Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn:

Khi đã thông đường thực địa, cần thông đường trách nhiệm

15/01/2020     93

Sau rất nhiều nỗ lực, gác lại các khó khăn vướng mắc về phương án tài chính gây thiệt hại cho chính mình, Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã chính thức đưa tuyến cao tốc này vào vận hành miễn phí trong dịp Tết Canh Tý, bắt đầu từ 0h ngày 15/1/2020.

Việc đưa vào khai thác miễn phí đường cao tốc Bắc Giang –Lạng Sơn trong dịp Tết Canh Tý sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ước khoảng 45 tỷ đồng đối với một dự án BOT đang bị âm dòng tiền trong thời gian đầu khai thác là sự nỗ lực của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ Vietinbank.

Với quan điểm chia sẻ cùng người dân, Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã chủ động kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn đưa dự án vào vận hành miễn phí để giảm thiểu tai nạn giao thông, kịp thời phục vụ việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền, đồng thời để kiểm chứng, đánh giá tổng thể công tác vận hành toàn tuyến. Đến chiều ngày 10/1/2020 UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị và chấp thuận đưa dự án (đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) vào khai thác như đề xuất của nhà đầu tư.

Thông qua thời gian vận hành miễn phí, nhà đầu tư sẽ đánh giá toàn bộ hệ thống thu phí, hệ thống đảm bảo ATGT, tiếp tục rà soát, đối chiếu số liệu và đánh giá lưu lượng, các ảnh hưởng khác nhằm thống nhất với tỉnh Lạng Sơn các giải pháp khắc phục các tồn tại phương án tài chính (bao gồm cả việc bị ảnh hưởng doanh thu) nhằm hoàn thiện đảm bảo các điều kiện vận hành thông suốt, an toàn lâu dài để dự án không bị gián đoạn trong thời gian tới.

Đưa cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vào hoạt động phục vụ miễn phí dịp Tết cổ truyền là việc làm nhân văn đối với người dân, xã hội của nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả mặc dù dự án này vẫn còn nhiều bất cập. Tết Kỷ Hợi vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã đưa hầm Cù Mông vào khai thác miễn phí phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trước khi chính thức thu phí.

Việc cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đi vào khai thác chấm dứt sự đình trệ của dự án kéo dài hơn 5 năm qua. Điều đó đã minh chứng rằng, khi dự án bị ách tắc, nếu có sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, các bộ ngành, sự vào cuộc của nhà đầu tư có năng lực điều hành, quản trị dự án, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền khi giải phóng mặt bằng và hỗ trợ của ngân hàng phù hợp thì sẽ tháo gỡ được các nút thắt để đưa dự án về đích đúng hẹn.

Trước mắt, nhà đầu tư sẽ phải giải quyết bài toán khó của phương án tài chính do việc bỏ bớt 1 trạm thu phí, miễn giảm phí cho gần 5.000 phương tiện giao thông mà trước đây chưa lường hết được,đồng thời khi chưa hoàn thành tuyến Chi Lăng-Hữu Nghị nên tuyến cao tốc mới tới Chi Lăng còn cách thành phố Lạng Sơn 30km và cách cửa khẩu Hữu Nghị 43km.

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là chính sách đầu tư đúng đắn được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công với các cơ sở đầu vào, sự cam kết của các bên về tài chính luôn đảm bảo, chuẩn mực và không hồi tố nhưng ở nước ta cơ chế chính sách cho hình thức này còn nhiều bất cập.

Một số cơ quan nhà nước, một bộ phận truyền thông và không ít người dân quan niệm rằng nhà đầu tư là nhà thầu, tổng mức đầu tư là tổng vốn đầu tư, lưu lượng dự báo luôn nhỏ hơn thực tế (tất cả đều là lợi ích nhóm) nên cách tương tác giải quyết công việc cũng như truyền thông có cái nhìn chưa chính xác về đầu tư hợp tác PPP, thay vì đối xử đối tác bình đẳng lại thường áp đặt, thay đổi hoặc phản đối kể cả khi lộ trình thu phí đã được thống nhất ký kết điều chỉnh.

Diễn biến của dự án bị vướng từ pháp lý (khi các nhà đầu không đảm bảo năng lực), giải pháp kỹ thuật (hướng tuyến không chính xác), lãi vay(theo quy định thấp hơn nhiều so với thông lệ của ngân hàng), tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà thầu (khi có nhiều chủ đầu tư “phẩy”, nhà thầu “phẩy”...). Dự án được tháo gỡ hoàn thành trong 2 năm đã minh chứng cho mô hình đối tác công tư (PPP) là ưu việt, cần phát huy.

Việc luật hóa mô hình đối tác công tư cần xem xét khi đối tác bên A là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gồm nhiều bên liên quan là các cơ quan, người dân …) cùng bên B (chỉ là các nhà đầu tư & ngân hàng) để tiến tới mô hình PPP hội nhập quốc tế cần điều chỉnh theo thực tế để đảm bảo sự công bằng hợp lý mới thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ khi bên A giảm bớt sự ràng buộc của nhiều bên khác nhau, tuân thủ theo cam kết của hợp đồng và bên B chịu trách nhiệm cho sản phẩm dịch vụ của mình thì hạ tầng giao thông mới hy vọng có những bước đi mới. Tránh tình trạng khi nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án với Nhà nước và giá trị hợp đồng thường xuyên bị thay đổi sau khi có ý kiến của cơ quan hậu kiểm.

Với phương châm, tìm lối đi thay vì lối thoát, nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cùng với việc đưa vào vận hành miễn phí tuyến cao tốc này, họ sẽ tiếp tục cùng với tỉnh Lạng Sơn, ngân hàng tháo gỡ các vướng mắc còn tồn đọng. Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cũng đã đề xuất UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn về thực trạng khó khăn của phương án tài chính tiến tới báo cáo Chính phủ có các giải pháp bổ sung nguồn vốn Ngân sách Nhà nước để đảm bảo tính hợp lý của phương án tài chính nhàm đảm bảo việc đưa vào khai thác vận hành ổn định, lâu dài.

Những lượt xe đầu tiên đi vào cao tốc tại điểm đầu thuộc huyện Chi Lăng:

T.T