Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn:

Cuộc "tái sinh" khó tin của các nhà thầu

18/03/2019

Dưới thời nhà đầu tư cũ (đứng đầu là UDIC), dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khởi công từ tháng 7/2015, đến 2017, có nguy cơ phá sản hoàn toàn. Sự đình trệ đó đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh sống dở chết dở vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án.

Mọi chuyện đã thay đổi theo hướng tích cực khi Tập đoàn Đèo Cả được Bộ Giao thông vận tải mời vào thay thế nhà đầu tư cũ, cứu dự án.

Ông Phạm Doãn Lĩnh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hòa Hiệp (quần đen) trực tiếp chỉ đạo thi công

Nhà thầu “chết đi sống lại”

Trên công trường đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn những ngày trung tuần tháng 3, công nhân tại các gói thầu đang gấp rút những hạng mục cuối cùng để đưa dự án về đích vào tháng 9/2019 theo chỉ đạo của Nhà đầu tư.

Trên công trường thuộc gói thầu của nhà thầu Hòa Hiệp

Giám đốc điều hành Công ty HNHH Hòa Hiệp, Phạm Doãn Lĩnh trực tiếp có mặt tại công trường chỉ đạo công tác rải nhựa. Ông Lĩnh cho biết: “Gói thầu của nhà thầu Hòa Hiệp chúng tôi đã hoàn thành 90% khối lượng công việc và với khí thế này có thể hoàn thành trước hạn mà chủ đầu tư giao”.

Ít người biết rằng, 2 năm trước, dưới thời nhà đầu tư UDIC, nhà thầu Hòa Hiệp của ông Lĩnh đứng trên bờ vực vỡ nợ. Công ty Hòa Hiệp được Bộ Giao thông vận tải giới thiệu vào thực hiện một số thầu gói công trình cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Công ty này đã ứng ra gần 150 tỷ đồng để triển khai xây dựng gói thầu. Hơn một năm trời, số tiền ứng ra đó đã không được nhà đầu tư UDIC giải ngân.

“Chúng tôi phải vay ngân hàng để chi trả lương cho cán bộ công nhân viên suốt thời gian dài, trả lãi cho số tiền ứng vay để xây dựng gói thầu. Phía Nhà đầu tư UDIC không hề giải ngân một đồng nào”, ông Lĩnh chia sẻ.

Trên công trường thuộc gói thầu của nhà thầu Hòa Hiệp

Số nợ ngày một lớn vượt qua sự kiểm soát, đã có lúc ông Lĩnh nghĩ đến việc tìm đến cái chết vì “không nhìn thấy lối thoát”. “Không chỉ nhà thầu Hòa Hiệp đâu! Dưới thời Nhà đầu tư UDIC toàn bộ các nhà thầu đều lao đao vì nợ”, ông Lĩnh cho biết.

Thời điểm tuyệt vọng nhất, Tập đoàn Đèo Cả đã vào thay thế UDIC làm nhà đầu tư dự án, cứu Hòa Hiệp và các nhà thầu khác đang trên bờ vực vỡ nợ khi triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc này. Ngay lập tức, Đèo Cả đã giải ngân cho một loạt nhà thầu trong đó có Hòa Hiệp. “Hòa Hiệp như chết đi sống lại”, ông Lĩnh chia sẻ.

Đã ngoài 50 tuổi, với 25 năm kinh nghiệm xây dựng các công trình khắp trong nam ngoài bắc, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Hòa Hiệp quê Nam Đàn (Nghệ An) cho rằng: “Đèo Cả là nhà đầu tư làm việc quyết liệt, đòi hỏi chất lượng cao nhất, sòng phẳng và trách nhiệm nhất từ trước tới nay”.

“Chúng tôi sẵn sàng đi vay tiền cùng nhà đầu làm dự án”

Cũng trong khí thế băng băng về đích, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long cũng đang “xua quân” ra công trường khẩn trương triển khai những hạng mục còn lại trong gói thầu của mình tận dụng những ngày thời tiết thuận lợi.

Ông Thái Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long rất lạc quan với tiến độ thi công hiện nay

Giống như Hòa Hiệp, Hoàng Long đã từng gặp khó trong giai đoạn hợp tác với nhà thầu cũ. Ông Thái Ngọc Tiến, Giám đốc công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long cho biết: “Sau khi Đèo Cả vào thay thế nhà đầu tư cũ, mọi việc được nhanh chóng khởi động lại. Hiện nay, những gói thầu của Hoàng Long chỉ vướng một chút về giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng, nhanh chóng triển khai công việc. Dự kiến các gói thầu sẽ về đích đúng hẹn”.

Ông Tiến cho biết chính ông cũng “không tin được” khi chỉ trong một thời gian ngắn, việc triển khai cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn từ chỗ bế tắc đến việc băng băng về đích. “Mấu chốt của vấn đề là Tập đoàn Đèo Cả thay thế nhà đầu tư cũ để làm dự án”, ông Tiến nói.

Niềm tin từ các nhà thầu đối với Đèo Cả nhanh chóng được lan tỏa. Ngay khi biết nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có những bước đi cụ thể để quyết tâm thực hiện dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị dù việc thu xếp vốn tín dụng từ phía ngân hàng còn gặp một số vướng mắc, trong một cuộc họp giữa Nhà đầu tư Đèo Cả với các nhà thầu, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TM&XD Hoàng Long đã khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng chung tay làm dự án này, tôi có niềm tin về BOT”. Ông Thành biết thêm, với tư cách là người làm xây dựng lâu năm, ông muốn góp phần cùng với Đèo Cả làm nên những công trình ấn tượng cho đất nước. “Nếu không thu xếp được nguồn vốn tín dụng, chúng tôi sẽ “thắt lưng buộc bụng” cùng chủ đầu tư thực hiện dự án”, ông Thành bày tỏ sự quyết tâm và niềm tin vào nhà đầu tư.

Nhà thầu Hoàng Long đang gấp rút thi công một nút giao trong gói thầu của mình

Trở lại với tiến độ dự án, kể từ năm 2017, khi Đèo Cả tham gia tiếp nhận dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã nhanh chóng giải quyết các vướng mắc tồn tại. Đến nay, không những bù đắp được phần chậm tiến độ của gần 2 năm trước đó, mà còn thực hiện vượt tiến độ 18% dự kiến, bảo đảm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác cuối năm 2019.

Tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn ngày 24/9/2018, trên cơ sở rà soát các nội dung liên quan, qua báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực của các bên liên quan trong việc đảm bảo tiến độ dự án quan trọng này.

Trong chuyến kiểm tra tuyến vừa qua, PGS.TS Trần Chủng, Nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước các công trình xây dựng ( Bộ Xây dựng), Thường trực Hội đồng Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, Đèo Cả luôn yêu cầu chất lượng công trình đảm bảo kỹ thuật rất cao. Ngoài việc yêu cầu các nhà thầu thi công đúng thiết kế còn phải chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường.

“Bên cạnh việc tạo nên một tuyến giao thông chất lượng, Đèo Cả luôn hướng đến việc tạo nên một công trình thân thiện với môi trường. Để làm sao, khi công trình đi vào vận hành, khi nói đến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đó không chỉ là niềm tự hào của nhà đầu tư mà còn là niềm tự hào của các nhà thầu khi cùng chúng tôi xây dựng nên”, PGS.TS Trần Chủng nói.

Bài: Q.T
Ảnh: Doãn Tuấn Linh