

Lũ rút đến đâu, mẹ con chị Dậu lại cọ rửa tới đó, ban đầu tận dụng chính nước ngập để xối rửa bùn đất. Hôm 12/9, lực lượng cứu trợ của Tập đoàn tới, mất tầm 3 tiếng đồng hồ, tận dụng một xe bồn được điều tới để xịt rửa, anh em trong văn phòng xốc xáo lội nước xả bùn đất, sắp xếp vệ sinh nhà cửa cùng chị.

“Mới vào làm còn khá ngại ngùng với mọi người. Nhưng sau trận lụt vừa qua, tôi và các anh chị em dự án thêm hiểu nhau gần nhau hơn. Mọi người đỡ đần, quan tâm nhau như người chung một nhà”, chị Dậu xúc động bày tỏ.

Căn nhà của chị Dậu được Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ xúc rửa bùn đất sau lũ.

Chẳng biết đáp lại tình cảm của anh em trong Ban như thế nào, chị Dậu chỉ tự hứa với bản thân sẽ chuyên tâm mỗi ngày để anh em được ăn cơm ngon mỗi ngày lấy sức làm việc. “Có thể chưa hợp khẩu vị từng người, nhưng chắc anh em cũng cảm nhận được rõ vị cơm nhà”, chị Dậu cười.

Tình người

Từ sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, nhiều tỉnh, địa phương chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề, Công đoàn Tập đoàn Đèo Cả đã phát động, kêu gọi cán bộ, công nhân viên chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.

Thời gian này, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, đặc biệt tại những nơi có dự án đi qua, theo dõi sát sao tình hình, rà soát, thống kê các khu vực còn ngập lụt và bị chia cắt để kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Ngày 13/9, Tập đoàn Đèo Cả đã chuẩn bị hàng trăm suất hỗ trợ bao gồm các nhu yếu phẩm: gạo, dầu ăn, mì tôm, cũng như sách vở để hỗ trợ các hộ dân và trẻ em thuộc các hộ khó khăn trên địa bàn các huyện Văn Lãng và Tràng Định tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, 200 suất quà bao gồm vở, bút viết đã được phân phát cho các em học sinh thuộc 6 điểm trường trên địa bàn huyện Tràng Định. Nằm trong tâm lũ, nhưng may mắn rằng trường Tiểu học & THCS Hùng Sơn (Tràng Định) không chịu ảnh hưởng nặng nề như một số thôn xung quanh. Do đó, học sinh đã trở lại lớp học ngay khi mưa lũ ngớt và ngôi trường được xong xuôi.

made with @nex3's grid generator

Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị thành viên gửi tặng 200 phần quà cho các em học sinh trên địa bàn huyện Tràng Định.

Theo bà Vi Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường, hơn 100 em trong số 449 học sinh của nhà trường có nhà cửa bị ngập lụt. Ngoài sách vở, đến nay nhà trường đã nhận được nhiều phần quà như bánh chưng, bánh mì, bánh nướng từ các đoàn thiện nguyện. “Cảm ơn Tập đoàn Đèo Cả đã quan tâm tới xã Hùng Sơn và nhân dân Tràng Định, trẻ em nơi đây trong đợt mưa lũ này”, bà Vi Thị Lan cho biết.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, việc hỗ trợ đồng bào các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ cấp bách và được ưu tiên hàng đầu, với phương châm “Nhanh nhất, thiết thực nhất, hiệu quả nhất” theo hai hướng là đóng góp bằng công sức và đóng góp bằng hiện vật để khắc phục kịp thời nhất hậu quả của mưa lũ.

Tranh thủ hai ngày cuối tuần, các thành viên thuộc Ban Quản lý Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn “trên từng cây số” để hỗ trợ bà con trên những địa bàn của tỉnh bị mưa lũ tàn phá.

Tại trụ sở UBND các xã Tân Mỹ và Hoàng Việt thuộc huyện Văn Lãng, 200 suất quà đã được trao tận tay bà con hai huyện Văn Lãng và Tràng Định. “Với tinh thần lá lành đùm lá rách, Tập đoàn Đèo Cả mong bà con sớm ổn định cuộc sống”, ông Hoàng Văn Hưng chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, trao tặng phần quà cho bà con huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).

Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị thành viên dành tặng những phần quà bao gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu gửi tặng bà con huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).

Ông Vũ Văn Nhiên, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn), ghi nhận và cảm ơn những hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ của Tập đoàn Đèo Cả dành cho nhiều hộ gia đình khó khăn do bão lũ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chủ tịch huyện Văn Lãng cũng mong muốn Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục hỗ trợ để người dân xứ Lạng sớm trở lại với nhịp sống thường nhật.

Kể từ ngày 13/9, tất cả các trạm thu phí do Đèo Cả đầu tư quản lý đã tạo mọi điều kiện và miễn thu phí cho xe cứu trợ đi qua trạm.

Cũng kể từ ngày 13/9, Tập đoàn Đèo Cả đã hỗ trợ miễn phí đường bộ cho toàn bộ các phương tiện chở hàng cứu trợ đi qua tất cả các trạm thu phí do Đèo Cả quản lý vận hành cùng lời nhắn ấm áp tình người: “Tập đoàn Đèo Cả kính chúc các đoàn cứu trợ thượng lộ bình an, chung tay hỗ trợ bà con vũng bão lũ sớm ổn định cuộc sống”.

Tin bài: Huy Vũ - Ảnh: Tuấn Linh